Sân khấu kịch tết “Đổi món” cho khán giả

24/01/2016 19:07

Theo dõi trên

Đã thành thông lệ, cứ vào khoảng đầu tháng Chạp, các sân khấu kịch tại TPHCM liên tiếp trình làng các vở diễn mới. Nếu mùa tết 2015 chứng kiến sự lên ngôi của kịch kinh dị, kịch ma thì năm nay, “mâm cỗ” ngày tết dường như đa dạng và có sự thay đổi nhiều hơn từ hài kịch, bi-hài kịch, kịch tâm lý xã hội, nhạc kịch, kịch về giới tính, kịch thiếu nhi... Mỗi sân khấu một thế mạnh nhưng có chung tâm huyết với hy vọng có một mùa bội thu.

Không chỉ có hài, kinh dị...

Hai sân khấu luôn có lượng khán giả ổn định suốt một năm qua là IDECAF và Thế Giới Trẻ tiếp tục tung ra nhiều vở kịch hứa hẹn hút khách. Dàn diễn viên gồm: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Kim Xuân, Đức Thịnh, Lê Dương Bảo Lâm... sẽ xuất hiện trong các vở diễn mới: Thú yêu thương, Vẻ đẹp hoàn hảo, Phép lạ... Đặc biệt, vở kịch Tấm Cám (tác giả: Anh Tuấn, đạo diễn: Hùng Lâm) được dựng lại từ kịch bản Ngày xửa ngày xưa hứa hẹn tiếp tục hút khán giả. Một điểm khá thú vị là, trong mùa kịch tết này, kịch Tấm Cám còn được thể nghiệm phong cách mới - nhạc kịch thuần Việt đầu tiên bởi nhóm Buffalo với những tình huống, góc nhìn nhân văn, mới mẻ của những người trẻ. Trong khi đó, Sân khấu Thế Giới Trẻ trình làng hai vở mới thuộc hai phong cách hoàn toàn khác nhau: kịch kinh dị trinh thám Mộ hoang với sự tham gia của các diễn viên: Tiểu Bảo Quốc, Thu Trang, Hoàng Phi... và nhạc kịch Trót yêu hài hước, vui vẻ qua phần thể hiện của NSƯT Đàm Loan, diễn viên Khương Ngọc, Quang Tuấn, Tiến Luật...



Lan và Điệp - vở kịch được Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh dựng lại từ tác phẩm nổi tiếng nhưng được thổi vào đó làn gió mới

Gắn liền với thương hiệu kịch kinh dị, kịch ma, mùa tết 2016 Sân khấu kịch Hồng Vân chuyển hướng sang các tác phẩm có nội dung hài hước nhưng vẫn gửi gắm vào đó những thông điệp ý nghĩa. Ra mắt từ tháng 12-2015 là vở Một cha ba mẹ - tác phẩm đề cao tình yêu thương giữa con người với con người. Niềm vui và tiếng cười còn được nối tiếp trong các vở: Gia đình bá đạo, Tiệm tóc âm dương... Hai vở kịch mang yếu tố kinh dị - hài rất được mong chờ là Bí ẩn cafe 3D - phần 2 của vở kịch ăn khách năm 2015 Xóm trọ 3D và Ác nghiệt.


Bi hài kịch Ấn Độ - Cưới vợ cho chồng của Sân khấu Sao Minh Béo ăn theo cơn sốt phim truyền hình Ấn

Năm nay, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng có những thay đổi thú vị mặc dù vẫn trung thành với thể loại kịch tâm lý xã hội. Hai vở diễn mới được công diễn suốt dịp tết này là Lan và Điệp và Mình có quen nhau hông? đều dựa trên những tuồng cải lương nổi tiếng đã hằn sâu vào tiềm thức của khán giả nhưng thông qua sự dàn dựng của đạo diễn Ái Như và đạo diễn, NSƯT Thành Hội lại mang lại màu sắc mới. Bên cạnh đó, các vở diễn cũ: Bao giờ sông cạn, Nửa đời hương phấn, Nửa đời ngơ ngác... cũng tiếp tục được luân phiên biểu diễn.

Là sân khấu còn khá non trẻ, Sao Minh Béo năm nay đa dạng hóa các vở kịch của mình khi dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Các vở: Trạng làm quan, Showbiz, Cưới vợ cho chồng ngoài những tình tiết hài vui nhộn còn phản ánh cuộc sống, xã hội, đồng thời gửi đến công chúng hôm nay những bài học về tình người, tình vợ chồng, tình anh em. Hai vở kịch thiếu nhi: Tây du ký và Cậu bé rừng xanh dạy các em thiếu nhi kỹ năng sống, các bài học làm người để ngày càng hoàn thiện tính cách.



NSƯT Thành Hội và diễn viên Hồng Ánh trong vở Mình có quen nhau hông?

Năm nay, sân khấu kịch thành phố chào đón hai đại diện mới: Sân khấu Trịnh Kim Chi và Sân khấu Hồng Hạc. Một nửa đàn bà, Loạn tình, Rằm tháng 7... là những tác phẩm sẽ được công diễn suốt dịp tết 2016 trên sân khấu của “bà bầu” Trịnh Kim Chi. Trong khi đó, Sân khấu Hồng Hạc cũng chào sân khán giả với 4 tác phẩm: Thiên Thiên, Giờ của quỷ, Visa, Đảo lửa. Năm nay, Nhà hát kịch TPHCM chỉ cho ra mắt một tác phẩm mới: Cô gái triệu đô. Trong khi đó, Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B vẫn trong giai đoạn đóng cửa sửa chữa; Sân khấu Nụ Cười Mới cũng im ắng hơn so với mọi năm.

Nỗ lực vượt khó

Tình trạng khó khăn của các sân khấu kịch trên địa bàn TPHCM tái diễn suốt một thời gian dài vừa qua và trong dịp tết này do sức ép cạnh tranh với các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, các phim chiếu tết nội địa và ngoại nhập...  Hai khó khăn nội tại luôn được nhắc đến đó là vấn đề kịch bản và diễn viên. Trong ngày công diễn vở Cưới vợ cho chồng, diễn viên Minh Béo tâm sự: “Có lúc chúng tôi tưởng chừng không thể tiếp tục diễn bởi ê kíp diễn viên thay đổi liên tục: người bận đóng phim, người có việc gia đình, người có bầu... Để ra mắt được vở diễn dàn diễn viên được thay đến lần thứ tư”. Cùng chung cảnh ngộ đó, sau suất diễn đầu tiên vở Giờ của quỷ tại Sân khấu Hồng Hạc, diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh tiết lộ, vai nữ chính ban đầu được dành cho một người khác nhưng cuối cùng chị phải vào vai này. Chưa hết, một vai diễn nữ khác cũng được thay thế một tuần trước khi lên sàn diễn vì lý do cá nhân.

Thiếu diễn viên do mải chạy show phim truyền hình, gameshow hoặc không tập hợp được cùng một lúc để dựng vở khiến các “ông, bà bầu” sân khấu phải tìm mọi cách khắc phục. Theo “ông bầu” Ngọc Hùng: “Diễn viên bây giờ quá bận rộn chạy show và họ không có bất cứ ràng buộc nào với sân khấu, tất cả gắn bó với nhau chỉ vì tình nghĩa”. Đó là lý do để các sân khấu Trịnh Kim Chi, Hồng Hạc, Sao Minh Béo... ngoài việc tổ chức biểu diễn còn mở các lớp dạy các học viên.  

Giải quyết những khó khăn về kịch bản, mỗi sân khấu một cách làm khác nhau. Sân khấu Trịnh Kim Chi kêu gọi các học viên trẻ, các đạo diễn trẻ viết kịch bản. Sau đó, cả ê kíp cùng ngồi lại bàn bạc nhằm đưa ra những phương án tốt nhất. Sân khấu Thế Giới Trẻ được đích thân “ông bầu” Ngọc Hùng đặt hàng các tác giả theo ý tưởng của mình. Theo “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn, Sân khấu IDECAF ngoài việc đầu tư các kịch bản mới mang thông điệp thời sự nóng hổi còn cho dựng lại các vở nổi tiếng. Mùa tết năm nay, hai vở Tấm Cám và Phép lạ nằm trong số đó. Với đạo diễn, NSƯT Thành Hội, khi quyết định thực hiện làm lại tác phẩm Lan và Điệp, anh cho rằng: “Làm mới lại một tác phẩm đã in sâu vào lòng công chúng nhiều thế hệ và phản biện lại với nguyên tác, mở ra một hướng mới cho số phận nhân vật, chúng tôi chấp nhận những thử thách và chờ đợi những cảm xúc từ khán giả”.

Trong khó khăn chung đó, nhiều “ông, bà bầu” sân khấu vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào doanh thu mùa tết 2016 này. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Sân khấu kịch IDECAF, cho biết: “Như mọi năm, các suất diễn của IDECAF dịp tết lúc nào cũng đông nghẹt khán giả. Năm nay, sân khấu thành phố bị ảnh hưởng bởi độ phủ sóng của các gameshow hài trên truyền hình nhưng chúng tôi may mắn khi vẫn duy trì biểu diễn ở mức độ ổn định. Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là đầu tư nâng cao chất lượng kịch bản, dàn dựng sân khấu để khán giả cảm thấy hài lòng khi bỏ tiền ra mua vé”.

Theo SGGP

Bạn đang đọc bài viết "Sân khấu kịch tết “Đổi món” cho khán giả" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.