Rừng Thông in dấu chân Người

27/05/2017 09:53

Theo dõi trên

Khi sen bắt đầu vào mùa tỏa hương tháng 5, chúng ta lại nhớ đến Người. Từ thành phố Thanh Hóa, du khách đi về phía Tây khoảng 5 km là đến địa chỉ đỏ nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên (20-2-1947) - thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Đến đây dường như chúng ta cảm nhận rõ hơn tấm lòng, tình cảm của Bác kính yêu đối với Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa, được trải ngắm một vùng non xanh với bao trầm tích văn hóa, di tích lịch sử, thắng cảnh hấp dẫn bên đô thị trù mật đang tháng ngày cuộn mình trong dòng chảy kiến thiết, dựng xây...



Đài tưởng niệm Bác Hồ tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Ảnh: Lan anh.

Đài tưởng niệm Bác Hồ ở thị trấn Rừng Thông những ngày này đón hàng trăm lượt khách thăm viếng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Rừng Thông nằm bên sườn đồi phía Nam của dãy núi thấp Viện Sơn, hay còn gọi là núi Phượng Lĩnh. Năm 1919 thực dân Pháp cho bọn Tây đồn điền đến thầu trồng thông. Từ đó, núi có tên là núi Rừng Thông, nay thuộc thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn).

Dãy núi Viện Sơn gồm 5 ngọn núi đất nhỏ liên kết với nhau, đỉnh núi  cao nhất 169m, sườn dốc thoải. Nơi đây vẫn còn lưu truyền câu chuyện dân gian khi xưa có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, hàng ngày chứng kiến cảnh dân cày gặp hạn hán mất mùa, lúa trên đồng khô cháy dẫn đến cảnh  đói khổ triền miên. Chàng quyết lên đỉnh núi, theo đường cầu vồng lên Trời, đánh ba hồi trống ở cổng Thiên đình để được vào chầu Trời  xin nước về cho nhân dân cày cấy. Trời thấy kẻ phàm trần tự tiện lên Thiên, kêu xin ban nước đánh trống khuấy động giấc ngủ trưa, nên vô cùng tức giận, nổi giận sai năm con đại bàng đánh nhau với chàng, nhưng chúng đều bị chàng giết chết. Trời đành đưa xuống xứ Thanh con sông Mã cấp nước cho nhân dân cày cấy. Từ đó, lúa hoa bốn mùa xanh tốt. Câu chuyện xưa nói lên khát vọng chinh phục thiên nhiên, tình yêu quê hương và ý chí bảo vệ hòa bình,  dựng xây đất nước của cư dân ven sông Mã từ thuở văn hóa Đông Sơn.

Trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc mà đỉnh cao là cuộc cách mạng tháng Tám, khu vực Rừng Thông luôn là địa điểm liên lạc, kết nối các cơ sở cách mạng như Hàm Hạ (xã Đông Tiến). Tại Hàm Hạ,  tối 18-8-1945  các đồng chí lãnh đạo cách mạng đã quyết định: Tổ chức 3 tổ tự vệ chốt tại Rừng Thông làm nhiệm vụ canh gác, phục kích, cắt đường giây thông tin liên lạc của địch đi các vùng phía Tây của tỉnh. Ngay sau cách mạng tháng Tám, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Trước bước phát triển mới của cách mạng, nhằm xây dựng vững chắc hậu phương mà Thanh Hóa là mảnh đất hội đủ những yếu tố thiên thời, địa lợi và nguồn nhân lực cách mạng dày dạn kinh nghiệm, bảo đảm thắng lợi cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.  Ngày 20 – 2- 1947, Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam luôn  dõi theo từng bước đi phong trào cách mạng ở Thanh Hóa đã về Rừng Thông nói chuyện với cán bộ chủ chốt Thanh Hóa.

Tại đây,  Bác đã dạy cán bộ Thanh Hóa về đạo đức người cách mạng, về đường lối cách mạng của Đảng,  chủ trương con đường kháng chiến đi đến thắng lợi. Tấm bia khắc đá tại Đài tưởng niệm Bác Hồ, ghi rõ lời Bác: “... Đối với nhân dân: - Phải nhớ,  đoàn thể làm việc cho nhân dân, đoàn thể mình mạnh hay yếu là ở dân. Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân, phải tôn kính dân. Phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin. Muốn cho dân tin phải thanh khiết...”. Những lời căn dặn ân tình của Bác đã nhen lên những ngọn  lửa cách mạng cháy trong lòng nhân dân Thanh Hóa để góp phần làm “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” và có ngày 30 - 4- 1975 lịch sử.

Ngày 15-4-1989, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định quy hoạch, bảo vệ Khu di tích lịch sử cách mạng Rừng Thông. Ngày 6-11-1989, Bộ Văn Hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận Rừng Thông - nơi Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Để tỏ lòng biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc trong tỉnh  đóng góp xây dựng  công trình Đài tưởng niệm Bác Hồ, được khởi công từ ngày 3-2 đến ngày 19-5-1990 thì hoàn thành. Đài tưởng niệm được đặt trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Phượng Lĩnh trong dãy núi Viện Sơn trông ra cánh đồng bát ngát và thị trấn Rừng Thông đang từng ngày thay da, đổi thịt.

Năm 2012, kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ lần đầu về thăm Thanh Hóa, lãnh đạo huyện Đông Sơn cho tôn tạo thêm các công trình Nhà bia khắc tên các liệt sỹ quê huyện Đông Sơn trên những khối đá xanh, làm nhà lưu niệm, đường bậc thang xi măng lên Đài tưởng niệm Bác Hồ tạo điều kiện cho bà con nhân dân và du khách lên thăm viếng  thuận lợi. Nhà lưu niệm làm ngay sát mặt đường, bên trong phía bên trái đặt bàn thờ Bác, bên phải đặt chiếc trống đồng do Đảng bộ và nhân dân huyện Đông Sơn đã chập lửa lò đúc với đường kính mặt trống 79 cm mang ý nghĩa 79 mùa xuân tuổi Bác. Trống cao 69 cm tượng trưng cho năm sinh của Người. Trên thân trống khắc 5 hình ảnh về Bác, gồm: Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, 4 hình ảnh còn lại là những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Cũng nhân dịp này, cán bộ và nhân dân huyện Đông Sơn nói riêng, Thanh Hóa nói chung vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí Thư Đảng cộng sản Việt Nam cùng nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đến dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Đài tưởng niệm. Từ địa chỉ đỏ này, huyện Đông Sơn đã hình thành và  kết nối các tua du lịch danh lam, thắng tích từ Đài tưởng niệm Bác Hồ với đền thờ và lăng mộ đá Nguyễn Văn Nghi (xã Đông Thanh), Đền thờ Nguyễn Nhữ Soạn (xã Đông Yên), mộ và bia ký  Đền thờ Nguyễn Chích (xã Đông Ninh), thành cổ Hoàng Nghiêu, thung chim, núi vàng (xã Đông Nam)... Từ đây, du khách đi lên Am Tiên, Bến En, Lam Kinh, thành Nhà Hồ, suối cá Cẩm Lương, thác Hiêu... vô cùng thuận lợi.

Trên đồi thông gió vi vút thổi,  hương hoa thông thoang thoảng xen lẫn hoa đại ngào ngạt dưới chân Đài tưởng niệm Người, khung cảnh thật linh thiêng và bình lặng, êm đềm. Một nén hương thắp lên lan tỏa niềm biết ơn vô hạn vị lãnh tụ một đời vì dân, vì nước.


PV

Nguồn: Báo Thanh Hóa
Bạn đang đọc bài viết "Rừng Thông in dấu chân Người" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.