Hệ động vật rừng ngập mặn nơi đây vô cùng phong phú.
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau che phủ cả một vùng rộng lớn, với các loài cây đặc hữu: Đước, mắm, vẹt, sú, dá, dừa nước... tạo môi trường thuận lợi cho quần thể động vật cư ngụ, sinh trưởng. Từ năm 1961 - 1971, rừng ngập mặn Cà Mau gần như bị phá vỡ hoàn toàn, do bị quân đội Mỹ sử dụng hàng triệu lít chất độc màu da cam rải xuống. Sau năm 1975, chiến dịch trồng lại rừng ở Cà Mau được phát động, đến nay diện tích rừng đã được phủ xanh.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có vị trí tại mũi đất cực Nam của lãnh thổ Việt Nam. Tổng diện tích tự nhiên trên 40.000ha, bao gồm phần trên đất liền và ven biển. Ngày 26/5/2009, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ngày 13/4/2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới trao bằng chứng nhận Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau trở thành Khu Ramsar thứ 2.088 của thế giới.
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau còn là điểm đến lý tưởng để nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái.
Hiện nay, sau hơn 39 năm khôi phục và bảo vệ, rừng ngập mặn mũi Cà Mau trở thành khu rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam và có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Hệ thực vật gồm 103 loài, chủ yếu là mắm, đước, sú, vẹt...
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau.
Hệ động vật nơi đây cũng vô cùng phong phú về giống, loài: Gồm: Cua biển, tôm sú, tôm thẻ bạc, sò huyết; cá ngát, cá dứa, cá nâu, cá kèo, cá đối, thòi lòi... Nhiều loài và bò sát: Kỳ đà, hổ mang, hổ đước, trăn gấm, đẻn cá cùng hàng trăm loài chim.
Trồng rừng lấn biển.
Rừng ngập mặn mũi Cà Mau cũng là điểm đến lý tưởng cho nghiên cứu khoa học và du lịch sinh thái. Nhiều năm qua, Khu du lịch Mũi Cà Mau cùng với các nhà làm du lịch địa phương đã đầu tư hệ thống cầu - đường bộ, lối đi trong rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan du lịch. Đến mũi Cà Mau, du khách sẽ có dịp đi xuyên rừng, đi canô, vỏ lãi, ngắm vẻ đẹp đặc trưng của rừng ngập mặn, khu bãi bồi; câu cá, bắt cua, ốc len, ba khía; dã ngoại, cắm trại và thưởng thức các món đặc sản.
Theo baoanhdatmui.vn