Quyết tâm “Hào khí Quang Trung - Tây Sơn hội tụ và phát triển”

16/09/2016 15:59

Theo dõi trên

Tây Sơn Thượng đạo (thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) là địa danh đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây đã ghi lại dấu tích về những trang sử hào hùng của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước, giữ nước vĩ đại.

 
(Nguồn internet)

Trùng tu khu di tích Tây Sơn
 
 Dù còn nhiều khó khăn, song từ sau khi được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia đến nay, các địa phương đã nỗ lực trùng tu, tôn tạo nhằm giữ gìn và phát huy giá trị của quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo. Cụ thể: Miếu Xà được dân làng vùng Thượng An-Song An đóng góp tu sửa nhiều lần để làm địa điểm cúng tế khai sơn, quý Xuân đầu năm và được đặt bia ghi nhớ vào năm 2008.

Cụm di tích An Khê Đình-An Khê Trường-Gò Chợ đã được thị xã An Khê quy hoạch với diện tích 43 ha, đầu tư kinh phí 11 tỷ đồng để xây dựng Nhà bảo tàng vào năm 2007 và 600 triệu đồng để lắp đặt mới các ban thờ, cặp liễn, cửa vọng tại An Khê Đình, An Khê Trường trong 2 năm 2014-2015. Hàng năm, cán bộ và nhân dân nơi đây vẫn duy trì lễ dâng hương kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa (mùng 4 tháng Giêng), cúng khai sơn (mùng 10 tháng Giêng), quý Xuân (mùng 10-2 Âm lịch), giỗ Hoàng đế Quang Trung (29-7 Âm lịch). Ban Thường vụ Thị ủy An Khê cũng đã chỉ đạo mời các cụ cao niên thuộc Ban Nghi lễ và Ban Nhạc lễ phụ trách các hoạt động cúng bái; hàng năm hỗ trợ kinh phí để đảm bảo duy trì các hoạt động này. Cụm di tích Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu đã có đường bê tông vào tận nơi; riêng Vườn Mít đã được Huyện Đoàn Kbang gắn biển bảo vệ. Các cụm di tích khác đã gắn bia chỉ dẫn.

Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 8 vừa qua, Ban Thường vụ Thị ủy An Khê đã tiến hành ký kết hợp tác phát triển với Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn (tỉnh Bình Định). Với quyết tâm “Hào khí Quang Trung-Tây Sơn hội tụ và phát triển”, lãnh đạo 2 miền Tây Sơn Thượng đạo và Tây Sơn Hạ đạo đã thống nhất soạn ra bản ghi nhớ hợp tác phát triển gồm 7 nội dung. Thông qua bản ghi nhớ này, thị xã An Khê và huyện Tây Sơn sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình và hỗ trợ nhau phát triển, tạo động lực để xây dựng hai địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Bằng các hoạt động liên kết, hợp tác, giao lưu học hỏi kinh nghiệm, hai bên sẽ tăng cường giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng và nghĩa tình gắn bó keo sơn trong quá khứ của mình.

Trong các nội dung của bản ghi nhớ, thị xã An Khê và huyện Tây Sơn đặc biệt chú trọng đến vấn đề phối hợp tổ chức những hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá về các địa danh, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh của 2 địa phương để phát triển du lịch; đồng thời tổ chức sưu tầm hiện vật để phục vụ công tác bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.

Truyền thuyết về Tây Sơn Thượng Đạo

Tây Sơn Thượng đạo là tên gọi của vùng cao nguyên An Khê xưa, nay gồm 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và An Khê. Vùng đất này là cửa ngõ nối liền vùng đồng bằng và Tây Nguyên với địa thế vô cùng hiểm trở. Vì vậy, nơi đây đã được 3 anh em nhà Tây Sơn chọn làm căn cứ địa để chiêu binh, luyện võ.

Trong những tháng ngày ấy, nhân dân dọc sông Ba cả người Kinh lẫn người Thượng đã đoàn kết một lòng, nhất tề ủng hộ công sức, quân lương cho nghĩa quân. Chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn đã quy tụ được một đội chỉ huy tài ba, có căn cứ vững chắc, lương thảo đầy đủ, quân sĩ dũng mãnh. Từ đó, nhanh chóng đánh tan Chúa Nguyễn ở Đàng Trong rồi tiến ra lật nhào Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Trong vòng 15 năm, phong trào Tây Sơn đã lật đổ hai triều đại phong kiến, đánh tan 5 vạn quân Xiêm và hơn 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược.
 
Linh Linh (Tổng Hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Quyết tâm “Hào khí Quang Trung - Tây Sơn hội tụ và phát triển”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.