Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận, một vị quan thanh liêm, đức độ

21/04/2022 21:49

Theo dõi trên

Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận làm quan trải qua bốn đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, với hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Quan Hàn được đánh giá là vị quan thanh liêm, chính trực, có văn chương học hạnh, sở học tài hoa được học trò và người đời kính trọng. Là một người con ưu tú của quê hương Thanh Chương, Nghệ An.

1-zool-1650552329.jpg

Ông Lê Ngọc Nhuận (黎 玉 润) sinh năm 1780 (Canh Tý) tại thôn Di Luân, xã Đồng Luân, huyện Nam Đường, phủ Anh Sơn, xứ Nghệ An (nay là xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).

Theo gia phả họ Lê Ngọc, ông Lê Ngọc Nhuận sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho. Thân phụ của ông Lê Ngọc Nhuận là Nho trưởng, Tổng trưởng Lê Ngọc Chính. Thân mẫu là bà Lê Thị Trương, một người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó và hết lòng chăm lo chồng con. Anh trai của ông Lê Ngọc Nhuận là Đội trưởng Ưu binh Lê Ngọc Thái.

Ông Lê Ngọc Nhuận là con trai thứ ba trong gia đình. Thủa nhỏ ông đã nổi tiếng thông minh, mà còn rất chịu khó, sớm tối không rời việc đọc sách, với mơ ước trở thành người thầy giáo giỏi. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Gia Long. Năm 1807 (Đinh Mão), đời vua Gia Long năm thứ 6, triều đình nhà Nguyễn tổ chức khoa thi Hương đầu tiên để tuyển chọn người tài, học rộng nhằm tạo ra một đội ngũ quan lại có năng lực phục vụ đất nước. Tháng 10 năm 1807, ông Lê Ngọc Nhuận tham dự khoa thi Hương này và đã đỗ Tú Tài (秀才). Sau đó được tuyển dụng vào làm công tác giảng dạy. Năm 1830, đời vua Minh Mệnh năm thứ 11, Hoàng đế Minh Mệnh ban sắc bổ nhiệm Tú tài Lê Ngọc Nhuận làm Giáo chức huyện Hạ Hòa (Sơn Tây). Huấn đạo có trách nhiệm quản lý việc học ở cấp huyện, chức quan hàng Bát phẩm.

Vùng Hạ Hòa bấy giờ rất nghèo nàn, nhân dân đa phần mù chữ, ít học. Tại đây, thầy giáo Lê Ngọc Nhuận dạy chữ, mở mang kiến thức và lẽ nhân nghĩa ở đời dạy cho học trò thành tài, được học trò và dân thương quý. Sau một thời gian, với tài năng và sự tâm huyết của thầy giáo Lê Ngọc Nhuận, sự nghiệp giáo dục trong huyện mỗi ngày một tiến bộ, nhiều người được đến trường. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, vừa chăm chỉ làm việc vừa dùi mài kinh sử, gặp các khoa thi đều tham gia dự thi và đỗ Cử nhân (舉人). Sau đó, ông Lê Ngọc Nhuận được Hoàng đế Minh Mệnh sắc phong bổ nhiệm làm Huấn đạo huyện Hạ Hòa.

Ngày 16 tháng 9 năm 1840, đời vua Minh Mệnh năm thứ 21, bộ Lễ cử Tri huyện huyện Hạ Hoà là Nguyễn Danh Vinh phụng sung lo việc sơ khảo ở trường thi Nam Định, Huấn đạo Lê Ngọc Nhuận được cấp bằng giao thêm nhiệm vụ trông giữ ấn tín huyện Hạ Hòa.

Ngày 19 tháng 9 năm 1841, đời vua Thiệu Trị năm thứ nhất, Tri huyện huyện Hạ Hòa được bổ nhiệm làm Tri phủ phủ Vĩnh Tường, vì vậy Huấn đạo Lê Ngọc Nhuận được giao thêm nhiệm vụ trông giữ ấn tín huyện Hạ Hòa.

Huấn đạo Lê Ngọc Nhuận không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, tận tâm tận lực với nghề, tạo được uy tín và sự tôn vinh thực sự của phụ huynh, học sinh; giáo dục các em học sinh phát huy truyền thống: "Tôn sư trọng đạo", hiếu học để trở thành những nhân tài phục vụ đất nước.

Ngày mồng 6 tháng 6 năm 1842, Hoàng đế Thiệu Trị ban sắc phong bổ nhiệm Huấn đạo huyện Hạ Hòa Lê Ngọc Nhuận với trọng trách mới cao hơn, giữ chức Giáo thụ phủ Tuy An (Phú Yên), toàn văn bản dịch nội dung sắc phong như sau:

anh-1-1650534071.jpg
Sắc phong bổ nhiệm Huấn đạo huyện Hạ Hòa Lê Ngọc Nhuận làm Giáo thụ phủ Tuy An 

Dịch nghĩa:

Hoàng đế ban sắc rằng:

Huấn đạo huyện Hạ Hòa là Lê Ngọc Nhuận… [mất chữ], nay bộ Lại đề bạt tâu lên, vậy ưng chuẩn bổ thụ chức Giáo thụ phủ Tuy An, phàm các công vụ giảng dạy và khảo thí phải tuân theo điển lệ mà phụng hành. Nếu chức phận không tròn thì bị tội.

Kính thay! Ngày mồng 06 tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842). Sắc mệnh chi bảo.

Chức quan Giáo thụ, quản lý việc học ở cấp phủ, chức quan hàng Thất phẩm, được chọn trong số những người đỗ Cử nhân. Việc chọn ra các học quan dưới thời nhà Nguyễn để làm Giáo thụ được lựa chọn khá kỹ lưỡng với các tiêu chí, ngoài học vấn với quy định về bằng cấp, về tuổi tác thường phải từ trên 40 tuổi và đặc biệt phải là những người có phẩm hạnh.

Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận đã mang hết tài năng và tình cảm của mình chăm lo cho học trò của mình. Việc giáo dục và đào tạo tại Tuy An ngày càng phát triển, có nhiều học trò đỗ đạt cao như: đỗ Tú tài, Cống sĩ (Cử nhân) và sau đó được tuyển chọn vào làm quan cho triều đình nhà Nguyễn như: làm Huấn đạo, Tri châu,… đóng góp sức lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận được cấp trên trọng dụng, học trò và nhân dân quý trọng, yêu mến.

Tài năng và tâm huyết của Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận thể hiện qua tập tấu của Quan Hộ lý Phú Yên Tuần phủ quan phòng, kiêm lãnh Bố chánh sứ ấn triện, Án sát sứ là Nguyễn Hữu Cơ viết ngày 24/9/1848. Nguyễn Hữu Cơ đã dâng tấu lên vua về việc sát hạch Giáo chức trong hạt của mình, trong đó ông khen ngợi Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận là người xuất thân Tú tài, có văn chương học hạnh. Từ khi nhận chức đến nay gặp các khoa thi đều tham gia ứng thí và trúng Cử nhân, làm việc thì cần mẫn, hơn nữa tại chức Giáo thụ đã mãn hạn 6 năm, nên tấu lên xin được đề bạt.

Đến ngày 08 tháng 10 năm 1848, Hoàng đế Tự Đức ban sắc cho Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận phủ Tuy An gia ân hàm Hàn lâm viện Tu soạn (翰 林 院 修 撰) (là chức quan Tòng Lục phẩm, chuyên lo việc tu chỉnh, soạn thảo sách vở giúp các Học sĩ, theo Viện trưởng giữ việc biên duyệt sách vở, kiểm soát giấy tờ), chức quan Tòng Lục phẩm, mặc dù đã 68 tuổi nhưng vẫn giữ lại để làm việc, với toàn văn nội dung bản dịch sắc phong như sau:

anh-2-1650534071.jpg
Sắc Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận gia ân hàm Hàn lâm viện Tu soạn 

Dịch nghĩa:

Hoàng đế ban sắc rằng:

Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận phủ Tuy An, văn chương…. [mất chữ].

Nay viên quan tỉnh Phú Yên sát hạch và tâu lên, vậy gia ân hàm Hàn Lâm viện Tu soạn, vẫn lưu lại làm việc để khuyến khích.

Kính thay! Ngày mồng 8 tháng 10 năm Tự Đức nguyên niên (1848). Sắc mệnh chi bảo.

Quyết định ban sắc phong gia hàm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn về vị trí vai trò, công lao to lớn của Giáo thụ Lê Ngọc Nhuận trong sự nghiệp giáo dục và đào tại nhân tài cho đất nước. Đây cũng là niềm tự hào của bản thân, gia đình, dòng họ và quê hương của Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận. 

Hàn Lâm viện Tu soạn hay những cá nhân đã từng tham gia và làm việc tại Hàn lâm viện, là những người có những đóng góp to lớn trong nội trị và ngoại giao của đất nước. Họ không chỉ là những vị quan được triều thần kính trọng vì chức trách và phẩm chất, mà còn là những bậc đại khoa và có tri thức uyên thâm về văn học, lịch sử và bang giao.

Năm 1849 (69 tuổi), do tuổi cao, sức yếu, Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận xin về quê hưu dưỡng. Phú Yên Tuần phủ quan phòng đã cấp bằng cho Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận mang nguyên hàm trở về Nghệ An hưu dưỡng.

Sau khi nghỉ hưu, Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận vẫn mở lớp dạy học tại quê nhà.

Năm 1851, các học trò là môn sinh của Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận đã về chúc thọ Thầy và bản chúc văn hiện vẫn còn lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Ngọc đã hơn 171 năm, với toàn văn nội dung bản dịch như sau:

anh-3-1650534071.jpg
Bài văn chúc thọ 

VĂN CHÚC THỌ

Trong thiên hạ có ba điều tôn quý, trong đó tước là một, thọ là hai, triều đình sở dĩ ban phước cho đấng quân tử, trời xanh sở dĩ ban phước cho bậc hiền nhân, ắt từ nơi đức hạnh vậy. Mây lành tụ cây mận trước cửa, cội tùng xanh sắc biếc ở khe, cũng không hân hạnh chăng!

Kính nghĩ:

Tiên sinh đời đời thế phiệt, thi lễ gia phong.

Chơi bút mực nơi rừng thư, Thanh Bình gươm báu, từ chương khắc chốn thí viện, bảng vàng đề danh.

Gia Long khoa Đinh Mão, lãnh Hương tuyển, Minh Mạng năm thứ mười một, điều Giáo chức.

Từ đây cánh buồm căng gió, đàn khảy khúc xuân.

Vui hòa tiếng vang thanh nhã, sở học tài hoa vang lừng.

Gió xuân thổi hương đào xa tít, hoa tuyết bay khắp chốn mừng reo.

Thanh cần đường quan, Cư Hành ngọc đẹp nơi chí nguyện, uy nghiêm tăng vút, an tĩnh là bí quyết trường sinh.

Ngưỡng trông năm Tự Đức thứ hai, Tiên sinh tuổi hạc bảy mươi, tiếng hay vang dội, nhà vua đặc gia hàm Hàn Lâm viện Tu soạn, Trí sĩ.

Tài hoa cao quý, danh giá bội tăng.

Vui thiên nhiên mà vinh quê quán.

Sóng cuộn cặp bờ, bên đường nghênh kính.

Tùng cúc tươi tốt, lấp cửa quan đồ.

Ánh dương gọi ta, rượu xuân thêm thọ.

Trải chiếu ngọc ngồi ngắm hoa, tình cảm gia đình thắm thiết.

Dưới gốc hải đường, hương thơm chén ngọc phảng phất,

Trồng quế trước cửa, rượu xuân ca hát vui cười.

Thung dung gót trượng, phượng hoàng theo sau.

Xán lạn tấn thân, rảnh rang nhàn hạ.

Dòng thụy khí lưu thông, nối phước lành điềm tốt.

Chắc rằng như vậy da!

Bọn học trò chúng con, luôn nhớ nghĩ sư môn.

Tiếc rằng gió mây sớm rẽ (* * * * * * *)

Ngày nay tên tuổi đều ngời, ngẩng trông dáng dấp ân sư.

Vậy kính cẩn chúc tụng rằng:

Vui thay quân tử!

Vinh quang nước nhà

Vì có phước khánh

Cho nên đức dày

Trời ban phước lớn

Khiến thọ vô cương

+ + + +

+ + + +

Núi cao sông rộng

Không thẹn thánh hiền.

Ngày 22 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 3, tức năm 1850 (Canh Tuất).

Các học trò bên trên là Huấn đạo, Tri châu, Tú tài, Cống sĩ, Sinh nhân cùng kính chúc.

Do tuổi cao sức yếu, Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận đã qua đời ngày 25 tháng 11 năm 1851 (Tân Hợi), thọ 72 tuổi.

Sau khi mất, gia đình, dòng họ và các thế hệ học trò đã góp tiền của xây dựng nhà thờ để làm nơi thờ tự. Tại nhà thờ họ Lê Ngọc còn lưu giữ bức Đại tự do Cử nhân, Tú tài, Kỳ hào là môn sinh của quan Hàn lâm bái phụng với nội dung như sau:

大澤流

翰林官門 举人秀才耆豪同拜奉

成泰丙午年仲春之吉

Phiên âm:

Lưu Trạch Đại

Hàn lâm quan môn Cử nhân, Tú tài, Kỳ hào đồng bái phụng

Thành Thái Bính Ngọ trọng Xuân chi cát.

Dịch nghĩa:

Lưu Trạch Đại có nghĩa là Ân Huệ Lớn.

Cử nhân, Tú tài, Kỳ hào là môn sinh của quan Hàn lâm cùng bái phụng.

Ngày 01 tháng 02 năm 1906 (Bính Ngọ), đời vua Thành Thái năm thứ 18.

Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận làm quan trải qua bốn đời vua: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức, với hơn 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Quan Hàn được đánh giá là vị quan thanh liêm, chính trực, có văn chương học hạnh, sở học tài hoa được học trò và người đời kính trọng. Là một người con ưu tú của quê hương Thanh Chương, Nghệ An.

Quan Hàn đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc giáo dục và đào tạo nhân tài ra giúp dân, giúp nước. Góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Suốt đời làm quan thanh liêm, Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận đã để lại tiếng thơm cho con cháu. Tiếp nối truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ, con cháu Quan Hàn có nhiều người đậu đạt làm quan như: Con trai trưởng là Lê Ngọc Uẩn thi đậu Tú tài Ân khoa năm 1850 (Canh Tuất); cháu ruột là Tú tài - Huấn đạo nhị huyện Gia Viễn và Phú Vang (Huế) Lê Ngọc Khải,... Và thế hệ cháu chắt của Quan hàn hôm nay đang học tập, lao động, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Cuộc đời và sự nghiệp của Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận là tấm gương sáng về nhiều mặt, khổ học, thanh cần trung trực, một ông quan thanh liêm, giản dị, làm hết chức phận, luôn gần gũi với học trò, với dân, xứng đáng để cho các thế hệ học trò, con cháu dòng họ học tập và noi theo./.

Ngọc Thịnh
Bạn đang đọc bài viết "Quan Hàn lâm viện Tu soạn Lê Ngọc Nhuận, một vị quan thanh liêm, đức độ" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.