Phim điện ảnh Việt Nam năm 2016: Nhiều hy vọng

17/01/2016 13:58

Theo dõi trên

Con số 40 phim Việt ra rạp trong năm 2015 sẽ không dừng lại ở năm 2016. Giờ đây, nền điện ảnh Việt Nam đã có khá nhiều điều kiện thuận lợi về cơ chế. Trình độ kỹ thuật và trang thiết bị, máy móc phần nào đã theo kịp với xu thế chung của thế giới. Đội ngũ làm nghề được mở rộng nhiều thành phần trong các dự án sản xuất phim... Đó là những dấu hiệu cho thấy một diện mạo đầy khả quan của điện ảnh Việt trong năm 2016.

Đã hình thành tư duy thưởng thức mới

Sự thành công bất ngờ về doanh thu của hai bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (80 tỷ đồng) và Em là bà nội của anh (hơn 85 tỷ đồng sau 4 tuần công chiếu) khiến hầu hết những người làm điện ảnh, sản xuất phim phải đánh giá lại nhu cầu của khán giả đến rạp hiện nay.



Đoàn làm phim Em là bà nội của anh - bộ phim đang “làm mưa làm gió” tại các rạp chiếu. Ảnh: Dũng Phương

Hai bộ phim này lẽ ra nằm trong diện “phim có nguy cơ thua lỗ”, vì không làm theo “công thức” xưa nay vốn đã mặc định về phim ăn khách: phim không có ngôi sao, không thuộc dạng phim hài nhảm. Với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, ngoài tên đạo diễn Victor Vũ và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, phim hầu như không có yêu tố hấp dẫn, thu hút người xem, nhân vật chính là trẻ con và không có gì để câu khách (kiểu các ngôi sao hạng A tham gia, hoặc cảnh nóng, hoặc scandal trước khi phim ra rạp...). Chưa kể, phim còn gắn “mác” Nhà nước đặt hàng, tài trợ, vốn dĩ lâu nay khán giả khá thành kiến với dạng phim này. Em là bà nội của anh cũng gần như thế. Ngoại trừ kịch bản được Việt hóa từ một bộ phim ăn khách của Hàn Quốc, còn lại, từ đạo diễn đến diễn viên đều là những cái tên không “ăn” với thị trường và phòng vé. Từ thành công của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, những năm tới đây, việc đặt hàng, hợp tác đầu tư làm phim giữa Nhà nước và các đơn vị tư nhân sẽ được phát huy nhiều hơn.

Hai bộ phim khác không có doanh thu khủng như hai phim kể trên, nhưng đã tạo được chú ý và nhận nhiều lời khen ngợi của người làm nghề cùng sự ưu ái của khán giả, là Yêu của đạo diễn Việt Max và Vẽ đường cho yêu chạy của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng. Cả Việt Max và Vũ Ngọc Phượng đều lần đầu làm đạo diễn phim điện ảnh, nhưng bằng tình yêu và sự nghiêm túc khi thực hiện, cả hai bộ phim đã lấy được tình cảm của người xem vì sự tươi mới trong cách tiếp cận vấn đề và cách thể hiện.

Làm phim lôm côm là chết ngay!

Mở đầu cho mùa phim 2016 là bộ phim Điệp vụ chân dài và Cuộc đời của Yến, ra rạp từ ngày 8-1. Sau đó là khoảng thời gian dành cho các bộ phim chiếu Tết Nguyên đán, gồm có: Tía tui là cao thủ (29-1), Siêu trộm (4-2), Yêu là phải xài chiêu, Lộc Phát (5-2). Hiện nay, danh sách các phim Việt đăng ký phát hành đã đến tháng 6-2016, đặc biệt có tháng 3, 4 bộ phim cùng ra rạp. Điểm danh sơ bộ lần lượt có: Gái già lắm chiêu, Ám ảnh, Taxi em tên gì, Bệnh viện ma, Nữ đại gia, Truy sát, Bao giờ có yêu nhau, Fan cuồng, Tấm Cám, Dạ cổ hoài lang... Hầu hết các bộ phim chiếu tết năm nay không được đánh giá cao về chất lượng, nội dung, nếu không muốn nói các phim tiếp tục đi vào lối mòn cũ kỹ với thể loại hài nhàm chán.

Theo thống kê mới nhất của Cục Điện ảnh, hiện cả nước đã có 500 phòng chiếu phim với 53.000 chỗ ngồi. Đến thời điểm này, Cục Điện ảnh cũng đã cấp phép cho 384 đơn vị đủ điều kiện hành nghề sản xuất phim. Những con số này cho thấy, hoạt động sản xuất và phát hành phim Việt ngày càng sôi động. Về rạp chiếu, số lượng sẽ còn tăng hàng năm, vì các nhà phát hành phim lớn trong nước như: CGV, BHD, Lotte Cinema và Galaxy vẫn không ngừng đầu tư xây mới nhiều cụm rạp trong các tòa nhà thương mại lớn trên cả nước. Sự phát triển nhanh chóng các cụm rạp chiếu phim hiện đại, cùng với nhu cầu, sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả dành cho phim Việt đang là động lực rất lớn để các nhà sản xuất phim sẵn sàng tham gia đầu tư làm phim chiếu rạp, dù biết rằng đó là một “cuộc chơi” đầy mạo hiểm, rủi ro.



Đạo diễn Dustin Nguyễn và diễn viên Minh Hằng trên phim trường bộ phim Bao giờ có yêu nhau

“Không ai có thể nói trước được phim mình thắng hay thua, nhưng nếu người làm phim cứ làm bằng tình yêu, sự nghiêm túc tận tâm dành cho nghệ thuật, tôi tin bộ phim ít nhiều cũng chạm được vào cảm xúc của khán giả”, đạo diễn, diễn viên Dustin Nguyễn chia sẻ. Với thành công về doanh thu của những bộ phim mới đây, những nhà làm phim lâu năm đã nhận ra “gu” thưởng thức của khán giả đã có chiều hướng thay đổi và “công thức” làm phim chiếu rạp cũng vì thế không thể làm như trước kia. Đạo diễn, nhà sản xuất Trinh Hoan, Giám đốc HK Film, đơn vị hợp tác, gia công sản xuất nhiều phim điện ảnh trong những năm qua nhận định: “Thị trường phim Việt hiện nay đã có sự sàng lọc và đang tốt dần. Giờ ai làm phim lôm côm là chết ngay. Với những bộ phim thành công trong năm 2015 có thể thấy, khán giả đã có sự quan tâm đến những phim ăn khách, chứ không phải câu khách bằng chiêu trò. Thiết bị kỹ thuật, âm thanh cũng đã theo kịp với thế giới. Trình độ làm kỹ xảo cũng đã có nhiều tiến bộ. Vấn đề còn thiếu hiện nay là kịch bản và đạo diễn. Có thể nói, phim Việt đã có sự tiến bộ đáng kể so với hai năm trước”.

Với những thuận lợi đang có và một lớp khán giả có tư duy, cái nhìn đầy tích cực với điện ảnh nước nhà, hy vọng, phim Việt năm 2016 không chỉ nhiều về số lượng mà chất lượng cùng doanh thu của phim sẽ tăng nhiều hơn nữa.

Theo Như Hoa/SGGP

Bạn đang đọc bài viết "Phim điện ảnh Việt Nam năm 2016: Nhiều hy vọng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.