Phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong Quảng Bình

26/10/2022 11:48

Theo dõi trên

Với người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) thì tiếng trống đêm lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch chính là nét văn hoá đặc trưng của những con người sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Nhịp trống là tiếng vang vọng giữa đại ngàn thể hiện khát vọng của một năm mới bội thu về lương thực, bình yên của cuộc sống...

3-1641974480769-1666757492.jfif
Dự án được thực hiện trong Quý IV/2022.

Ngày 21/10/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2627/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch gắn với xây dựng nông thôn mới.

Việc phê duyệt Dự án nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã hội, cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa của của các dân tộc gắn với xây dựng nông thôn. 

Theo đó, Cục Di sản văn hóa sẽ phối hợp với địa phương tập huấn cho cộng đồng kỹ năng trao truyền di sản phù hợp với điều kiện hiện tại; hỗ trợ cộng đồng trang bị đồ dùng, công cụ, nhạc cụ… để thực hành lễ hội; tư liệu hóa về quy trình thực hành lễ hội, xây dựng bộ tài liệu cơ sở dữ liệu số (bao gồm phim, ảnh, tài liệu viết) cung cấp cho cộng đồng để thực hành, trao truyền, quảng bá di sản Lễ hội đập trống của người Ma coong ở Thượng Trạch đến cộng đồng bên ngoài. 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Di sản văn hóa chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai, thực hiện việc bảo tồn, phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma coong; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế và phong tục, tập quán của cộng đồng địa phương.

Dự án được thực hiện trong quý IV/2022.

Từ câu chuyện trong truyền thuyết đến một lễ hội độc đáo giữa đại ngàn

Truyền thuyết kể lại rằng, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, lúa… bao nhiêu lương thực thực phẩm được làm ra thì bị con khỉ ác cướp đi, đời sống người Ma Coong vì thế triền miên đói khổ…

Để bảo vệ mình, bảo vệ bản làng người dân đã dùng mọi cách nhưng con khỉ ác vẫn cứ thế tấn công. Già làng nghĩ ra một cách là dùng tiếng chiêng, trống đánh lên khi phát hiện con khỉ ác này. Một hôm, khỉ ác tìm đến bản, bà con phát hiện nên đã khua chiêng, đánh trống tạo nên âm thanh vang vọng làm con khỉ ác khiếp sợ và bỏ đi mãi mãi, từ đó người làm được mùa, con cháu không còn đau ốm nữa.

Để nhớ công lao vị già bản tiên tổ người Ma Coong và cầu cho bốn mùa làm ăn thuận lợi, hàng năm họ tổ chức việc cúng tế linh đình dâng lên thần linh những của ngon vật lạ sinh lợi được trên vùng đất họ ở. Hoạt động ấy dần trở thành một lễ hội lớn của người Ma Coong ở đây. Lễ hội đập trống của người Ma Coong có từ khi đó.

Để căng mặt trống người ta phải lên rừng kiếm những sợi mây già đem về vót rồi luộc thật kỹ, mây càng luộc lâu sợi của nó trở thành nguyên liệu tự nhiên vô cùng bền chắc. Những cây tre già dài và thẳng đã được dựng thành chiếc lán nhỏ để treo trống hội, ai cũng muốn góp sức chuẩn bị mọi công việc thật tươm tất để lễ hội đập trống được diễn ra tốt đẹp.

Từ đó, hàng năm cứ vào ngày trăng tròn tháng Giêng, đồng bào người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru – Vân Kiều, ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) tổ chức lễ hội đập trống mừng mùa trăng mới cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tươi tốt, và tiếng trống hội càng vang xa mùa màng càng bội thu sẽ đến với bà con người Ma Coong cùng với đó là một năm mới nhiều may mắn cho bản thân và gia đình mình.

Với người Ma Coong thì tiếng trống đêm lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch chính là nét văn hoá đặc trưng của những con người sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Nhịp trống là tiếng vang vọng giữa đại ngàn thể hiện khát vọng của một năm mới bội thu về lương thực, bình yên của cuộc sống và cũng là nơi thôi thúc đôi lứa đến bên nhau và tìm thấy hạnh phúc của riêng mình./.

Phạm Trung
Bạn đang đọc bài viết "Phê duyệt Dự án Bảo tồn và phát huy Lễ hội truyền thống Đập trống của người Ma Coong Quảng Bình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.