Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 phục vụ phát triển du lịch

30/09/2022 11:57

Theo dõi trên

Vừa qua, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 phục vụ phát triển du lịch”. Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Khoa học và Công nghệ, các cơ quan, đơn vị liên quan và các nhà khoa học.

171-1664513827.jpg
Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị

Di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử phản ánh quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh, góp phần tái hiện bức tranh toàn cảnh cuộc chiến tranh nhân dân trên địa bàn Quảng Bình nói riêng và chiến trường Liên khu IV trong kháng chiến chống Pháp, Quân khu IV trong chống Mỹ nói chung. Mỗi di tích đều chứa đựng giá trị to lớn cần bảo tồn và phát huy nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Đây cũng là tài nguyên du lịch văn hóa - lịch sử để khai thác phục vụ phát triển du lịch, phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu, tìm về cội nguồn, về các địa chỉ đỏ. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với mục tiêu “Đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 sẽ góp phần phục vụ có hiệu quả trong chiến lược phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo kiểm kê khoa học, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có 28 di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn 1945 - 1975 trên tổng số 136 di tích - danh thắng đã được xếp hạng. Trong đó, có 06 di tích quốc gia đặc biệt, 11 di tích quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Nhiều di tích đã được đầu tư, tôn tạo, khai thác, trở thành điểm đến tham quan du lịch theo các tuyến phục vụ cho cán bộ, nhân dân trong tỉnh cũng như du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trải qua thời gian và chiến tranh, chịu sự tác động từ thiên tai, địch họa cũng như từ phía con người, công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống các di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Bình giai đoạn 1945-1975 còn gặp những khó khăn nhất định. Nhiều di tích đã bị xuống cấp, ảnh hưởng đến việc bảo tồn và khai thác giá trị. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong việc khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của các di tích lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển du lịch chưa tích cực, chủ động, kết quả đạt được chưa cao. Việc trùng tu, tôn tạo chủ yếu hướng tới mục tiêu bảo tồn nguyên trạng di tích chứ chưa kết hợp với việc phát triển hạ tầng phục vụ du lịch. Một số di tích đã được khai thác, phát huy hiệu quả phục vụ phát triển du lịch nhưng chưa thật sự chú trọng đi sâu phát huy những giá trị lịch sử cốt lõi và những nét đặc thù riêng của từng di tích, do đó chưa khai thác hết tiềm năng của di tích để tạo sức hấp dẫn đối với khách du lịch...

Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã phát biểu, tham luận nhiều nội dung góp phần đề xuất các giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế cũng như nâng cao năng lực, hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân giai đoạn 1945 - 1975 phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thể hiện sự tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử nói chung, các di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân nói riêng tại địa phương. Đáng chú ý như tham luận “Một số giải pháp khai thác giá trị di tích lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình để phát triển du lịch” của Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái; “Đánh giá đặc điểm, vai trò của hệ thống các di tích lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 phục vụ phát triển du lịch” của Cử nhân Tạ Đình Hà; “Đánh giá giá trị, tiềm năng du lịch từ hệ thống di tích lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975” của Thạc sỹ Hà Minh Tuân…

Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng, tổng hợp những luận cứ khoa học, đề xuất hệ thống các giải pháp thiết thực, hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử của lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo quangbinh.dcs.vn
Bạn đang đọc bài viết "Bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân Quảng Bình giai đoạn 1945 - 1975 phục vụ phát triển du lịch" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.