Phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử

14/09/2016 09:21

Theo dõi trên

Huyện Lai Vung được biết đến là cái nôi của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) của tỉnh Đồng Tháp. Việc mở lớp dạy ĐCTT cho người dân tại các xã, thị trấn được huyện Lai Vung khuyến khích từ lâu, tuy nhiên các địa phương trong huyện đều gặp khó khăn về kinh phí mở lớp. Hòa Thành là xã tiên phong của huyện mở được lớp từ nguồn xã hội hóa.



Nhiều trẻ em đến với đờn ca tài tử vì lòng đam mê

Phong trào ĐCTT của xã Hòa Thành đang phát triển mạnh, xã hiện có 1 Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT xã và 2 CLB ĐCTT ấp với trên 60 thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên. Mỗi lần các CLB sinh hoạt luôn thu hút đông đảo người dân địa phương đến xem và cổ vũ. Để duy trì, phát triển loại hình nghệ thuật này tại địa phương, xã Hòa Thành đã tập hợp trên 20 người có chung niềm đam mê, sở thích về ĐCTT, hướng dẫn những phần cơ bản nhất của phần ca bài bản tài tử và vọng cổ các loại nhịp. Ông Nguyễn Tùng - Phó Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Lai Vung, người hướng dẫn đờn, ca cho các học viên cho biết: “Là lớp khởi đầu của ĐCTT, do đó mình dạy từ cái chưa biết cho tới biết, cơ bản đầu tiên là để cho học viên tìm hiểu cấu trúc của ngũ cung trong nhạc tài tử, rồi ứng dụng ngũ cung đó lên cây đàn; đồng thời học lòng bản của nhạc tài tử...”. Trên cơ sở 20 Bài bản Tổ, người hướng dẫn sẽ giới thiệu tính chất, hướng dẫn kỹ năng cho học viên ca một phần của mỗi bài bản, sự tương đồng và khác biệt về hơi điệu trong từng bài bản. Riêng Vọng cổ sẽ hướng dẫn kỹ năng ca các loại nhịp; đối với đờn, học viên sẽ được giới thiệu khái quát về bộ nhịp trong nhạc tài tử, vị trí của song lan trong từng loại nhịp; hướng dẫn học viên thực hành xướng âm lòng bản...

Anh Tăng Kiếm Em ở ấp Tân Thành, xã Hòa Thành là học viên của lớp cho biết: “Người dân ở đây rất thích ĐCTT nhưng có rất ít người đờn được. Khi huyện về mở lớp ĐCTT, người dân rất thích, cố gắng học. Qua học lớp này, tôi thấy thích, đam mê; muốn được học nhiều để biết nhiều, giúp cho xã có nhiều người biết hát, biết ca, giải trí tinh thần sau những giờ lao động mệt nhọc...”.




Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử tại huyện Lai Vung

ĐCTT được hình thành, tồn tại và phát triển hơn 100 năm qua, nó đã thấm sâu vào các thế hệ. Tuy nhiên, trong khi các thể loại nhạc dành cho giới trẻ đang phát triển mạnh, tìm được những người trẻ đam mê ĐCTT cũng rất khó khăn, vì chỉ có niềm đam mê mới giúp họ gắn bó với ĐCTT. Em Trần Thị Cẩm Duyên, ấp Tân Bình, xã Hòa Thành chia sẻ: “Gia đình em có truyền thống ca cổ. Hồi nhỏ em thường được ông bà ngoại mở ca cổ cho nghe, ca cổ như ăn sâu vào tâm trí; giai điệu của ca cổ cũng rất ngọt ngào, so với nhạc trẻ ồn ào, em thích ca cổ...”. Ông Đặng Hữu Trọng - Chủ tịch UBND xã Hòa Thành cho biết: “Để mở được lớp ĐCTT, phải xuất phát từ niềm đam mê của người dân, sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, sự tự nguyện đóng góp của học viên...”.

ĐCTT là loại hình nghệ thuật đặc sắc, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nếu chỉ chạy theo phong trào, theo thị hiếu thì sẽ sớm mai một, lụi tàn; chỉ xuất phát từ sở thích, niềm đam mê bên trong mỗi con người mới giúp loại hình nghệ thuật độc đáo này được duy trì, ngày một phát triển.

(Theo Đồng Tháp Online)

PHÚC HIỀN
Bạn đang đọc bài viết " Phát triển loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.