Nói về câu chuyện làm nông nghiệp từ thời khai hoang phải kể đến ông Thân, người từng được gọi là “vua mía”. Đó là cách đây 20 năm trước, khi Nhà máy đường Phổ Phong được xây dựng, quy hoạch và con đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ được mở ra. Ông cho biết: “Năm 1971, tôi nhập ngũ tham gia bộ đội tại huyện Nghĩa Hành, lúc đó tôi được giao nhiệm vụ bộ đội trinh sát. Sau năm 1975, tôi trở về cuộc sống đời thường và bắt đầu khai khẩn đất hoang để nuôi gia đình”. Từ mảnh đất đồi khô cằn, ông khai hoang và trồng hơn 10ha mía, thu 700 tấn mỗi năm.
Về sau, thị trường mía bấp bênh, giá mía nguyên liệu xuống thấp, có năm chỉ còn 500.000 đồng/tấn, ông Thân chuyển sang trồng keo, rồi khi huyện Nghĩa Hành thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn trái, ông Thân quyết tâm đi đầu tham gia cùng địa phương, thay đổi “con đường” làm nông nghiệp, giảm diện tích trồng keo để mở rộng trồng cây ăn trái.
Ông Thân dành 5ha đất vườn đồi tại thôn Khánh Giang (xã Hành Tín Đông) cải tạo trồng đủ các loại gồm 400 cây bưởi da xanh, 300 cây sầu riêng, 600 cây mít ta, mít Thái, hiện đang trồng hơn 1.000 cây cau. Tiếp đến, ông còn nuôi 70 con heo ky, heo rừng, heo bản địa, nuôi thêm gà, vịt trong vườn.
Ông cho biết: “Bưởi da xanh ở đất Nghĩa Hành đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật. Mấy năm đầu, cứ vào mùa bưởi ra trái thì ong từ trên rừng sà xuống làm hư hết bưởi. Trồng cây trái khó hơn trồng keo, mía hay làm cây mì, phải giữ cách để ong chích mà trái không hư, bao bọc trái bưởi để không rám nắng, phân nước đầy đủ. Giờ đây, bình quân mỗi cây bưởi có thể cho 300-400 trái/năm”.
Ông Thân cho biết: “Tôi vừa mới bán 8 tạ bưởi từ 200 cây bưởi đang thu hoạch, giá bình quân 15.000 - 20.000 đồng/kg, hiện còn 200 cây bưởi đang chuẩn bị thu vụ tiếp theo, ước tính bán khoảng 6 tạ nữa, còn lại tôi để vụ tết năm sau”.
Riêng cây sầu riêng, sau khi trồng hơn 5 năm, vườn của ông Thân đã bắt đầu ra hoa, đây là tín hiệu tốt khi cây sầu riêng phát triển tốt ở vùng đất đồi. Ông cho biết: “Dù là đất đồi nhưng nguồn nước rất dồi dào, do vậy, lượng nước tưới cho sầu riêng đủ đảm bảo cây phát triển”.
Nhờ có mảnh vườn, ông Thân nuôi được 6 người con, có người làm vật liệu xây dựng, người kinh doanh điện thoại di động. Ông cũng tậu nhà, xe và còn chia đất đai cho những người anh em trong gia đình, đồng đội cũ thiếu đất sản xuất.
Theo ông Thân, kinh tế chính của ông hiện là nuôi heo. Ông cho biết: “Từ các nguồn nguyên liệu sẵn có như mít, thân cây chuối, lá cây… và nuôi theo hình thức bán thả rông, để heo tự kiếm thức ăn ngoài vườn thì thịt mới đạt chất lượng. Đặc biệt, tôi không nhập giống heo từ các nơi khác mà lấy giống heo con từ heo mẹ sinh sản tự nhiên trong trại”.
Khi bắt đầu chuẩn bị bữa ăn, ông Thân đánh kẻng để heo mẹ nghe thấy dẫn đàn con về ăn, ông Thân tập thói quen nghe tiếng đánh kẻng thì đến ăn, vào chuồng. Heo nuôi từ 5-10 tháng để xuất chuồng. Bình quân mỗi năm ông xuất bán 2-3 tấn thịt heo, trừ các chi phí thu về khoảng 40 triệu/năm.
Ông Trịnh Bê, Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông, cho biết: “Ông Huỳnh Thân là thương binh, hội viên cựu chiến binh thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông, nhiều năm qua, ông được xã và các cơ quan cấp trên khen công nhận nông dân sản xuất giỏi về việc trồng cây lâm nghiệp, cây ăn trái, chăn nuôi heo rừng. Nhờ tính cần cù, ham học hỏi, biết áp dung khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình đạt hiệu quả. Ông Huỳnh Thân là một trong những nông dân điển hình địa phương”.