Vận dụng tư tưởng của lãnh tụ V.I.Lê-nin trong Cách mạng Tháng mười Nga 1917 ở Việt Nam hiện nay

14/05/2024 08:26

Theo dõi trên

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga 1917 đã mở ra một kỷ nguyên mới, một trang mới tươi sáng trong lịch sử nhân loại, đồng thời cổ vũ phong trào đấu tranh giải phòng dân tộc trên Thế giới trong đó có Việt Nam.

cm-thang-10-nga-1715618944-1715649925.png
V.I. Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại (Ảnh tư liệu). Nguồn: dukccq.daknong.gov.vn

Thắng lợi vĩ đại đó là bài học cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc theo tư tưởng của lãnh tụ V.I.Lê-nin. Vận dụng tư tưởng của V.I.Lê-nin về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 với xây dựng lực lượng vũ trang ở Việt Nam hiện nay có ý nghĩa quan trọng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 thắng lợi mở ra một chương mới trong lịch sử nhân loại như đánh giá của Hồ Chí Minh: “Như ánh mặt trời rạng đông xua tan bóng tối, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã chiếu rọi ánh sáng mới vào lịch sử loài người... mở đầu một kỷ nguyên mới trong lịch sử” . Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga 1917, chính quyền Xô - viết Nga đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách bởi sự chống phá của các nước đế quốc và bọn Bạch vệ trong nước nhằm bóp chết thành quả cách mạng vừa mới giành được. Trong tình hình phải chống lại “thù trong giặc ngoài”, V.I.Lê-nin và Đảng Bônsêvich đã lãnh đạo giai cấp công - nông Nga chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các lực lượng đối lập. V.I.Lênin viết: “Kể từ ngày 25 Tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ Tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa Xô Viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của chủ nghĩa xã hội”. Những tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang của V.I.Lênin sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 bao gồm: 

Thứ nhất, V.I.Lê-nin chỉ rõ sự tất yếu cần thiết phải thành lập ra đạo quân cách mạng vũ trang để trấn áp bọn phản động đe dọa đến chính quyền Xô Viết. 

V.I.Lênin đã nêu lên một luận điểm có tính kinh điển: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự vệ”2. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 giành thắng lợi, 14 nước đế quốc câu kết với các thế lực tư sản, phản động trong nước Nga thực hiện âm mưu can thiệp, gây chiến tranh xâm lược hòng thủ tiêu thành quả cách mạng, xóa bỏ Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cần kíp và tất yếu khách quan đối với V.I.Lênin và Đảng Bônsêvich: phải chuẩn bị về mọi mặt để đánh bại “thù trong giặc ngoài”, bảo vệ vững chắc chính quyền Xô Viết non trẻ và Người nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang của quần chúng lao động, của công - nông - binh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự tổ chức, quản lý của Chính quyền Xô Viết. Người khẳng định: “Chính vì chúng ta chủ trương bảo vệ Tổ quốc, nên chúng ta đòi hỏi phải có một thái độ nghiêm túc đối với vấn đề khả năng quốc phòng và đối với vấn đề chuẩn bị chiến đấu của nước nhà”3. 

Thứ hai, V.I. Lênin chỉ ra nội dung, cách thức, phương pháp xây dựng Hồng quân Liên Xô vững mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng.

Để xây dựng Hồng quân, V.I.Lênin rất quan tâm xây dựng, củng cố và phát triển mối quan hệ quân đội với nhân dân, coi đây là một trong những nguyên tắc hết sức quan trọng trong xây dựng lực lượng vũ trang kiểu mới, lực lượng vũ trang nhân dân khác về chất với các kiểu lực lượng vũ trang của giai cấp, nhà nước bóc lột trước đây. Đồng thời để chiến thắng kẻ thù xâm lược trong thời kỳ nội chiến (1918 - 1920), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Bônsêvich Nga và Hội đồng Dân ủy do V.I. Lênin đứng đầu đã có nhiều biện pháp tăng cường xây dựng, củng cố nền quốc phòng để chiến đấu chống thù trong, giặc ngoài. Chỉ tính từ ngày 01/12/1918 đến ngày 27/2/1920, với gần hai tháng, V.I. Lênin đã trực tiếp chủ trì tới gần 100 cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng để thảo luận và quyết nghị những vấn đề chiến lược về bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Người còn gửi gần 600 thư và điện cho các đơn vị quân đội để chỉ đạo các tình huống chiến dịch - chiến lược. Những biện pháp đó đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Hồng quân, đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của quân đội 14 nước đế quốc và bọn Bạch vệ, bảo vệ vững chắc thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười. Cho đến cuối cuộc đời, lãnh tụ V.I.Lênin vẫn thường xuyên quan tâm, chăm lo, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang Hồng quân Liên Xô, V.I.Lênin đặc biệt coi trọng đến vấn đề xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Bởi theo V.I.Lênin chính trị, tinh thần là sự trung thành tuyệt đối với Đảng Bônsêvích Nga, là sự gắn bó máu thịt với nhân dân... Ngoài ra, người quan tâm đến việc xây dựng các hải đội, hạm đội ở các vùng biên, vùng biển để bảo vệ những mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng đặt ra. Nhờ sự chiến đấu dũng cảm, kiên cường và tài thao lược mưu trí của V.I.Lênin, cùng người bạn tuyệt vời đã kề vai, sát cánh cùng nhau, vượt qua sự chống phá của kẻ thù, giữ vững thành quả cách mạng, bảo đảm các hoạt động của chính quyền Xô Viết diễn ra bình thường. 

Thông qua hoạt động thực tiễn, hòa nhập sâu sắc vào hoạt động phong trào công nhân và quần chúng nhân dân lao động, trực tiếp khảo nghiệm các cuộc đấu tranh trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, tiếp cận những hạt nhân hợp lý, tiến bộ tư tưởng về xây dựng Hồng quân Liên Xô của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944. Đây là đội quân chủ lực của cách mạng để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, từ đội quân chủ lực này mới hình thành, phát triển các đội du kích, lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp trên phạm vi cả nước, tiến hành các hoạt động xây dựng, giữ gìn, bảo vệ và phát triển lực lượng vũ trang ba thứ quân, đập tan âm mưu, thủ đoạn của thực dân, đế quốc xâm lược. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân được hình thành, phát triển từ rất sớm, trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, tư tưởng đó ngày càng được hoàn thiện cho phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ cách mạng đặt ra. 

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ quân sự. Từ giữa năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), trong khi mở các lớp giáo dục chính trị đào tạo đội ngũ cán bộ đầu tiên, những “hạt giống đỏ” đầu tiên cho cách mạng Việt Nam thì Bác Hồ cũng gửi một số một số đồng chí vào học ở Trường quân sự Hoàng Phố (nơi Người tham gia giảng dạy) và Liên Xô để “làm nguồn cán bộ quân sự” sau này. Năm 1941, trong khi tình hình thế giới và Đông Dương phát triển có lợi cho ta, Người mở lớp huấn luyện cấp tốc đào tạo cán bộ tại một địa điểm gần biên giới Việt Trung, tài liệu huấn luyện sau này được in thành cuốn sách “Con đường giải phóng”. Người cùng Trung ương Đảng chỉ đạo thành lập lực lượng vũ trang cách mạng là các đội du kích tiến hành chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Người viết chỉ thị: “Công việc khẩn cấp bây giờ” và đề ra phương hướng: “Tổ chức du kích khắp nơi”. Khi thời cơ đã gần kề Người ra chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22/12/1944) sau phát triển thành Giải phóng quân làm cơ sở chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật đang “hoang mang cực độ”… Năm 1949, Người ra sắc lệnh thành lập Bộ đội địa phương. Tháng 8 năm đó Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên cũng ra đời để đến 1954 các đại đoàn chủ lực của ta như 308, 304, 312, 316 và các trung đoàn độc lập đã tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ do 17 tiểu quân tinh nhuệ tương đương 3 binh đoàn của Pháp chiếm giữ. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập lực lượng vũ trang ba thứ quân ở miền Nam: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng, quân - dân hợp đồng tác chiến đánh địch ở khắp nơi: rừng núi, đồng bằng và đô thị thực hiện phương châm xây dựng lực lượng vũ trang “ba thứ quân” và đánh địch trên cả “ba vùng chiến lược”. Phối hợp chặt chẽ quân với dân tiêu diệt địch giành quyền làm chủ, giành quyền làm chủ để tiêu diệt địch, thực hiện giải phóng từng phần tiến lên giải toàn bộ. Khi bước vào giai đoạn quyết định, 4 quân đoàn chủ lực cơ động được thành lập (từ 1973 - 1975) góp phần lập lên Đại thắng mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” mà Người đã đề ra. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam đã trải qua những bước tiến phát triển khác nhau, có những đóng góp nhất định vào sự thắng lợi chung của sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. 

Suốt quá trình lãnh đạo xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, V.I.Lê-nin đặc biệt coi trọng yếu tố chính trị, tinh thần của mỗi cán bộ, chiến sĩ và coi đó là nhân tố quyết định thắng lợi trong các cuộc chiến tranh. Ngày 13/5/1920, trong bài diễn văn tại Hội nghị mở rộng của công nhân và binh sĩ Hồng quân, V.I.Lê-nin đã khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”. Trong bức điện V.I. Lê-nin gửi Ủy ban quân sự cách mạng mặt trận miền Đông, V.I. Lê-nin căn dặn: “Phải đề cao công tác chính trị... Đừng chỉ có lo mặt chiến đấu...” . Trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ở Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chú trọng đến việc xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ. Người luôn quán triệt quan điểm: “người trước, súng sau”; nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại” . Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người nêu rõ tính chất, nhiệm vụ của Đội là “chính trị trọng hơn quân sự”. 

Đây là sự kế thừa, tiếp nối tư tưởng của V.I.Lênin, khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhân tố chính trị, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Sự lớn mạnh, trưởng thành của lực lượng vũ trang ba thứ quân gắn liền với các chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự hoà quyện thống nhất giữa mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân với khát vọng đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của toàn thể dân tộc Việt Nam; ở đó không có sự tách bạch riêng rẽ, luôn có sự phối kết hợp với nhau một cách nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp giữa các bộ phận, lực lượng với nhau. Nhờ đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, trong cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Hiện nay, đất nước ta đang hòa bình nhưng trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Bên cạnh những điều kiện kiện thuận lợi, thì còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định, sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều loại vũ khí thông minh; chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động luôn tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam với âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, sảo quyệt, bằng chiến lược “diễn biến hoà bình” nhằm vô hiệu hóa quân đội, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với quân đội, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; vấn đề tranh chấp chủ quyền biển, đảo, nhất là tình hình biển Đông vẫn còn nhiều phức tạp; an ninh phi truyền thống như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra… Tình hình đó, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất cấp bách cho việc xây dựng lực lượng vũ trang nhằm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN cần tập trung vào một số vấn đề chính yếu cơ bản sau:

Một là, thực hiện tốt những di huấn của V.I.Lênin về tầm quan trọng của việc tổ chức ra một quân đội cách mạng lớn mạnh để bảo vệ thành quả cách mạng.

Suốt hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, thế giới đã chứng kiến biết bao sự đổi thay của thời cuộc, song những chỉ dẫn của V.I.Lênin về vị trí, vai trò, nội dung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vẫn còn nguyên tính thời sự nóng hổi. Những vấn đề cơ bản về tổ chức xây dựng lực lượng Hồng quân ở Liên Xô, xây dựng lực lượng vũ trang ở Việt Nam như: trang bị vũ khí hiện đại cho quân đội; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần; mở rộng đối ngoại quốc phòng, tăng cường tiềm lực quân sự quốc phòng; xây dựng tổ chức biên chế các quân, binh chủng “tinh, gọn, mạnh”… đã được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể để xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng chính trị, tinh thần là nền tảng. Hiện nay, quán triệt Nghị quyết biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội đã khẳng định: “Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại...”. Do đó, cần thiết phải củng cố và tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân về chất lượng và sức mạnh chiến đấu. Đây là trách nhiệm, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Các cấp, các ngành, các đoàn thể đều phải có trách nhiệm chăm lo củng cố, xây dựng lực lượng trong tình hình mới.

Hai là, quá trình triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ của lực lượng vũ trang luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ các lực lượng.

Lịch sử suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt và trong xu thế mở cửa, hội nhập và phát triển hiện nay lực lượng vũ trang cách mạng luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, bảo đảm chắc thắng trong từng trận đánh, từng chiến dịch. Trong giai đoạn hiện nay sự phối hợp này cần có sự kế thừa, bổ sung và phát triển cho phù hợp với đặc điểm tình hình đặt ra. Đó là sự phát triển về số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang ở mọi phương diện, trong đó trình độ tác chiến độc lập, khả năng phối kết hợp giữa các bộ phận, lực lượng trên biển, trên bộ, trên không để bảo vệ mục tiêu được giao. Theo đó, bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào phải bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục của lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó bộ đội chủ lực là lực lượng nòng cốt; đẩy mạnh các hoạt động diễn tập trong phòng, chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn, thiên tai, lũ lụt, tình huống khẩn cấp của lực lượng vũ trang ở từng địa bàn, khu vực, để kịp thời rút kinh nghiệm có những điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Lực lượng vũ trang cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ngăn chặn “từ sớm, từ xa, từ khi đất nước chưa nguy” các nguy cơ gây mất ổn định, xâm phạm lợi ích quốc gia, kiên quyết chống lại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chế độ, sự nghiệp cách mạng, Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa... 

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương vững mạnh về chính trị.

Đây là hai lực lượng cơ bản của quân đội nhân dân Việt Nam, có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, gắn liền với sự kiện chính trị của đất nước. Vì vậy, việc xây dựng lực lượng này vững mạnh về chính trị là nhân tố cơ bản, thường xuyên bảo đảm cho sự thắng lợi cách mạng Việt Nam trong mọi tình huống. Vấn đề đặt ra ở đây cần xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; yên tâm công tác, không dao động, nản lòng trước khó khăn, thử thách; làm tốt việc biên chế, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ, bộ đội địa phương hợp lý bảo đảm tốt việc đầu tư các trang thiết bị, cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Để xây dựng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương vững mạnh cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, đòi hỏi công tác chuẩn bị chu đáo, xác định mục tiêu, định hướng rõ ràng, gắn lý luận với thực tiễn, đáp ứng những yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ của từng lực lượng. Tăng cường giáo dục mối quan hệ đoàn kết quân dân, đấu tranh chống các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch.

Tư tưởng về xây dựng Hồng quân Liên Xô của V.I.Lênin đã đặt cơ sở nền móng vững chắc để Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển vào điều kiện hoàn cảnh lịch sử cụ thể của đất nước, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lực lượng vũ trang đã ngày càng lớn mạnh, trở thành lực lượng chủ yếu trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam, đập tan các kế hoạch, chiến lược chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng mà ông cha đã tạo dựng, vun trồng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Do vậy, việc quán triệt và cụ thể hoá quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vào từng đơn vị, địa phương mình là rất cần thiết, góp phần vào việc tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó Quân đội và Công an là lực lượng nòng cốt, cơ bản của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay qua đó góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”  đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thiếu tá, ThS Phạm Đức Dũng – Giảng viên Khoa K51- Học viện Kỹ thuật Quân sự
Bạn đang đọc bài viết "Vận dụng tư tưởng của lãnh tụ V.I.Lê-nin trong Cách mạng Tháng mười Nga 1917 ở Việt Nam hiện nay" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.