Di tích Lịch sử Quốc gia Mộ và đền thờ Lê Đức Tuy - Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Hậu Lê

18/05/2024 08:11

Theo dõi trên

Soi bóng xuống Bàu Sen thơ mộng bên con đê Tả Lam hiền hòa, Di tích lịch sử Quốc gia Mộ và Đền thờ ngài Lê Đức Tuy (Xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An) sừng sững uy nghiêm, trải qua biết bao thế sự trầm luân vẫn giữ được nét thiêng, cổ kính có từ thời Hậu Lê. Đây là điểm đến tâm linh cho những người con đất Việt nếu có dịp về với mảnh đất xứ Nghệ ân tình.

z5449886616490-d5dbda6d264f30765a2216a1fe45bd3c-1715943380.jpg
Khu di tích nổi bật với nhiều cây cổ với sức sống mãnh liệt, mang nét đẹp cổ kính như trường tồn với thời gian. Ảnh: Như Yến

"Cụ Tổ dòng Lê tướng trọng thần/ Đền thờ toạ lạc xứ Đồng Nhân/ Nam Đàn đất thánh vang muôn cõi/ Lịch sử ghi công đã mấy lần" - Lê Viết Liễu (Chủ tịch Hội đồng họ Lê tỉnh Nghệ An)

Ngài Lê Đức Tuy - Vị Quan quân lĩnh Đại phu vinh phúc bá

Ông Lê Đức Tuy, sinh năm Giáp Tý (1444), đời thứ 6 của ngài Lê Viết Tạo, dòng dõi thông thái yêu nước, gốc tỉnh Hải Dương. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, bố là Lê Trừng Nguyên ở thôn Ngọc Lâm, tổng Thái Xá, huyện Đồng Thành (nay là xã Diễn Thắng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước thái bình thịnh trị, quê hương, đất nước đang đòi hỏi nhiều nhân tài đứng ra xây dựng nước nhà cường thịnh. Biết con mình có tư chất thông minh, đất nước cần nhân tài, nên ông Lê Trừng Nguyên tuy nhà nghèo nhưng đã dồn công của, sức lực cho Lê Đức Tuy học tập ngay từ nhỏ. Ông vừa rèn luyện, kèm cặp, dạy dỗ con, vừa nhờ đến các vị túc nho trong làng, mong còn thành tài để giúp dân, giúp nước.

z5442823927004-bb6b31d2dfeac2fa5018de9ae7f3713c-1715942705.jpg
Khuôn viên Khu Di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy. Ảnh: Như Yến

Thuở nhỏ, Lê  Đức Tuy thông minh hiếu học lại được sự dạy dỗ của người cha, ngày đêm dùi mài kinh sử, nuôi chí luyện tài nên đỗ đạt cao. Đặc biệt, năm 1467 ông đỗ vào trường Quốc Tử Giám khi vừa mới tròn 23 tuổi. Sau một thời gian học tại ngôi trường danh giá, ông được bổ làm quan Quản lĩnh phủ Anh Đô, thừa tuyên Nghệ An, là vị quan thanh liêm, kiệt xuất dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trị sở của phủ Anh Đô lúc này đóng tại vùng Thịnh Lạc, tổng Nộn Liễu, huyện Nam Đường (Hiện nay là vùng đất của xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Là một vị quan sống liêm khiết, đức độ, luôn giúp đỡ kẻ yếu, dân nghèo, cùng nhân dân khai hoang lập ra giáp Đồng Nhân, vì vậy ngài Lê Đức Tuy được vua Lê Thánh Tông phong sắc “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù Tôn Thần”.

z5442823802500-842a2000bb0fd69845fe7583a82ee1e9-1715944102.jpg
Những cánh cửa gỗ Lim trong ngôi Đền vẫn bền mãi với thời gian. Ảnh: Như Yến

Sau một thời gian dài cống hiến với bao vất vả, khổ cực vì sự bình yên thịnh vượng của vùng trị sở phủ Anh Đô, ngày 15 tháng Giêng năm 1516, do sức yếu, bệnh tật, ông đã qua đời, hưởng thọ 72 tuổi. 

Để tưởng nhớ tới công lao to lớn của vị quan thanh liêm, nhân dân đã mai táng và lập đền thờ ông tại vùng Bến Đá và ban sắc phong cho quan Quản Lĩnh Lê Đức Tuy, giao cho giáp Đồng Nhân tong tiền phụng sự. 

Công trình Kiến trúc nghệ thuật độc đáo tồn tại hơn 600 năm

Khi ngài qua đời, Triều đình cho dựng bia đá ghi công đức, lập Đền thờ trên diện tích 27.500m2. Đây là một kiến trúc độc đáo về nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ nhân dân gian Việt Nam đầu thế kỷ 16.

Ngôi đền nằm giữa hàng cây đại thụ cao lớn, mặc dù đã trải qua bao sương gió nhưng những thân cây “xù xì”, “cằn cỗi” ấy vẫn hiên ngang như che chở, bảo vệ cho ngôi đền.  

z5442823468879-02a21f97183dff39b830be124557601f-1715944732.jpg
Bước tường phía trước cổng Đền phủ đầy rêu phong, trầm mặc như một minh chứng cho sự bền bỉ qua bao năm tháng. Ảnh: Như Yến

Quần thể đền bao gồm các công trình uy nghi như tam tòa, tiền đường thiêng liêng, ngoại thất có dãy nhà tả vũ, hữu vũ, có cổng tam quan; Bản doanh nhà thờ uy linh hùng tráng.

Quan sát từ ngoài vào, quan khách sẽ thấy cổng tam quan khá đồ sộ với lối đi chính rộng rãi. Cổng chính có hai trụ biểu cao lớn, trên chóp có tượng 2 con nghê ngồi chụm chân, đầu ngẩng cao, quay mặt vào giữa cổng, thể hiện sự oai vệ và đầy tôn nghiêm. Thân trụ là hình 2 con rồng được chạm trổ đầy tinh xảo, uyển chuyển với nét mặt đầy uy linh. 

le-duc-tuy-1715942280.jpg
Con nghê được biết đến là linh vật mang đậm yếu tố bản địa, thấm đẫm đặc trưng, giá trị văn hóa - lịch sử, tôn giáo - tín ngưỡng, mỹ thuật Việt. Ảnh: Như Yến

Hai bên trụ biểu là hai dải cánh gà với mái cong vút, bên trái là tượng quan võ đeo kiếm và ngựa hồng, bên phải là tượng quan văn cầm thư cùng ngựa bạch. 

Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Hồng Sơn, người quản lý Khu di tích cho biết: “Tôi là tộc trưởng - con cháu đời thứ 22 của họ Lê, được phân công làm nhiệm vụ trông coi, quét dọn vệ sinh khu Mộ và Đền. Trước đây bố tôi là người làm công việc này nhưng sau khi bố qua đời thì tôi kế tiếp, mình làm cũng vì phục vụ cho dòng dõi, tổ tiên. Hiện tại, từ ngôi nhà chính điện cho đến kiệu, hay các hiện vật khác… vẫn giữ được nguyên bản kể từ lúc ngài Lê Đức Tuy qua đời cho đến bây giờ. Chất liệu chính của ngôi nhà được làm từ gỗ Lim, nên rất bền bỉ với thời gian.”

z5442823955144-5b734748c89fde78cd5a046560468bbd-1715943127.jpg
Ông Lê Hồng Sơn. Ảnh: Như Yến

Ông Sơn chia sẻ thêm, trong thời sắp tới, Khu di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy sẽ được nhà nước nâng cấp, mở rộng khuôn viên, tạo thành khu du lịch tâm linh, để quảng bá hình ảnh di tích cho tỉnh Nghệ An. Hiện đang tiến hành công đoạn thiết kế bản vẽ.

Điều đặc biệt, trong chính điện của ngôi đền có các ngôi mộ của ông Lê Đức Tuy và gia quyến mà ít ngôi đền nào có.

Hai tòa Trung điện và Thượng điện đền Lê Đức Tuy được xây dựng theo kiểu "thượng miếu hạ mộ". Tòa Thượng điện thờ ngài Lê Đức Tuy, vợ của ông là bà Nguyễn Thị Châu, và người con dâu là Nguyễn Thị Lang. Tòa Trung điện thờ con trai đầu của ông là Lê Đức Tấn (Lý do ngôi mộ này đặt ở Trung điện vì con trai của ông mất sau bố, mẹ và vợ). Phía trên mỗi ngôi mộ có án thờ. 

z5442823522832-24b8805517d04c7d4a19e0f4e15f48b9-1715943233.jpg
Mộ ông Lê Đức Tuy. Ảnh: Như Yến

Hạ điện của đền là ngôi nhà 3 gian 2 hồi, là nơi hành lễ, thờ cúng cộng đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như gia phả, câu đối, đại tự, biển Vua ban, kiệu long đình.... Tại Hạ điện, nổi bật với lối thiết kế theo kiểu "chồng rường chồng đấu" truyền thống. Khung gỗ được chạm trổ điêu khắc công phu tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc.

z5442823815179-2837f9336c27e1c1f470ebcad9bcb417-1715944423.jpg
Gian Hạ điện. Ảnh: Như Yến
z5442823892067-b02ef24486d2eee2bb33a92de9ba99c0-1715943844.jpg
Trên những kẻ hiên của hạ điện được điêu khắc hai mặt sinh động những đề tài truyền thống như "tứ linh", "tứ quý". Ảnh: Như Yến

Lê Đức Tuy là thủy tổ dòng họ Lê ở Thịnh lạc – vùng đất linh kiệt. Nối tiếp truyền thống hiếu học của một dòng họ có nhiều người đỗ đạt và giữ chức quan văn, võ song toàn trên vùng đất Thịnh Lạc, từ xưa đến nay các bậc hậu duệ của Vinh Phúc bá Lê Đức Tuy đã có nhiều người thi cử đậu đạt và có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước. Hiện nay, con cháu hậu duệ của Vinh Phúc bá Lê Đức Tuy đang sinh sống, học tập và làm việc khắp mọi miền đất nước, có nhiều người là tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, giữ những chức vụ, vị trí quan trọng, dù ở bất cứ đâu, vị trí nào người dân trong gia tộc họ Lê đều là những công dân gương mẫu, làm việc hết mình để xứng đáng với bậc tiền nhân và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Để ghi nhớ công đức của ông, ngày 27/11/1997, tỉnh Nghệ An có văn bản công nhận Đền thờ Ngài Lê Đức Tuy là di tích Lịch sử Văn hóa, giao huyện Nam Đàn quản lý. Năm 2003 được UBND tỉnh Nghệ An cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

z5442823817192-029ed75fd3e35137d0ff8d59fe79e91b-1715943048.jpg
Ngày 21/12/2017 Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch  xếp hạng  Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Như Yến

Có thể nói, Mộ và đền thờ Lê Đức Tuy là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh không chỉ của con cháu Lê tộc mà còn là của bà con nhân dân mọi miền đất nước vào các ngày sóc, vọng hàng tháng, ngày rằm tháng Bảy, rằm tháng Giêng… nhằm gửi gắm niềm tin vào sự phù hộ độ trì của vị phúc thần Lê Đức Tuy. Hàng năm, vào dịp rằm tháng Giêng, người dân khắp các nơi lại nô nức về Đền dự Lễ với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa. Đây là sự kiện góp phần tôn vinh và khẳng định giá trị của di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy.

Trải qua hơn 600 năm, Khu Di tích lịch sử vẫn vững vàng đứng đó như một minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân của vị quan Quân lĩnh. Viếng thăm Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy, quan khách không chỉ có cơ hội được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc mà còn là dịp để thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. 

Một số hình ảnh về Khu di tích Mộ và Đền thờ Lê Đức Tuy được phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển ghi lại:

z5442823938704-e9bb73e67ebe0b64dc71cb81ae494ba7-1715946041.jpg
z5442823457550-233d0dfb184d6487b723fc03e38b8aea-1715944885.jpg
z5442823314130-f17fe418777bd34f97c7876389f515a8-1715944928.jpg
z5450305191624-a910f4de40d95d896e14c86dc7702903-1715945116.jpg
z5442823559707-e97c3f91a44a0767d7087dd702a890e0-1715945135.jpg
z5442823573924-763a3317dd66b11c47531bfb02c56372-1715945153.jpg
z5442823781540-483020be913ab9b2eb76fa4d310121c5-1715945176.jpg
z5442823958921-a7a7e1866ed9603b51136cd79c807546-1715945210.jpg

Như Yến
Bạn đang đọc bài viết "Di tích Lịch sử Quốc gia Mộ và đền thờ Lê Đức Tuy - Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo thời Hậu Lê" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.