Phát huy giá trị lễ hội

20/09/2016 09:28

Theo dõi trên

Mấy năm gần đây, nhiều lễ hội cấp tỉnh và cấp vùng được tổ chức bài bản, kỹ lưỡng nên không những tôn vinh được bản sắc văn hóa vùng, miền mà còn tạo ra động lực, hiệu quả kinh tế rõ nét. Lễ hội còn đem lại uy tín, biến những “giá trị mềm” là nền tảng văn hóa, thắng cảnh thành “vốn đối ứng” để thu hút doanh nghiệp đầu tư làm giàu cho địa phương. Cùng với quá trình phát triển, hội nhập của đất nước, lễ hội cũng góp phần giới thiệu, khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Song có một thực tế là hằng năm trên đất nước ta có quá nhiều lễ hội, vừa tốn kém lại không nhiều hiệu quả nên Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 41-CT/TW, trong đó nhấn mạnh tới các yêu cầu như: Giảm tần suất, hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; rộng hơn nữa là yêu cầu về quy hoạch, tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng và các hoạt động vui chơi giải trí trong lễ hội hợp lý, lành mạnh. Cần có nhiều cách làm để các địa phương, vùng miền xây dựng được những lễ hội có “thương hiệu”.


Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Trước thực tế trên cộng với vấn đề thiếu kinh phí, thiếu nguồn vốn xã hội hóa, và hơn cả là thiếu sản phẩm du lịch để quảng bá nên xu thế liên kết vùng và liên kết tỉnh đã ra đời. Với cách làm này, điều thấy rõ là chi phí cho lễ hội từ ngân sách địa phương đã giảm đáng kể, nhiều sản phẩm du lịch được giới thiệu định kỳ. Liên kết vùng cũng tạo ra “chuỗi giá trị” dài, nghĩa là nhiều địa phương có thể góp phần vào một sản phẩm du lịch, dịch vụ. Điều này có thể thấy được ở những “hệ thống” vùng du lịch đã hình thành tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Việc Hà Giang có sáng kiến tổ chức, phát triển Lễ hội hoa Tam giác mạch cũng là hướng đi đúng, đáng trân trọng. Thực tế thì hoa tam giác mạch có nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhưng giá trị kinh tế thấp. Song, nhờ nắm bắt được quy luật và sở thích khám phá của du khách, chính quyền địa phương đã vận động người dân gieo trồng tam giác mạch vào một thời điểm, một khu vực tập trung, vì thế đã tạo ra sức hấp dẫn lớn. Cách làm đó đã đem lại “thương hiệu độc quyền” cho Lễ hội hoa Tam giác mạch ở Hà Giang.  

Rõ ràng, việc xây dựng được một lễ hội đã khó, nhưng việc nâng tầm lễ hội, phát triển thành một thương hiệu giá trị để thu hút du khách còn khó gấp bội. Mong rằng các vùng miền, các địa phương khi đã có được "thương hiệu" thì phải khéo léo gìn giữ và phát huy danh tiếng đó. Làm sao để các lễ hội được tổ chức ngày càng phong phú, chuyên nghiệp, đa dạng về loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch; công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nét đẹp của lễ hội cần được đề cập sâu đậm cả ở trong nước và nước ngoài. Việc “gạn đục khơi trong” để những nghi lễ, tập tục đẹp phát huy, hạn chế những hoạt động  mê tín, bạo lực, đi ngược lại với bản sắc văn hóa của dân tộc phải luôn là tiêu chí cho những lễ hội tiếp sau.

(Theo qdnd.vn)

Lê Đông
Bạn đang đọc bài viết "Phát huy giá trị lễ hội" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.