Phật duyên chính là một loại tâm cảnh bình hòa

09/06/2018 15:22

Theo dõi trên

Mang trong mình hai dòng máu anh hùng, dòng máu cha vốn nổi danh là mảnh đất võ truyền thống Bình Định, dòng máu mẹ xuất thân là người Tràng An - mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến đã chứng kiến biết bao biến thiên của lịch sử, Đại đức Thích Tâm Kiên luôn dành tình yêu cho cả hai mảnh đất thiêng.

Ngay từ khi lên 3 tuổi, cậu bé Cường trắng trẻo, mũm mĩm, đáng yêu luôn được bà ngoại đưa đến các chùa gần xa trong vùng để thu mua chuối xanh về dấm chín đem bán. Nhìn cậu bé đáng yêu, các sư cụ ở chùa rất thích thú, ngỏ ý muốn giữ bé ở lại chùa. Thế rồi cậu bé Cường cứ ngày đi học tối lại về chùa ở cùng các sư Thầy và các huynh đệ, nghe giảng Kinh Phật, tụng kinh niệm Phật. Đại đức Thích Tâm Kiên kể lại: ngày đó thầy bị căn bệnh dạ dày hành hạ mấy chục năm trời, cứ ở nhà thì đau bệnh liên miên nhưng khi lên chùa thầy lại khỏe mạnh, ăn xuống uống được. Chính vì thế mà thời gian đó thầy ở chùa nhiều hơn ở nhà.
 

Nói về chữ “Duyên” với chốn cửa Thiền, đại đức Thích Tâm Kiên khẳng định đó là căn duyên đến với thầy ngay từ tấm bé, cái thuở còn chưa ý thức được hết căn quả của người tu hành cần phải tu luyện khổ cực như thế nào. Thầy nhớ lại, có lần bản thân mình bị đau bụng tới mức người nhà phải đưa đi cấp cứu, đau quằn quại là thế nhưng hễ cứ nghe thấy tiếng tụng Kinh, tiếng cung văn đàn sáo hát thầy lại tỉnh và không còn đau bụng nữa. Bác sĩ tại trung tâm y tế Quận Ba Đình số 4 Lê Trực lúc đó chỉ theo dõi rồi cho về nhà chứ không tìm ra căn bệnh đau dạ dày của thầy. Về nhà thầy lại bị đau bụng trở lại, giống như người giả bệnh nên ai cũng lấy làm kì lạ. Biết được điều đó, gia đình liền gửi thầy lên chùa ở một thời gian, sức khỏe ổn định trở lại và tâm thái bình hòa. Trong lời dạy của Phật, Phật dạy người trí tuệ, Phật dạy người giác ngộ, sửa đổi bản thân, tu nhân tích đức, hoàn thiện bản thân. Người tới cửa Phật thì thần vững tâm an, thế nhưng không phải ai cũng có duyên với chốn cửa chùa. Con người chúng ta giống như những hòn ngọc quý nằm trong đá, nếu không mài thì không thể phát sáng được. Bạn có thể tự mình tôi luyện bản thân để một ngày nào đó có thể phát sáng như những viên ngọc quý, tự rèn luyện bản thân cũng chính là tự gieo duyên với Phật, chờ đợi Phật ân. Và Phật ân đã ban cho thầy Thích Tâm Kiên chính là sức khỏe và căn duyên nơi cửa chùa.
 
Năm 1988, khi thầy được 19 tuổi, có giấy gọi của chính quyền địa phương đi tham gia nghĩa vụ quân sự. Lúc đó, thầy vẫn bị bệnh ốm yếu, lẽ ra không phải đi nhưng thấy bạn bè cùng trang lứa hừng hực khí thế đi nghĩa vụ quân sự, thầy cũng quyết định gia nhập quân ngũ. Sư phụ trụ trì chùa Một Cột lúc bấy giờ vẫn thường xuyên châm cứu, chữa bệnh từ thiện cứu người. Đi bộ đội hàng tháng có vỏn vẹn 50 nghìn trong túi, nhưng thầy Kiên vừa dùng số tiền lương ít ỏi đó để chi tiêu vừa để chữa bệnh. Cũng may, nhờ có sư phụ thương tình nên hầu như thầy không mất một đồng tiền nào cho chi phí chữa bệnh. Năm 1991, sau khi nhận quyết định xuất ngũ, cảm nhận được mối lương duyên với chốn cửa chùa, và ân đức của vị sư phụ đã không quản ngại ngày đêm chữa bệnh cho mình, thầy Thích Tâm Kiên đã xin về chùa làm đệ tử của sư phụ, giúp sư phụ chữa bệnh cứu người, chính thức xuống tóc quy y nơi cửa chùa. Thời gian đó, gia đình chính là nguồn động lực to lớn để thầy có được quyết định cuối cùng, gia đình ủng hộ cộng với bản thân hay đau yếu nên việc nương nhờ chốn cửa chùa lúc bấy giờ có lẽ lại là một quyết định sáng suốt nhất.

Năm 1994, khi sư cụ lâm bệnh nặng, thầy Thích Tâm Kiên là đứa học trò cưng của sư phụ, luôn được sư phụ tin tưởng giao cho những trọng trách trong việc trông nom, cai quản cửa chùa. Năm 1996, khi sư cụ viên tịch, lúc đó sư cụ chùa Hòe Nhai về chùa ủng hộ tinh thần trước lời hứa với sư cụ trước khi mất. Sư cụ về chùa với cương vị trụ trì chính ở chùa, để thầy nương bóng sư cụ; thời gian này thầy Thích Tâm Kiên ra sức học hỏi và tu luyện bản thân trở nên chững chạc, vững chãi hơn trong giáo hội để tự mình có thể đảm đương trọng trách trụ trì chùa. Năm 2007, giáo hội Phật giáo thành phố Hà Nội chính thức ra sắc phong đại đức Thích Tâm Kiên trở thành trụ trì chùa Một Cột.
 
Trọng trách thiêng liêng mà Đại Đức đang nắm giữ chính là minh chứng cho tấm lòng thiện Tâm tu hành, một lòng quy y cửa Phật, ngày đêm tụng Kinh niệm Phật không một chút mưu toan, tính toán. Âu cũng là duyên định của chư Phật, sư Tổ ủng hộ và ý nguyện của hàng nghìn con nhang Phật tử trên mọi miền Tổ quốc hướng về chùa Một Cột.
 
Đại Đức Thích Tâm Kiên ngày đêm trăn trở với những công trình xuống cấp tại chùa. Nếu không có những biện pháp kiên quyết của trụ trì chùa thì có lẽ việc trùng tu sẽ càng trở nên chậm trễ. Mùa mưa đến, bất kể là dù mưa to, mưa nhỏ nhà tam bảo, nhà mẫu, liên hoa đài đều bị dột tứ bề. Nhiều lần, đích thân thầy và các con nhang Phật tử ở chùa phải mặc áo mưa đội nón để tượng Phật khỏi ướt. Với cương vị là trụ trì chùa, phải chứng kiến cảnh đó không ai là không thấy đau lòng. Năm 2014, chùa Diên Hựu - Một Cột chính thức được thực hiện trùng tu, tôn tạo các hạng mục xuống cấp. Tuy nhiên, phương án được UBND Phường Ba Đình phê duyệt lại không như mong đợi ban đầu của trụ trì chùa. Và quá trình đòi lại cảnh quan cho chùa lại tiếp tục bắt đầu, đại đức là người đệ đơn lên các cấp ban ngành xem xét lại phương án trùng tu, tôn tạo chùa với những điểm bất hợp lý, phá vỡ cảnh quan và khuôn viên chùa.
 
 
Đại đức Thích Tâm Kiên tiếp đón Tổng thống và phu nhân Myanmar
 
Là người tôn sùng đạo Phật, hơn nữa lại xuất gia quy y cửa Phật từ khi còn trẻ, đại đức Thích Tâm Kiên luôn đặt chữ Thiện Tâm làm mục đích sống và luôn giữ cho mình theo khuôn phép, lời răn của Phật. Thầy cho rằng, đối với đạo Phật không có ngày nào tốt và cũng không có ngày nào xấu cả. Những sự xấu tốt cũng đều do con người tạo ra, nếu như con người ta làm được việc tốt thì sẽ được hưởng quả tốt còn khi gieo nhân xấu thì sẽ nhận lại quả xấu. Hàng năm, Đại đức luôn kêu gọi các mạnh thường quân, các doanh nhân cùng gieo duyên với nhà chùa thành tâm ủng hộ, công đức làm từ thiện. Mỗi một việc thiện nhỏ, giúp đỡ được những cảnh đời khó khăn đấy cũng là cách để con người ta tu hành, giảm bớt Nghiệp, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
 
Mỗi năm, số tiền công đức của con nhang Phật tử ngoài được dùng cho việc tu tạo sửa sang các công trình xuống cấp trong chùa, Đại đức cũng trích một phần số tiền đó ủng hộ cho Hội chữ thập đỏ của phường. Các chương trình từ thiện đều được thầy lên kế hoạch từ trước, và chuẩn bị chu đáo. Nguồn kinh phí làm từ thiện ngoài việc kêu gọi giúp đỡ từ các mạnh thường quân, cũng có một phần kinh phí không nhỏ của thầy cúng lễ cho các cá nhân tổ chức. Một số chương trình từ thiện mà Đại đức đang tiến hành triển khai trong thời gian tới chính là chuẩn bị các phần quà Tết cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường, chương trình Áo ấm vùng cao, chương trình Tết cho trẻ em nghèo Xuân về trên bản… Mỗi một chương trình từ thiện, đều được thầy san sẻ, quan tâm và phân bổ kinh phí sao cho hợp lý nhất. Phật Pháp luôn hướng con người ta đến với hai chữ Thiện Tâm, mỗi người nên học lấy cho mình hai chữ “từ bi” để ứng dụng. Chương trình Vì người nghèo phát sóng trên VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam, thầy chính là người đầu tiên khai màn, đi đầu trong phong trào ủng hộ mái nhà trống tranh tre dột nát. Quỹ vì người nghèo ngay từ những ngày đầu phát động cho đến khi dừng hoạt động luôn được thầy hưởng ứng nhiệt tình, năm nào nhà chùa cũng trích một phần nhỏ để ủng hộ quỹ này và ủng hộ phường trong công tác đền ơn đáp nghĩa nhân ngày thương binh liệt sĩ.
 
 
Đại đức Thích Tâm Kiên làm lễ cầu siêu cho các AHLS tại Quảng Trị
 
Những việc tích đức hành thiện của đại đức Thích Tâm Kiên đã gieo trong lòng mình và lòng người những mầm nhân duyên tốt đẹp. Giữ cho tâm mình thanh tịnh, dù ở đâu làm gì bạn cũng được Phật chở che bởi Phật duyên chính là một loại tâm cảnh bình hòa. Đại đức Thích Tâm Kiên mong muốn cùng chung tay, góp sức với mọi người để cuộc sống trở nên an lạc, hạnh phúc hơn, bình an và bớt nỗi khổ trần gian hướng cuộc sống tới Chân – Thiện – Mỹ.
 
Mỹ Nhật

Bạn đang đọc bài viết "Phật duyên chính là một loại tâm cảnh bình hòa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.