Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác...

02/05/2024 21:21

Theo dõi trên

Nghệ An chính là nơi ươm mầm và phát triển hạt giống yêu nước, cách mạng và hình thành nên nhân cách cao đẹp của đồng chí Phan Đăng Lưu. Đây cũng là nơi ghi dấu hành trình người thanh niên Phan Đăng Lưu từ trí thức yêu nước thành người chiến sĩ cộng sản ưu tú, đầu tiên của Đảng.

anh-12842574-1842022-1650878699-1714658355.jpg
Chân dung nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu (1902 - 1941)

Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo lỗi lạc...

Kỷ niệm 122 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2024), ngày 2/5, huyện Yên Thành, xã Hoa Thành cùng đại diện dòng tộc, con cháu đồng chí Phan Đăng Lưu đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của đồng chí.

Lựa chọn lý tưởng cách mạng vì nước, vì dân, cuộc đời đồng chí Phan Đăng Lưu là tấm gương tiêu biểu của người thanh niên yêu nước nhiệt thành. Ông đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 05/5/1902, tại thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước, ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. 

Năm 1925, Phan Đăng Lưu được kết nạp vào Hội Phục Việt, sau đổi tên thành Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng và Tân Việt Cách mạng Đảng. Hoạt động tích cực và được tín nhiệm cao, tại Đại hội thành lập Tân Việt Cách mạng Đảng (tháng 7/1928), đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Tổng bộ Tân Việt. Đồng chí được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ sang Trung Quốc để bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.

z5400930438887-801909f7777a2a4a72444cd6120a0a29638502622358286598-1714658872.jpg
Lãnh đạo huyện Yên Thành dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu

Khi chuẩn bị sang Trung Quốc lần thứ hai (1929), đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Hải Phòng đưa về giam tại Nhà lao Vinh rồi đày lên Nhà tù Buôn Ma Thuột. Bị đày ải 7 năm trong lao tù đế quốc, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản và tham gia Ban lãnh đạo Nhà tù. Vượt qua mọi đòn roi, tra tấn của kẻ thù, đồng chí đã cùng với các chiến sĩ cộng sản kiên trung khác biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng, thành nơi rèn luyện ý chí, bản lĩnh người chiến sĩ cộng sản, để chuẩn bị sẵn sàng sau khi ra tù tiếp tục phụng sự Tổ quốc, phụng sự Đảng và phục vụ nhân dân.

Giữa năm 1936, ra khỏi nhà tù thực dân, đồng chí Phan Đăng Lưu lại tiếp tục hoạt động cách mạng tại Huế. Tháng 8/1936, đồng chí đã bắt liên lạc được với Đảng và tích cực tham gia khôi phục lại hệ thống tổ chức Đảng ở Trung Kỳ. 

Tháng 3/1937, Xứ ủy lâm thời Trung Kỳ được tái lập, do đồng chí Nguyễn Chí Diểu là Bí thư. Đồng chí Phan Đăng Lưu được cử là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, đứng đầu bộ phận công khai, hợp pháp. Đồng chí cũng đặc biệt quan tâm và góp phần quan trọng đào tạo, bồi dưỡng những cán bộ ưu tú, sau này trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, tiêu biểu như: Nguyễn Kim Thành (Tố Hữu), Nguyễn Vịnh (Nguyễn Chí Thanh), Hoàng Anh, Trần Quỳnh...

z5400930590633-bf4d297bd7da1cb1478c619cc22edb45638502622845795659-1714659012.jpg
Trọn cuộc đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, trong sáng của người chiến sĩ cộng sản

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 9/1937, đồng chí Phan Đăng Lưu đã được bầu vào Trung ương Đảng. Được cử vào Nam Kỳ hoạt động để tăng cường bộ máy lãnh đạo của Đảng, đồng chí đã cùng các đồng chí trong Trung ương, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chuẩn bị chu đáo và tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939, quyết định thay đổi chiến lược cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết. 

Năm 1940, khi hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương bị thực dân Pháp bắt, nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tiến hành khởi nghĩa. Với tư duy nhạy bén, đồng chí Phan Đăng Lưu sớm nhận thức được yêu cầu phải khẩn trương tổ chức tái lập lại Ban Chấp hành Trung ương và kiên trì đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa, chờ ý kiến chính thức của Trung ương. 

Đồng chí đã lên đường ra Bắc và tham gia tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1940. Hội nghị đã thành lập Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư và quyết định hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là những quyết định thể hiện vai trò, cống hiến và tài năng lãnh đạo của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

5a638502622985641840-1714658336.jpg
Đại biểu dâng hoa tại tượng đài đồng chí Phan Đăng Lưu (quảng trường thị trấn Yên Thành, huyện Yên Thành)

Trở về Nam sau Hội nghị Trung ương tháng 11/1940 để truyền đạt ý kiến của Trung ương hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, đồng chí bị thực dân bắt và kết án tử hình. Trước tòa án thực dân, đồng chí vẫn hiên ngang, giữ vững tinh thần lạc quan cách mạng, vững tin vào tương lai tươi sáng của cách mạng cho đến lúc anh dũng hy sinh.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng nhận định: “Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác, tác phong giản dị, gần gũi đã có sức cuốn hút lớp trí thức trẻ như chúng tôi và cả những trí thức lớn như cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng...”.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Phan Đăng Lưu - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác..." tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.