Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội

23/08/2023 08:13

Theo dõi trên

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình trong xã hội mới, coi gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam.

vn-02363467347-1692753164.jpg
Hệ giá trị gia đình là gốc rễ để thiết lập hệ giá trị con người và hệ giá trị văn hóa, quốc gia, dân tộc... đây là một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” (ảnh minh họa/dangcongsan.vn)

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác gia đình

Theo TS. Trần Thị Thủy (Trường ĐH Ngân hàng TP. HCM), xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị con người Việt Nam là vấn đề nổi bật trong các chính sách phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước ta ở từng giai đoạn phát triển.

Còn GS. Nguyễn Hữu Minh, Viện nghiên cứu gia đình và giới cho biết: Xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề gia đình và xây dựng gia đình trong xã hội mới, coi gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội Việt Nam. Bác Hồ và Đảng ta cũng luôn quán triệt rằng sự phát triển của gia đình luôn song hành với sự phát triển của sức sản xuất và điều kiện kinh tế - xã hội nói chung, vì vậy, cần rất quan tâm đến việc tạo ra các tiền đề vật chất và tinh thần, nâng cao cơ sở kinh tế và ý thức người dân trong sự phát triển của gia đình. Xuyên suốt các văn kiện của Đảng ở từng thời kỳ đều nhấn mạnh đến việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

Gần đây nhất, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị số 06 – CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 (quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đều nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

"Chủ trương xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh đối với mỗi gia đình cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam xác định ngay từ khi Đảng ra đời" - TS. Nguyễn Danh Lợi Phó TBT tạp chí Lịch sử Đảng, Viện lịch sử Đảng cho biết.

TS. Nguyễn Danh Lợi cũng đưa ra dẫn chứng cho thấy công tác gia đình luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm ở các giai đoạn phát triển của đất nước; Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, toàn Đảng, toàn dân cần tập trung thực hiện thật tốt sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ "Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia – dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi; ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học.

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” năm 2022, các đại biểu thống nhất cao và khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện.

Giá trị gia đình trong bối cảnh mới

"Hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam, cũng như các dân tộc khác, không tách rời các yếu tố văn hóa, lịch sử dân tộc. Xuyên suốt các thời kỳ lịch sử phát triển, hệ giá trị gia đình, con người đều có những quy ước, quy tắc, lý tưởng bền vững như: có sự gắn kết, tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, uống nước nhớ nguồn, hiếu học… Nếu hệ giá trị quốc gia, văn hóa dân tộc là khát vọng xây dựng một đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc thì hạt giống để tạo dựng nên những giá trị ấy chính là xây dựng và vun đắp những hệ giá trị thuộc về gia đình và con người" - TS. Trần Thị Thủy khẳng định.

TS. Trần Thị Thủy nhấn mạnh thêm, hệ giá trị gia đình là gốc rễ để thiết lập hệ giá trị con người và hệ giá trị văn hóa, quốc gia, dân tộc. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định "Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Do đó, xây dựng hệ giá trị gia đình, con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập là mục tiêu và động lực phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Đặt trong thực tế của xã hội hiện nay, những hệ giá trị gia đình gặp không ít khó khăn để phát huy thế mạnh, đem lại đời sống ổn định, hạnh phúc cho mỗi người dân.

Bàn về giá trị gia đình trong bối cảnh mới, GS. Nguyễn Hữu Minh cho rằng: Gia đình Việt Nam tiến bộ là gia đình được xây dựng và phát triển theo hướng đi lên, phù hợp với xu hướng phát triển của lịch sử, của thời đại. Đối với Việt Nam, gia đình tiến bộ phải hộ tụ được những đặc điểm tốt đẹp nhất của gia đình Việt Nam truyền thống và xu hướng phát triển của gia đình hiện đại. Những nét đẹp ứng xử trong gia đình Việt Nam truyền thống như sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương và sự hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em… chính là nền tảng làm nên sức sống mãnh liệt của gia đình và xã hội Việt Nam. Đồng thời, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam có nhiều cơ hội giao lưu với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước, những xu hướng tốt đẹp nhất của nhân loại cần được tiếp nhận và phát triển.

Tuy nhiên TS. Trần Thị Thủy cũng đưa ra những trăn trở: Trong những năm gần đây, nền kinh tế, văn hóa của đất nước thay đổi nhanh chóng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng lớn đến hệ giá trị con người Việt Nam. Những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, con người đang được đề cao, phát huy trước "vòng xoáy" của quá trình đô thị hóa và thời đại công nghệ 4.0 với những biểu hiện "lệch chuẩn", "phản giá trị". Việc định hướng, xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việ Nam trở thành nhiệm vụ của toàn xã hội nhằm hướng tới xây dựng một quốc gia phát triển vững bền, nâng tầm quốc tế, hài hòa giữa con người truyền thống và con người hiện đại.

GS. Nguyễn Hữu Minh khẳng định: Gia đình vẫn là thiết chế không thể thay thế đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như trong việc thực hiện các chức năng xã hội, giữ gìn và chuyển giao các giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những thành tựu kinh tế - xã hội trong mấy thập niên qua đã tạo điều kiện thuận lợi đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho việc xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

Và để đạt được mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ trong giai đoạn mới, GS. Nguyễn Hữu Minh đề xuất một số giải pháp cần quan tâm đến: Nhận thức đầy đủ hơn vai trò quan trọng của gia đình đối với sự phát triển xã hội nói chung, từ đó chú ý một cách toàn diện khía cạnh gia đình trong chính sách kinh tế - xã hội; Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; Quan tâm củng cố chức năng giáo dục của gia đình, xây dựng mối quan hệ mới giữa cha mẹ và con cái trên cơ sở tiếp thu những giá trị nhân văn mới và kế thừa những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống; Xã hội cần chuẩn bị tốt hệ thống an sinh xã hội công, dịch vụ tư và phát huy vai trò của cộng đồng để phục vụ nhu cầu chăm sóc trẻ em và người cao tuổi; Cần thiết phải có những giải pháp triệt để hơn nhằm thay đổi nhận thức xã hội về bạo lực gia đình, tăng cường công tác bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân; Các gia đình cần giáo dục và phát huy mối quan hệ trợ giúp lẫn nhau; Tiến hành các nghiên cứu về gia đình ở quy mô lớn để nắm được thường xuyên sự vận động và biến đổi của gia đình cũng như tác động của gia đình đối với sự phát triển xã hội; Cần xây dựng hệ tiêu chí thống nhất và cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng gia đình của Đảng tạo thuận lợi cho quá trình tuyên truyền và triển khai thực tế các kế hoạch hành động xây dựng gia đình Việt Nam tiến bộ.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nửa nhiệm kỳ ngành VHTTDL: Gia đình là nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.