1. Làng Quê
Chị Đặng Thị Thanh Hương - nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương sinh năm 1939 tại làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, huyện Diên Châu, tình Nghệ An. Chị là người cùng xã với tôi. Trong xã, tôi là lứa đàn em của chị. Chị hơn tôi gần chục tuổi. Làng chị cách làng tôi một cánh đồng, có đường tàu hỏa chạy ngang qua, nhưng con kênh Nông Giang thì chảy qua làng chị, vắt qua làng tôi rồi đổ xuống cánh đồng sau làng. Cả xã làm nghề nông, nhưng mỗi làng đều có nghề thủ công khá điển hình. Làng tôi có nghề đan bị cói. Làng chị có nghề cán bông xe sợi vải. Làng Phượng Lịch có nghề dệt vải… Ở đây từ xưa đã có câu thành ngữ dân gian rất ấn tượng ca ngợi trai gái vùng quê: “Trai Đông Phái gái Phượng Lịch”. Trai Đông Phái nổi tiếng thanh lịch, tài ba, gái Phượng lịch nổi tiếng giỏi giang, xinh đẹp.
Có thể nói làng Đông Phái nơi sinh ra nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương, vốn là cái nôi sinh ra nhiều người con tài kiệt. Đó là những người con ưu tú, cống hiến cho đất nước trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Theo sử sách xưa ghi lại thì làng Đông Phái được lập vào năm Giáp Ngọ (1714), có tên sơ khai ban đầu là Kẻ Tra, do cụ Trần Văn Thức cùng con cháu của mình từ làng Phượng Lịch đến đây định cư, lập nghiệp. Đất lành chim đậu, nhiều gia đình họ Nguyễn, họ Phạm, họ Ngô, họ Đặng và con cháu các dòng họ khác cũng lần lượt về đây an cư lạc nghiệp. Với văn hóa truyền thống, làng Đông Phái cũng có cây đa, giếng nước, sân đình, với những phong tục sản xuất, thờ cúng tổ tiên rất phong phú, đặc biệt là có nghề trồng bông, quay xa, kéo sợi. Cảnh làng Đông Phái tươi đẹp và đầm ấm được nhà thơ, nghệ nhân ưu tú Cao Xuân Thưởng (người làng Phượng Lịch) đã ghi lại trong bài thơ “Làng Đông Phái trong tôi” vô cùng sinh động:
Một làng Đông Phái trong tôi
Là đêm trăng sáng em ngồi quay xa
Là sân đình rợp bóng đa
Là trưa yên ả tiếng gà thẳm sâu.
Một làng Đông Phái trong nhau
Mắt em và nước giếng Cầu long lanh.
Làng nghèo bông trắng lúa xanh
Tiếng quay xa cũng đọng thành nét riêng
Họ hàng sum họp tháng giêng
Cháu con đến với tổ tiên ông bà.
Những ngày mưa lũ tràn qua
Những ngày bom dội tan nhà vỡ sân
Đình làng vẫn trống hội xuân
Đêm hè vẫn thoảng xa gần hương cau.
Làng tồn tại được 242 năm thì thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, gần 300 gia đình dân làng Đông Phái đã gồng gánh lên vùng đất núi Nghĩa Đàn nhập vào với dân địa phương để khai hoang, mở mang đất sản xuất. Kể từ đó, Đông Phái trù phú xưa bị xóa sổ, chỉ còn lại một nền đất bằng phẳng để tăng gia sản xuất.
Chấp hành thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc đó là rất tốt, rất nghiêm, nhưng với người dân làng Đông Phái, đó là cả một nỗi đau lớn mang theo đi khắp chân trời góc biển. Một lần về quê, tôi cũng đã viết một bài thơ tặng xã tôi, trong đó có hai câu thơ chua xót và tiếc nuối:
Một làng Đông Phái quay xa
Di dân một chuyến hóa ra mất làng…
Còn nhà thơ Cao Xuân Thưởng thì chia sẻ:
Người làng trôi dạt trăm miền
Gặp nhau vẫn một nỗi niềm xa xôi.
Trẻ làng sinh ở bao nơi
Hỏi quê vẫn bảo cháu người làng Đông.
Vâng, cái làng Đông ấy không còn tên trên bản đồ quê tôi đã tròn 40 năm. Nhưng lịch sử và công tích của làng thì người ta vẫn nhớ. Đình làng Đông Phái là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử diễn ra của địa phương và dân tộc như: tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, tổng khởi nghĩa dành chính quyền tháng 8/1945… Cũng chính nơi đây, đình làng và chùa Nhãn đã ghi nhiều dấu tích trong tiến trình lịch sử cách mạng của dân tộc. Ba giếng nước lớn của làng trong đó có giếng Cầu được cho là có mạch nước trong vắt, nấu chè xanh không đâu ngon bằng. Chính mạch nước của làng Đông Phái khác biệt như vậy nên đã nuôi dưỡng, sản sinh ra nhiều người con tài giỏi trong các thời đại của lịch sử. Và, từ Đông Phái, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, đi đâu, con cháu làng này cũng thể hiện khí chất kiên cường, thông minh, tài giỏi, được nhiều người nể trọng. Trong chiến tranh, Đông Phái cũng đóng góp hàng trăm lượt con em lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Cũng có không ít người khi trở về sau chiến tranh đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường…
Không thể kể hết được tên tuổi, danh vị từ thuở có làng nhưng hiện nay nhiều người con làng Đông Phái học hành giỏi giang đã trở thành tướng tá trong lực lượng vũ trang và đảm nhiệm nhiều chức vụ cao ở Trung ương cũng như địa phương. Làng có hơn 40 Giáo sư, Tiến sĩ, Văn nghệ sĩ. Chỉ trong một gia đình họ Ngô trong làng, đã có 3 người nổi tiếng, đó là Đại sứ Ngô Quang Xuân (người gần chục năm tham gia đàm phán để đưa Việt Nam gia nhập WTO); Thiếu tướng Ngô Trí Nhân (Cục trưởng cục Tác chiến điện tử bộ Quốc phòng); Hoa hậu thế giới người Việt đầu tiên Ngô Phương Lan). Có những nhà khoa học đầu ngành như Thầy thuộc nhân dân, Giáo sư TS Nguyễn Ngọc Minh, người cùng tuổi với chị Thanh Hương. Và đặc biệt là giới văn nghệ sĩ của làng rất đông đảo. Gia đình Nhạc sĩ Ngô Trí Thậm có em gái là nghệ sĩ đàn thập lục Ngô Thị Dung, hai con gái là giáo viên, thạc sĩ âm nhạc, và người em rể của ông là nhạc sĩ Hồ Hữu Thới. Nhạc sĩ Tùng Vinh có con là họa sĩ Phương Bình; Nhà thơ Lê Thái Sơn Chủ tịch hội VHNT Nghệ An; Ca sĩ Lan Xuân, Đạo diễn sân khấu Cao Danh Giá, v.v… Ngay cả Đại sứ Ngô Quang Xuân cũng đã từng học nhạc, anh có giọng hát hay, lại chơi được cả đàn piano, và sáng tác một số bài hát về quê hương được nhiều người yêu thích.
Có thể nói, làng Đông Phái là một làng hào hoa, phong nhã. Một làng quê văn hiến.
2. Cuộc đời
Nhà văn, nhà viết kịch Thanh Hương cũng là một người con mà dân làng Đông Phái luôn tự hào về chị. Trước khi trở thành nhà văn, nhà viết kịch, chị học đại học tổng hợp văn. Tình yêu văn học, sự lăn lộn, hòa mình trong cuộc sống sôi động của đất nước suốt thời kỳ chiến tranh cũng như xây dựng, chị đã khám phá ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp, bức xúc, đầy kịch tính. Để góp phần giải quyết những vấn đề xã hội đó, chị đã viết ra nhiều vở kịch nóng bỏng tinh thần yêu nước. Những tác phẩm nổi tiếng của chị đến nay tôi vẫn còn nhớ nhớ như Ngôi sao ban ngày (1972), Thung lũng tình yêu (1980), Vàng (1985), Đỉnh cao và vực thẳm (1991), Bài ca người mẹ (1995), Đời người giấc mộng (1996), v.v… Với những đóng góp to lớn cho ngành sân khấu nước nhà, chị đã được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ Thuật năm 2007.
Theo cuốn truyện ký “Đi Trong Cuộc Sống” của nhà văn Thanh Hương do NXB Hội Nhà văn đã phát hành và NXB Phụ nữ in lần thứ II, tôi càng “ngộ” ra nhiều điều còn chưa hiểu hết về chị, đồng thời càng quý trọng, yêu mến nhân cách của nữ sĩ tài hoa trung thực này… Đó là một cố gái nông thôn đến Thủ Đô học tập rồi lấy chồng. Chồng mất sớm, lúc chị mởi hơn 30 tuổi, chị một mình nuôi 2 đứa con nhỏ. Nhưng năm 1972, giữa những ngày chiến tranh ác liệt nhất, chị đã xung phong ra chiến trường để làm người “nghệ sĩ - chiến sĩ” sống với các đơn vị TNXP để viết về cuộc chiến đấu lớn lao của dân tộc. Thật xúc động khi đọc lại những dòng tâm sự trước lúc lên đường của chị: “Tôi gửi 2 con Hà, Quang đi sơ tán theo cơ quan Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Trước lúc lên đường ra mặt trận, tôi mua gạo, mì, dầu, thịt, đậu kho một nồi, tem phiếu mua thực phẩm và sổ mua gạo, tất cả tôi gửi cho chị Minh Yến, Phó Văn phòng Hội. Tôi nhờ chị Yến báo cơm tập thể cho 2 cháu và hàng tháng lĩnh lương của tôi nộp cho nhà ăn… Tôi ôm hai con vào lòng, tôi hít hà mái tóc cháy nắng đỏ quạch của cháu Quang mới lên mười tuổi, cháu Hà mười một tuổi, trông các con tôi đen đủi, gầy gò, mắt các cháu mở to, ngơ ngác nhìn tôi như muốn hỏi tôi: “Mẹ lại đi à?”… Tôi cắn chặt môi toé máu, nuốt nước mắt vào trong quay đi, bởi nếu còn ôm thêm con một giây nữa thì tôi bật khóc và chân tôi sẽ chùng xuống, không bao giờ bước đi nổi nữa…”. Và chị đã lên xe quân đội đi thẳng vào chiến trường, chị vượt Trường Sơn lên đến tận Cổng Trời, nơi có một tiểu đội nữ TNXP cảm tử canh chừng máy bay Mỹ, báo tín hiệu cho cả một cung đường. Từ đó chị nhìn thấy: “Đứng trên đỉnh núi gọi là Cổng Trời nhìn xuống rừng Trường Sơn bao la xanh thẳm, có mảng rừng bị cháy khô, giơ những cành cây đen – những con đường đất đỏ chạy thẳng vào phía Nam ẩn mình dưới tán lá rừng. Các cô gọi Cổng Trời là yết hầu của con đường từ Bắc vào Nam… Địch đã ném xuống đây hàng ngàn tấn bom, bom phá, bom khoan, bom bi, bom napan thiêu cháy từng mảng rừng…”. Và chị đã sống như một chiến sĩ TNXP thực sự. Vẫn lạc quan giữa cái sống và cái chết, giữa cái được và cái mất. Để rồi khi thoát chết trở về, chị lao lên vùng sơ tán tìm con. Chị Minh Yến, Phó Văn phòng Hội ôm chầm lấy chị, nước mắt đầm đìa: ““Thanh Hương ơi! Suốt thời gian cô đi chiến trường, tôi lo quá, tôi nghĩ cô có mệnh hệ gì thì ai nuôi con cô…”
Đứng như nữ nhà văn Lê Minh Khuê chia sẻ: “Người đàn bà nhìn bề ngoài họ có thể lam lũ, có thể tất bật và có thể sang trọng… nhưng họ đều đi qua lửa, nước và ống đồng, đã được tôi luyện cả. Những đứa con là thành quả vĩ đại nhất của họ… Tất cả chỉ đi một mình như trong một chi tiết nhỏ thôi, khi sinh nở, khi con ốm, khi con khóc… người đàn bà chỉ có một mình vật lộn, đấu tranh và che chở cho con…”.
Chị Thanh Hương đúng là một người đàn bà như thế. Nhưng chị là một người đàn bà giàu nghị lực, giàu bản lĩnh và giàu tinh thần lạc quan, để vượt qua tất cả những khổ ải của cuộc đời, không chỉ để nuôi con, để viết văn, viết kịch… mà chị còn là sự gửi gắm niềm tin yêu của nghệ sĩ, của cử tri. Khị còn làm Ủy viên thường vụ kiêm Chánh văn phòng hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, chị đặc biệt quan tâm đến lực lượng nghệ sĩ sân khấu địa phương. Và khi được bầu làm đại biểu Quốc Hội khóa IX và khóa X, chị được giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh-Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đảng uỷ viên khối tư tưởng văn hoá TW, Uỷ viên BCHTW Hội LHPNVN, chị luôn phát huy khả năng và trách nhiệm cao nhất của mình, cống hiến cho xã hội.
Cũng theo cuốn truyện ký “Đi Trong Cuộc Sống” của chị, những công việc làm nơi chính trường không hề đơn giản. Nó là một cuộc sống thứ hai của chị. Chị luôn quan sát, suy nghĩ, và chân thành phát biểu những ý kiến, những đề xuất của mình sao cho thật thiết thực, thật có lợi cho dân, cho nước, đặc biệt là đối với văn hóa nước nhà. Có lẽ chị là nhà văn sớm nhất “nhớ lại và suy nghĩ” bằng sách về cuộc sống chính trường mà chị đã trải qua. Chị viết chân thực và róng riết. Chị trải lòng mình với mọi người một cách giản dị mà can đảm. Đó là những cuộc tiếp xúc với cử tri, với những người dân đất mỏ Quảng Ninh, với Bí thư Tỉnh ủy, với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, những cuộc tiếp xúc hành lang… rất hấp dẫn mà lâu nay trên văn đàn công khai hầu như ít được phản ánh.
Cho đến lúc đã ngoài thất thập, đã nghỉ hưu, chị vẫn quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước như hội nhập, như chủ quyền biển đảo. Chị ngồi đọc lại kịch bản "Quang Trung đại phá quân Thanh" của nhà viết kịch nổi tiếng Trúc Đường, do Đạo diễn, GS Hoàng Chương dàn dựng từ năm 1980, và viết thư gửi Bộ trưởng VHTT&DL và Bí thư tỉnh ủy Bình Định đề nghị phục dựng vở diễn này phục vụ công chúng. Và đề nghị của chị đã được thực hiện trong những ngày biển Đông dậy sóng… Chị đúng là người nghệ sĩ, người chính khách luôn hết lonhf vì nghệ thuật, vì dân, vì nước.
3. Thay lời nhắn gửi
Từ làng Đông Phái, chị Thanh Hương đã đến với cả nước. Rồi từ kịch trường tới chính trường là con đường phấn đấu không mệt mỏi của chị. Tuy làng Đông Phái không còn nữa, nhưng nghĩa trang Chùa Nhãn của làng chị vẫn còn, và hồn thiêng của làng vẫn mãi mãi trường tồn. Chị Thanh Hương cũng biết rằng, đã gần 10 năm nay, nghĩa trang Chùa Nhãn đã được tôn tạo và xây dựng khang trang hơn. Nhưng đặc biệt, tại nghĩa trang này, nơi các bậc tiên tổ, tiền nhân của 12 dòng họ toạ lạc, cứ vào Rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm lại diễn ra “Lễ hội Âm-Dương” rất trang nghiêm và ấm cúng. Hàng trăm con cháu của làng Đông Phái xưa và các làng nội ngoại đều về đây quây quần bên nhau thắp hương cúng tế, ca hát, tưởng nhớ công đức của các vị tiền bối và lịch sử đầy tự hào của làng mình. Và, trong ngày hội Âm-Dương ấy, hẳn người làng luôn nhắc tên chị Đặng Thị Thanh Hương – nhà văn, nhà viết kịch, nhà chính khách, với niềm tự hào và tin yêu. Còn tôi thì xin tự hào gọi chị là NGƯỜI QUÊ TUI.
Thay lời nhắn gửi tới chị, tôi xin chép lại bài thơ của một người làng tên là Thanh Tuấn đã viết nhân dịp về dự Lễ hội Âm-Dương của làng:
Hỏi trăm năm nữa còn chăng
Âm-Dương hội ngộ ngày Rằm tháng Giêng
Giếng Cầu còn đó mạch thiêng
Ánh trăng chùa Nhãn chùng chiềng nhớ nhung
Hỏi trăm năm có còn không
Chiều Giêng mười bốn, làng Đông hẹn về
Hẹn về thăm lại chốn quê
Còn chăng ký ức bộn bề tha phương
Hỏi trăm năm có còn vương
Ai về có nhớ có thương ai nhiều
Khói trầm ngát cả ráng chiều
Ai đi chưa nói một điều với ai
Trăm năm một kiếp luân hồi
Cháu con còn nhớ một thời bể dâu
Long lanh bóng nước giếng Cầu
Tình Đông Phái mãi đằm sâu hồn người…
Hà Nội, 1.8.2017
Nguyễn Trọng Tạo