Nơi thờ hai vị công thần ở bên bờ sông Gianh

29/05/2017 10:46

Theo dõi trên

Nằm uy nghi bên lèn Rồng, dưới tán cây đa cổ thụ, hướng mặt ra sông Gianh, đền Song Trung (hay còn gọi là Song Trung miếu bia) ở thôn Trung Tiến, xã Phù Hóa (huyện Quảng Trạch), có vị trí sơn thủy hữu tình. Đền là nơi thờ hai vị công thần Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ, hai cha con đã có công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống cát cứ, bảo vệ quê hương, phục hưng đất nước thời Hậu Lê.



Bài vị thờ thần ở trong đền Song Trung.

Từ thời Hồng Đức, theo các dòng họ Trần, Lê, Nguyễn... dòng họ Hoàng (ở Lý Trai, huyện Phúc Khê, tỉnh Nghệ An) đã di cư vào khai hoang lập ấp, hình thành vùng đất Phù Kinh ở ven bờ thượng nguồn sông Gianh, thuộc châu Bố Chính, phủ Tân Bình.

Sách Việt sử xứ Đàng Trong có viết "Trong niên hiệu Hồng Đức, khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm trở về, xuống chiếu rằng: Bố Chính đất rộng, ít dân cư, chạy đến tận Châu Hoan, vậy ai đến đó khai khẩn sẽ được lợi lớn".

Còn theo gia phả các dòng họ ở xã Phù Hóa lưu lại "việc di dân lập ấp dưới thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông), đầu tiên là tập trung hai bên bờ sông Gianh, những vùng có đất đai canh tác, bãi bồi ven sông...

Vùng bắc Bố Chính từ đây mà được khai canh, phát triển". Cùng với các dòng họ khác, họ Hoàng đã góp phần tích cực trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, trồng dâu nuôi tằm của làng Phù Kinh ngày xưa, xã Phù Hóa ngày nay.

Ngược dòng thời gian, vào những năm đầu thế kỷ XVI, khi nhà Lê suy vong, triều đình và bộ máy quan lại ngày càng hủ bại. Lúc này, các cuộc nổi dậy kéo theo nạn cát cứ và tranh chấp đất đai giữa các phe phái phong kiến xảy ra gay gắt. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1527), tập đoàn nhà Mạc do Mạc Đăng Dung cầm đầu đã làm cuộc "đảo chính cung đình" phế truất triều Lê, lập ra triều Mạc tự xưng hoàng đế. Hành động của Mạc Đăng Dung đã bị các tướng lĩnh triều Lê chống đối quyết liệt.

Nhằm phù Lê diệt Mạc, đầu năm 1532, An Thành hầu Nguyễn Kim, một công thần triều Lê đã liên kết các phe phái tưởng nhớ đến công lao và ân đức của Thái tổ Lê Thánh Tông để chống lại nhà Mạc. Năm 1538, Nguyễn Kim tôn phò Lê Duy Ninh (con vua Lê Chiêu Tông) lên làm vua (tức Lê Trang Tông), lấy niên hiệu là Nguyên Hòa, từ đây gọi là thời kỳ Lê Trung Hưng.

Hưởng ứng ngọn cờ phù Lê diệt Mạc, ở vùng đất nơi thượng nguồn sông Gianh, hai cha con ông Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ đã kêu gọi thanh niên trai tráng trong làng theo tướng Nguyễn Kim xây dựng lực lượng, dấy binh khởi nghiệp. Hoàng Vĩnh Tộ lớn lên trong thời kỳ đất nước nội chiến, lịch sử dân tộc đầy biến động. Vùng đất Phù Kinh quê hương ông là nơi phên dậu phía Nam của nước Đại Việt luôn phải hứng chịu nhiều cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các triều đại phong kiến.

Tương truyền, thuở nhỏ Hoàng Vĩnh Tộ là cậu bé thông minh, tuấn tú. Lúc trưởng thành, chàng thanh niên họ Hoàng này có sức khỏe phi thường, với chí khí, hiểu biết hơn người, lại giàu lòng yêu nước thương dân. Khi đất nước nội chiến, các phe phái tranh giành quyền lực, nhận thấy cuộc sống của nhân dân lâm vào cảnh cơ cực, thống khổ, ông đã tụ tập thanh niên trong làng rèn luyện võ nghệ để bảo vệ quê hương. Ngay từ sớm, để ủng hộ lời kêu gọi của Thượng tướng quân Nguyễn Kim, Hoàng Vĩnh Tộ cùng với người con trai Hoàng Vĩnh Dụ đã gia nhập đội quân nhà Lê Trung Hưng để chống lại quân Mạc.

Cùng với đại quân giương cờ xung trận, Hoàng Vĩnh Tộ đã lập được nhiều công lớn. Năm Thuận Đức thứ I (1600), ông được phong Hiệp mưu dương vũ công thần, đặc tiến phụ quốc thượng, tướng quân cẩm y vệ thực vệ sự hầu tước. Khi ông mất được truy phong tước Phúc Khê hầu Đại vương tôn thần.

Hoàng Vĩnh Dụ - con trai trưởng của Thượng tướng quân Hoàng Vĩnh Tộ, từ nhỏ, Dụ là người thông minh, luôn luôn theo cha tập luyện võ nghệ và đánh trận giả. Lớn lên, với khí chất can trường của một võ tướng miền "phên dậu" phía Nam của nước Đại Việt, Hoàng Vĩnh Dụ đã cùng cha tham gia nhiều trận chiến chống lại quân Mạc.

Đặc biệt, ông cùng với binh sỹ đã tiến công đánh quân nhà Mạc ở địa đầu đất Giao Thủy (Nam Định), góp phần phò vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long (tháng 4 năm 1593). Năm 1623, đội quân của nhà Lê đã đánh đuổi quân Mạc trốn lên Cao Bằng. Năm Vĩnh Tộ triều Lê thứ 10 (1628), ông Hoàng Vĩnh Dụ được phong là Dương vũ uy dũng tán trị công thần đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân điện tiền đô hiệu điểm ti Tả hiệu điểm Hầu tước. Khi qua đời, ông được truy phong tước Hoằng dũng Đại vương tôn thần.

Tưởng nhớ hai vị công thần Hoàng Vĩnh Tộ và Hoàng Vĩnh Dụ đã có công phò vua giúp nước, đánh dẹp quân Mạc, chống cự cát cứ chia rẽ đất nước, chống giặc ngoại xâm, lập công trạng được vua Lê phong tước Hầu, vào khoảng năm 1650, nhân dân xã Phù Kinh đã lập đền thờ với tên gọi "Song Trung miếu bia". Hằng năm, ngoài hai ngày giỗ của hai vị tướng công, tại đền Song Trung còn diễn ra lễ tế mùa xuân và lễ tế mùa thu, gọi là "Xuân Thu nhị kỳ" diễn ra vào rằm tháng hai và rằm tháng bảy với phần lễ và phần hội.

Sách Đại Nam nhất thống chí, ở phần Đền miếu đã ghi "Đền Song Trung ở xã Phù Kinh, huyện Minh Chính thờ Thần công triều Lê là Hoàng Vĩnh Tộ và con là Hoàng Vĩnh Dụ. Trước đền có bia đá dài hơn 2 trượng, rộng 1 thước 5 tấc, trên mặt khắc chữ Song Trung miếu bi nay vẫn còn".

Ở phần Danh nhân có viết "Hoàng Vĩnh Tộ, người huyện Bố Chính, hồi đầu Lê Trung Hưng có công đánh dẹp, chết được tặng tước Hầu. Con là Vĩnh Dụ nối nghiệp bố, đánh bắt được đồ đảng nhà Mạc ở Giao Thủy, vì quân công cũng được phong tước Hầu". Việc hai cha con đều được vinh phong Thượng tướng quân là điều hiếm có ở thời nhà Lê nói riêng và triều địa phong kiến Việt Nam nói chung.




Nằm bên lèn Rồng, dưới tán cây đa cổ thụ, đền Song Trung ở vị trí sơn thủy hữu tình.

Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng (năm 1995) thì tấm văn bia ở đền Song Trung là loại bia có niên đại khá sớm ở Quảng Bình. Đây là văn bia (có bài ký) ghi lại rõ ràng lịch sử mảnh đất, thân thế của hai vị công thần họ Hoàng, là một tác phẩm văn học sử vô giá. Bản dịch của văn bia đền Song Trung có đoạn viết: "Bố Chính là đất cũ của nước Lâm Ấp.

Từ khi nước Việt thu về, triều Lý lập sổ ghi biên làm hộ tịch dân cư vùng địa phận. Trên từ quan Tể tướng, dưới đến các ngư dân ở Hoan – Diễn (Nghệ An) cho đến Quảng – Hóa (Quảng Bình – Thừa Thiên Huế) một dải đất tốt tươi. Núi sông xinh đẹp, cây cối thơm hương báu vật của trời, sản sinh ra đất lành, người tài giỏi, khôi ngô, tuấn tú.

Thường nghe nói rằng, người giỏi võ có mưu cao khi ra ngựa là thu về được đất như cọp sợ sấm sét vậy. Phàm những chốn núi sông hùng vĩ nơi có thể tương ứng được từ sừng đến đuôi hỗ trợ nhau. Rừng rậm, đường đèo uyển chuyển có thể hội tụ cho đủ lông đủ cánh. Đúng là được trời che, đất chở, quỷ giám sát, thần sắp đặt, cho phát tích như tiếng vang của cò vạc gọi kêu đàn. Nhân đó mới có tên làng Phù Kinh chính là quê hương của ông Phúc Khê hầu".

Với những giá trị to lớn của đền Song Trung, ngày 16-9-2016, UBND tỉnh quyết định công nhận đền Song Trung là di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với đền Song Trung có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước; đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử của di tích. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào của người dân xã Phù Hóa.


T.B

Nguồn: Báo Quảng Bình
Bạn đang đọc bài viết "Nơi thờ hai vị công thần ở bên bờ sông Gianh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.