Nỗi lo hầu đồng “lệch pha” sau vinh danh

08/12/2016 10:42

Theo dõi trên

Lần đầu tiên một di sản Việt được thế giới vinh danh - tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - lại để lại nhiều mối lo đến vậy.

Bởi tín ngưỡng thờ Mẫu được tới 90% người dân Việt biết đến qua khái niệm hầu đồng đang nở rộ trên cả đời sống tâm linh lẫn sân khấu, với nhiều biểu hiện đi lệch với di sản.

Thách thức khai thác

Không chờ tới khi tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, hầu đồng mới được quan tâm. Loại hình diễn xướng này từ lâu đã thoát khỏi không gian tâm linh ở các đền phủ, được những người làm nghệ thuật đưa vào các tác phẩm nghệ thuật. NSND Lan Hương là người đầu tiên đưa hầu đồng lên sân khấu, với việc tái hiện 13 giá đồng trong “Tâm linh Việt”. Sau đó, các nhà hát ca kịch truyền thống thi nhau dàn dựng tiết mục Ba giá đồng để đưa vào kịch mục phục vụ khán giả, kể cả nhắm đến du khách nước ngoài. Trước “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú ở rạp Công nhân, Nhà hát Chèo Việt Nam đưa hầu đồng thành điểm nhấn giới thiệu văn hóa truyền thống đến du khách.



 
Trình diễn các giá hát văn hầu đồng trong Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Ảnh:  Anh Tuấn

Một số tiết mục và vở diễn gần như đi theo hướng “bê” hầu đồng hoặc tái hiện hầu đồng trên sân khấu. Cách này không được các chuyên gia ủng hộ vì PGS.TS. Đặng Văn Bài cho rằng, đó là sự lệch pha. Khai thác hầu đồng để đưa vào các tác phẩm nghệ thuật được xem là một trong những phương thức vừa sáng tạo, vừa góp phần phát huy di sản. Nhà hát Chèo Việt Nam từng dựng vở chèo “Bắc Lệ đền thiêng” chuyển thể từ tiểu thuyết “Mẫu thượng ngàn”. Không đơn giản là đưa tín ngưỡng thờ Mẫu, hầu đồng lên sân khấu, vở diễn còn tái hiện lịch sử và sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng được dân gian gìn giữ bao đời nay.

NSND, đạo diễn Anh Tú cũng là người thử nghiệm với hầu đồng khi dựng “Ngũ biến” khoảng 40 phút. “Ngũ biến không phải là tái hiện hay mô phỏng hầu đồng” - đạo diễn Anh Tú chia sẻ. Thực tế “Ngũ biến” lấy cảm hứng từ hình thức diễn xướng hầu đồng, diễn viên chính phải khắc họa được năm sắc thái khác nhau của các nhân vật trong các giá đồng.

Khai thác hầu đồng thật hấp dẫn cũng là thách thức của nhiều đạo diễn sân khấu. Chẳng hạn nếu xem “Tâm linh Việt” khán giả có thể thấy mệt vì sự lan man. “Không cẩn thận rất dễ nhàm chán và lặp lại vì các giá chầu có một số trình thức giống nhau” – đạo diễn Anh Tú bày tỏ. Không phải anh chưa nghĩ đến việc làm một vở dài hơi thật hấp dẫn, đòi hỏi diễn viên có sức khỏe và năng lực diễn xuất tốt, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Trước mắt, “Ngũ biến” được giới thiệu đến với khán giả trong chương trình giới thiệu nghệ thuật dân tộc, trong đó mở màn là chầu văn, ca trù trước khi đến sự bùng nổ của hầu đồng.

Tránh thương mại hóa

GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Hầu đồng khác các di sản khác, không cần phải phổ biến, bản thân nó đã có sức nóng rất lớn trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người Việt. Sức nóng cũng như giá trị của di sản thờ Mẫu cũng được giới khoa học bàn lên bàn xuống trong hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm kể cả trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ngày 2/12, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được UNESCO vinh danh ghi ở các giá trị tính kế thừa, giá trị nhân sinh, ý nghĩa lịch sử thông qua việc tôn vinh các vị thánh hiện thân của các anh hùng dân tộc, cùng với giá trị văn hóa nghệ thuật đa dạng, như diễn xướng tâm linh với nhạc, ca hát, vũ đạo, trang trí.

GS Ngô Đức Thịnh hy vọng sau khi UNECO vinh danh, cơ quan chức năng sẽ có hướng quản lý hợp lý để hầu đồng không bị thương mại hóa, có những người lợi dụng di sản để trục lợi cá nhân. Thời gian qua khi hầu đồng phát triển mạnh, các chuyên gia, trong đó có GS Ngô Đức Thịnh từng cảnh báo nguy cơ thương mại, xói mòn giá trị tốt đẹp của hầu đồng. Một trong những nguyên nhân là người dân, thậm chí các thanh đồng khá mù mờ về đạo Mẫu, nhiều người còn lợi dụng đạo Mẫu, hầu đồng để làm giàu. “Việc vinh danh di sản này cũng có thể xem là biện pháp để uốn nắn, đưa vào quy chuẩn” – GS Ngô Đức Thịnh bày tỏ.

Sở VH&TT Hà Nội - đơn vị chọn cách tổ chức liên hoan để đưa hầu đồng vào quỹ đạo quản lý cũng đồng tình. “Vẫn còn khá nhiều ý kiến và cách nhìn nhận khác nhau về tín ngưỡng này và Liên hoan là dịp để cơ quan quản lý văn hóa kiểm kê lại “tài sản” của mình có bao nhiêu, giá trị thế nào, yếu tố nào nguyên gốc, yếu tố nào mới phát sinh để từ đó tìm ra cách quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị phù hợp nhất” - ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết. Chính vì vậy, thay vì lảng tránh đưa hầu đồng vào các chương trình trình diễn chính thức, gần đây, Hà Nội liên tục đưa các giá đồng lên sân khấu biểu diễn, mời các thanh đồng tham gia tọa đàm để những người thực hành di sản hiểu hơn về di sản. Đó là những động thái trước và sau khi di sản được vinh danh để tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt không bị lệch pha.

(Theo kinhtedothi.vn)

linh Anh
Bạn đang đọc bài viết "Nỗi lo hầu đồng “lệch pha” sau vinh danh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.