Nỗi khổ nghề biên kịch phim ở Việt Nam

15/03/2018 14:58

Theo dõi trên

Trong thế giới điện ảnh, tác giả kịch bản được xem là đạo diễn thứ nhất của bộ phim. Nhưng ở làng phim Việt thì tác giả kịch bản "chẳng là cái đinh gì" trong chuỗi sáng tạo một tác phẩm điện ảnh. Thậm chí, trong tư duy của một số người mặc định sẵn suy nghĩ "phim hay nhờ đạo diễn, phim dở do tác giả kịch bản".

Câu chuyện của nhóm tác giả kịch bản phim sitcom "Thiên thần 1001" là một ví dụ.
 


Poster phim Thiên thần 1001 không có tên biên kịch

Quyền được tôn trọng

Thanh Bình Nguyên và Minh Vy là một trong số những nhà biên kịch có thương hiệu ở khu vực TP Hồ Chí Minh đang chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hãng sản xuất bộ phim sitcom "Thiên thần 1001" vì chuyện tác quyền. Nói cách khác, Thanh Bình Nguyên đang đòi quyền tôn trọng tác giả kịch bản. 

Anh cho biết: "Bà Trần Thị Thanh Thủy và đạo diễn Trần Toàn đại diện Công ty TNHH Quảng cáo Quốc tế Hổ Cáp (Hổ Cáp) đã thỏa thuận với chúng tôi thực hiện biên tập, biên kịch dự án phim sitcom "Thiên Thần 1001" gồm 5 phần, chia thành 1000 tập cho kênh truyền hình SCTV1. Bà Thủy - Giám đốc Hổ Cáp nói rằng truyền hình SCTV1 chỉ đầu tư sản xuất 25 triệu đồng cho 1 tập nhưng bên Hổ Cáp phải tự booking quảng cáo". 
 


Nhà biên kịch Thanh Bình Nguyên

Thanh Bình Nguyên giải thích thêm: "Nếu chiếu theo mặt bằng chung thì tiền thù lao cho biên kịch phải được trả từ 5% đến 7% so với tổng chi phí đầu tư bộ phim. Nếu sòng phẳng thì Công ty Hổ Cáp phải chi trả cho nhóm biên kịch của tôi hơn 1.250.000 đồng. Do quen biết với Trần Toàn nên tôi nhận hỗ trợ làm giúp phần 1, gồm 200 tập với thù lao biên tập là 400.000đồng/1 tập và biên kịch là 400.000đồng/tập".

Sau khi ký thỏa thuận, Thanh Bình Nguyên và Minh Vy cùng bút nhóm của mình thực hiện sáng tác. Cũng theo lời trình bày của Thanh Bình Nguyên, trong quá trình hợp tác, bên Hồ Cáp thường viện dẫn nhiều lý do để chậm thanh toán tiền thù lao cho nhóm biên kịch. Không những vậy, bà Thủy - Giám đốc Hổ Cáp - thường nói xấu nhóm biên kịch. 

Thoại Liên - Một thành viên của nhóm biên kịch Thanh Bình Nguyên tham gia viết "Thiên thần 1001" - cho biết: "Một tập 20 trang nhưng họ (Hổ Cáp) chỉ trả 800.000 đồng cho biên tập, biên kịch là quá thấp. Tuy vậy, họ rất kỳ quặc. Khi nhận kịch bản, họ bắt sửa đi sửa lại rất nhiều lần mà lần nào cũng yêu cầu sửa từ trang đầu. Hiện giờ họ vẫn chưa trả thù lao 10 tập".

Khi thực hiện đến tập 130, Thanh Bình Nguyên và Minh Vy đến tận phim trường gặp bà Thủy và ông Toàn để giải quyết bất đồng thì bị người của bà Thủy toan hành hung. Vì lý do đó, Thanh Bình Nguyên và nhóm không tiếp tục biên kịch cho bộ phim "Thiên thần 1001" nữa.

Bất ngờ, ngày 25.1.2018, Thanh Bình Nguyên và nhóm biên kịch phát hiện hai kênh TodayTV, SCTV1 đồng loạt khởi chiếu, phát sóng tập 1 bộ phim "Thiên Thần 1001". Điều đáng nói là, cả hai kênh truyền hình đều không ghi tên biên kịch trong phần giới thiệu thành phần sản xuất.
 


Nhà biên kịch Minh Vy

Thanh Bình Nguyên bức xúc cho biết: "Đó là điều không thể chấp nhận được. Việc giới thiệu tên biên tập, biên kịch vào tác phẩm phim là một phần của phạm trù đạo đức nghề nghiệp. Khi chúng tôi hỏi thì ông Trần Toàn (đạo diễn) cho rằng đài truyền hình đã tự phát sóng bản phim nháp. Về vấn đề thù lao, Hổ Cáp đã bán "Thiên thần 1001" cho kênh truyền hình TodayTV thì phải trả thêm tiền kịch bản cho chúng tôi theo đúng tỉ lệ. Ngoài ra, Hổ Cáp cần phải thanh toán 18.000.000 đồng khoản nợ tiền kịch bản mà kênh truyền hình SCTV1 đã phát. Không thì tôi quyết đòi tới cùng. Thật ra, cái chúng tôi cần quyền được tôn trọng".

Trầm luân nghề biên kịch phim


Chuyện của nhóm biên kịch Thanh Bình Nguyên chỉ là một ví dụ về chuyện "quyền được tôn trọng của biên kịch trong thế giới phim". 

Không thể phủ nhận rằng, hiện nay làng điện ảnh bị khủng hoảng biên kịch. Có nghĩa là, tính về số lượng thì tác giả kịch bản nhiều, đếm không xuể. Nhưng tính về chất lượng thì chỉ có vài cái tên. Nhiều nhà sản xuất phim, trong một năm nhận được hàng trăm kịch bản nhưng chỉ chọn được vài tác phẩm bấm máy. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc, điện ảnh Việt Nam yếu là do thiếu kịch bản hay. Tỷ lệ tác phẩm kịch bản phim bị vứt vào sọt rác nhiều không đồng nghĩa với việc "những tác phẩm được chọn quay trở thành đại diện cho cái dở của biên kịch điện ảnh Việt".

Bởi vì những kịch bản dở đã bị loại ngay từ đầu, không có cơ hội xuất hiện trong làng điện ảnh để làm lu mờ tài năng của đạo diễn. Bởi vì những người đẻ ra kịch bản dở không có cơ hội hóa thân thành tác giả kịch bản. Bởi vì, đạo diễn tài năng phải biết từ chối kịch bản dở hoặc biết cách biến hóa những kịch bản dở thành kịch bản tuyệt phẩm.

Thực tế cho thấy, trong quy trình sản xuất một bộ phim, việc sàng lọc lựa chọn kịch bản là khâu đầu tiên. Trước khi khâu này diễn ra, tác giả kịch bản ốm nghén đứa con tinh thần rất lâu. Để được chọn sản xuất, kịch bản phải lọt vào tầm mắt của nhân viên thẩm định thuộc một nhà sản xuất nào đó. Sau khi cân, đong, đo, đếm, cân nhắc lợi nhuận, nhà sản xuất ném cho đạo diễn thẩm định tiếp. Đạo diễn đọc xong, tiếp cận tác giả để chê chỗ này, yêu cầu sửa chỗ kia mấy bận rồi mới gật đầu đề nghị nhà sản xuất ký hợp đồng mua kịch bản.

Cũng có trường hợp đạo diễn tự tìm kịch bản, tự bàn với tác giả chỉnh sửa kịch bản cho hợp ý mình rồi mới giới thiệu đến nhà sản xuất đề nghị ký hợp đồng mua kịch bản.

Và ngay sau khi vượt được cửa ải gai góc này, biên kịch vẫn chưa có được cơ hội ký hợp đồng với nhà sản xuất. Nhà sản xuất ôm kịch bản đi chào bán với "nhà tiêu thụ" - thường là các đài truyền hình hoặc nhà phát hành hệ thống rạp. Nhà tiêu thụ tiếp tục thẩm định mức độ lãi từ bộ phim để quyết định ký hợp đồng phát sóng (đối với nhà đài) hoặc công chiếu (đối với phim chiếu rạp).

Trước khi bấm máy, đạo diễn còn ra tay bào gọt kịch bản cho vừa lòng mình. Nhiều trường hợp, đạo diễn bào gọt đến mức, chính tác giả cũng không nhận ra đứa con tình thần của mình.

Với qui trình chọn lựa, sàng lọc kịch bản như vậy, không thể đổ thừa phim dở là do biên kịch. Nhiều kịch bản hay, đậm tính nhân văn, khi qua tay bào gọt của đạo diễn trở thành một tác phẩm lỏng khỏng sẹo lồi, sẹo lõm.
 


Khiếu nại của biên kịch Thanh Bình Nguyên và Minh Vy

Tác giả một kịch bản phim hình sự đình đám năm 2015 kể rằng, để tăng tính hấp dẫn cho bộ phim, ông đã dựng tuyến truyện về một ông trùm đứng đàng sau tất cả những vụ án giết người, mua bán người, mua bán ma túy. Trong kịch bản, ông che giấu chân dung ông trùm cho đến gần cuối phim mới cho lộ mặt. Thế nhưng khi quay, ngay từ những tập đầu tiên, đạo diễn đã cho ông trùm xuất hiện. Vì vậy, khán giả đã đoán được hồi kết của bộ phim, tính hấp dẫn không còn nữa. Khi bị dư luận chê bai, đạo diễn trả lời phỏng vấn báo chí, vẫn cứ đổ thừa do biên kịch. 

Trường hợp khác, một biên kịch có thâm niên hơn 30 năm viết báo về đề tài phòng chống tội phạm, đã từng viết những bộ phim truyền hình gay góc, thu hút lượng rating cao ngất ngưỡng. Cuối năm 2016, ông được một nhà sản xuất ký hợp đồng mua kịch bản phim truyền hình 30 tập. Ông đã đổ tâm huyết của mình để viết. Trong kịch bản, ông đề cao hình tượng người chiến sỹ Công an Nhân dân trong việc triệt phá một ổ nhóm tội phạm liên quốc gia. Khi quay đến tập thứ 5 của bộ phim, ông mới phát hiện đạo diễn đã biến kịch bản hình sự của mình thành phim xã hội đen, trong đó vai trò của tội phạm được đề cao còn hình ảnh người chiến sỹ Công an Nhân dân bị lu mờ. 

Ông kiên quyết yêu cầu đạo diễn phải trả lại cốt cách bộ phim như ông đã viết. Thế là nhà sản xuất và đạo diễn khoác vai nhau để đưa ra quyết định hủy hợp đồng mua kịch bản và dừng sản xuất bộ phim. Kết luận câu chuyện, nhà biên kịch này khẳng định: "Thực trạng trong cái chợ phim Việt cho thấy, biên kịch muốn tồn tại phải chịu phụ thuộc đạo diễn. Đạo diễn muốn có phim làm thì phải biết đu theo nhà sản xuất. Trong khi đó, nhà sản xuất chỉ cần lợi nhuận. Ở cái chợ phim Việt, đồng tiền là đạo đức tối thượng, trên cả đạo đức nghề nghiệp".
 
 
Tin nhắn giải thích của đạo diễn Thiên thần 1001 về chuyện không giới thiệu tên biên kịch

Vì đâu đến nỗi!

Không chỉ bị mờ nhạt trong vai trò sản xuất, bị đạo diễn tước đoạt tư tưởng, biên kịch còn bị chèn ép đủ đường về thù lao.

Ai cũng biết, điểm cuối của một qui trình sản xuất phim truyện truyền hình là phát sóng. Nói cách khác, nhà đài là nơi tiêu thụ duy nhất phim truyện truyền hình và cũng là nơi chi trả khoản đầu tư sản xuất phim truyện truyền hình. Thù lao cho biên kịch từ 5% đến 10% trong tổng giá trị sản xuất bộ phim. Do nhà đài khoán trắng cho nhà sản xuất nên hầu như trong làng phim Việt mức thù lao cho biên kịch trở thành "thuận mua vừa bán". Một biên kịch có thể nhận được thù lao 12.000.000 đồng nhưng cũng có thể chỉ nhận được 4.000.000 triệu đồng cho một tập phim truyện 45 phút. Đó là nói về sự thỏa thuận sòng phẳng.

Có những nhà sản xuất, khi bắt đầu thỏa thuận thù lao cho biên kịch thì chấp nhận chi 12.000.000 đồng/ 1 tập 45 phút. Thế nhưng, sau khi nhận kịch bản, một số nhà sản xuất chơi trò "hành" biên kịch để làm cớ giảm tiền thù lao, thậm chí quỵt luôn. Trò "hành" đơn giản nhất là bắt sửa đi sửa lại nội dung kịch bản từ trang đầu tiên. Trong qui trình viết kịch bản, sửa trang đầu tiên gần như là viết lại từ đầu kịch bản. Chỉnh sửa 1 chi tiết ở trang đầu sẽ ảnh thay đổi tuyến truyện suốt cả kịch bản. Một kịch bản 30 tập tương đương 1.200 trang, viết ngày lẫn đêm cũng phải mất 3 tháng trời. 

Nếu biên kịch từ chối sửa, tiền thù lao sẽ vĩnh viễn không đến tay và thậm chí tên cũng bị "đá văng" khỏi kịch bản, giống như trường hợp của nhóm biên kịch Thanh Bình Nguyên.

Giữa năm 2017, Ng Th Ph - Một nữ biên kịch trẻ, có tên tuổi trong giới sân khấu, điện ảnh TP Hồ Chí Minh - cũng khóc dở mếu dở với kịch bản sitcom của mình. Tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn và đã từng có nhiều kịch bản hot trên sân khấu kịch, màn ảnh nhỏ, Ng Th Ph có thừa kinh nghiệm đẻ xử lý tình tiết hợp lý trong cốt truyện. Thế nhưng, nhà sản xuất vẫn cứ bắt cô sửa đi sửa lại nhiều lần những chi tiết không đáng. Ng Th Ph thừa biết nhà sản xuất muốn gì. Do lỡ hứa gởi một khoản tiền tài trợ cho đứa con gái đang du học ở nước ngoài nên Ng Th Ph quyết "đu theo" nhà sản xuất để lấy tiền. Sau nhiều lần sửa, nhà sản xuất hết lý do "gây khó", đành thanh toán nhuận bút. 

Không ít biên kịch vượt qua được cửa ải "sửa kịch bản" lại tiếp tục gặp cửa ải "chai lỳ" đi đòi nhuận bút. Thất bại trong việc hành biên kịch sửa kịch bản, một số nhà sản xuất giở chiêu "hẹn" để xù tiền thù lao, nhuận bút. Biên kịch Ng H K bị nhà sản xuất nợ phân nửa tiền thù lao viết kịch bản suốt 3 năm. Mỗi ngày, anh giành 1 phút để gọi điện thoại đến nhà sản xuất "nhắc nhở". Và ngày nào anh cũng nhận được lời hẹn "ngày mai trả".

Đành rằng, trong thế giới phim vẫn còn những nhà sản xuất có tâm. Thế nhưng, hầu hết, cái tâm của nhà sản xuất vẫn đặt dưới giá trị lợi nhuận. Khi cái tâm của nhà sản xuất phim Việt Nam còn nằm dưới giá trị lợi nhuận thì làng điện ảnh Việt đừng hòng sánh vai với làng điện ảnh nước bạn.

Nhiều nhà phê bình cứ đem "cái chợ phim Việt" so với điện ảnh Hàn Quốc. Họ không biết rằng, điện ảnh ở Hàn Quốc có khẩu ngữ "writer is the king" (tác giả là vua). Trong qui trình sản xuất phim ở Hàn Quốc, đầu tư cho kịch bản chiếm 50% giá trị (bao gồm biên kịch và đạo diễn), 30 % dành cho diễn viên và 20% dành cho các khâu khác.

Ở Việt Nam, một bộ phim được lên sóng truyền hình phải mất 30% phí "bôi trơn". Trong đó có 20% phí "phim dở". Khoản phí "phim dở" được hiểu là: "Phim dở lắm! Nhưng thôi, cho chiếu!". Nhà sản xuất phải "bóp" tiền kịch bản, tiền đạo diễn để làm phí bôi trơn. Đạo diễn là linh hồn của nhà sản xuất. Thế là biên kịch lãnh đủ.
 
Nguyễn HK

Bạn đang đọc bài viết "Nỗi khổ nghề biên kịch phim ở Việt Nam" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.