Những ngôi nhà cổ miền Tây... kêu cứu

10/10/2016 16:12

Theo dõi trên

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng hơn 1.000 căn nhà cổ, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tiền Giang với 350 căn, Vĩnh Long 87 căn, Đồng Tháp 79 căn, Cần Thơ 72 căn... Rất nhiều ngôi nhà có quy mô lớn tới cả ngàn mét vuông, nằm giữa vườn cây trái bao la với niên đại hàng trăm năm tuổi.

Tiềm năng lớn nhưng hiện nay những ngôi nhà cổ này chưa phát huy được giá trị, thậm chí còn đang khắc khoải kêu cứu khi từng ngày bị xuống cấp nghiêm trọng...

Trăm năm kiến trúc, hồn người...

Nhắc đến nhà cổ miền Tây thì không thể không nói đến ngôi nhà cổ của ông Hội đồng Phan Văn Cự, ở ấp Phú Hưng, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Có diện tích trên 1.000m2, nền lát gạch da quy, mái lợp ngói móc, bên trong có 140 cây cột gỗ lớn, ngôi nhà cổ này được đánh giá là có kiến trúc chạm khắc vô cùng độc đáo. Ngôi nhà được cất làm nhiều lần, trong đó phần chính được xây dựng vào khoảng năm 1880. Cha của ông Hội đồng đã ra miền Trung mua gỗ và thuê 40 thợ từ miền Bắc, miền Trung vào làm ròng rã suốt 4 năm mới xong. Sau đó một thời gian, ông Hội đồng cất thêm phần thảo bạt (nhà để khách chờ vào lễ). Theo tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đây là thảo bạt lớn nhất Việt Nam, ngôi nhà duy nhất toàn bộ xiêng, trính đều được chạm trổ 3 mặt. Hiện nơi đây còn giữ được 2 bộ tranh thờ và 8 bức thủ uyển sơn son thếp vàng, 20 đôi liễn, 10 khuôn biển và nhiều bao lam chạm 3 mặt. Điều đặc biệt là mỗi món đồ được chạm từ một thân cây to và rất kỳ công. Ví dụ như để làm một bức thủ uyển, người ta phải tốn hơn 3 tháng công thợ và dát lên đó 2 lượng vàng ròng.



Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một trong số ít ngôi nhà được khai thác phục vụ du lịch thành công.
 
Tại ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, tỉnh Tiền Giang có một ngôi nhà cổ cũng độc đáo không kém là nhà của ông Trần Tuấn Kiệt. Bà Lê Thị Chính, vợ ông Trần Tuấn Kiệt cho biết, ngôi nhà được xây dựng vào khoảng năm 1838 và được mệnh danh là "cửu đại mỹ gia" của Việt Nam. Căn nhà rộng gần 1.000m2 gồm 3 gian, 2 chái làm bằng các loại gỗ quý như lim, bằng lăng, cẩm lai... dựng theo hình chữ đinh với 108 cột gỗ lớn. Mái nhà được lợp theo kiến trúc âm dương, một hàng úp, một hàng ngửa. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, cột, xiên và vách rất công phu, đặc trưng theo phong cách nhà rường xưa của Nam Bộ. Tường bao quanh mặt ngoài ngôi nhà được dựng theo kiến trúc thượng song hạ bản, gồm những thanh gỗ vuông dựng so le lấy ánh sáng, gió từ ngoài vào và giúp người trong nhà dễ quan sát bên ngoài. Hiện căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều đồ vật quý như tủ đựng rượu, đèn cổ..., trong đó điển hình là bộ bao lam được chạm lộng mai, lan, cúc, trúc cách điệu hài hòa với các họa tiết mềm mại, và được thếp vàng. Ngôi nhà được Tổ chức JICA (Nhật Bản) đầu tư trùng tu năm 2002 sau khi bị xuống cấp nghiêm trọng và giao lại cho chủ nhân hiện tại vào năm 2004.

Khác với hai ngôi nhà cổ trên, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp lại độc đáo và giá trị bởi nó gắn với tiểu thuyết nổi tiếng L'Amant (Người tình) của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1895 theo kiểu nhà truyền thống Nam Bộ với vật liệu chính là gỗ. Đến năm 1917, ông Huỳnh Cẩm Thuận (cha ông Huỳnh Thủy Lê) cho trùng tu lại ngôi nhà theo kiểu Pháp. Chính vì vậy, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Đông và Tây, trong đó mặt tiền, trần nhà đến khung cửa sổ... đều đậm kiến trúc phương Tây, còn bên trong lại đậm chất phương Đông với các cánh cửa, cột nhà, bàn thờ... sơn son thếp vàng.

Như vậy, những công trình nhà cổ quý giá không chỉ ở các giá trị kiến trúc mà còn ở sự lưu dấu tâm hồn con người...

Nỗi lo xuống cấp

Chị Võ Thị Ngọc Phụng, nhân viên Công ty cổ phần Du lịch Đồng Tháp, đơn vị khai thác nhà cổ Huỳnh Thủy Lê cho biết, mỗi năm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đón hơn 30.000 lượt khách trong và ngoài nước, trong đó nhiều nhất là khách Pháp, Đức, Mỹ... "Ngôi nhà cổ, nơi Huỳnh Thủy Lê ở là không gian văn hóa từng ghi dấu một thiên tình sử đẹp. Nhờ có kiến trúc đặc biệt cùng với sự lan tỏa của cuốn tiểu thuyết "Người tình" đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng và bộ phim cùng tên nên công trình này ngày càng thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan. Đặc biệt từ tháng 6-2016, chúng tôi đã xin được giấy phép phát trọn bộ phim "Người tình", do đó, thời gian gần đây, rất nhiều bạn trẻ Việt Nam, đặc biệt là các bạn ở TP Hồ Chí Minh đã đến tham quan và ở lại đây một đêm để xem phim và trải nghiệm không gian của câu chuyện "Người tình", chị Võ Thị Ngọc Phụng cho biết.

Tuy nhiên, những ngôi nhà được khai thác phục vụ du lịch thành công như nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là không nhiều. Anh Huỳnh Ngọc Linh, hướng dẫn viên tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện chỉ có ba ngôi nhà cổ ở miền Tây phát huy tốt giá trị là nhà Huỳnh Thủy Lê, nhà Bình Thủy (TP Cần Thơ) và nhà công tử Bạc Liêu (Sóc Trăng). Nhà cổ Bình Thủy thu hút đông đảo du khách vì nơi đây được nhiều đạo diễn, hãng phim trong và ngoài nước chọn làm bối cảnh cho phim như "Người tình", "Những nẻo đường phù sa", "Chân trời nơi ấy", "Con nhà nghèo"... Còn nhà công tử Bạc Liêu thì mới được trùng tu tái hiện không gian sống của gia đình công tử Bạc Liêu chừng 100 năm trước dựa trên 42 hiện vật và nhóm hiện vật quý hiếm với kinh phí lên tới 400 tỷ đồng nên cũng hấp dẫn khách du lịch.

Ngoài ba ngôi nhà cổ trên đang được khai thác phục vụ du lịch, rất nhiều nhà cổ ở miền Tây đang xuống cấp nghiêm trọng. Ngôi nhà cổ Huỳnh Kỳ ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh từng được công nhận là di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2011, nhưng khi chúng tôi đến nơi thì di tích đã biến thành... phế tích. Cổng ngôi nhà mang biển "Hội Luật gia Việt Nam huyện Cầu Kè" song chỉ được cài dây xích sơ sài, không có người trông coi. Người dân sống gần đó cho biết, nhà cổ chỉ mở cửa theo yêu cầu của ngành hữu quan, còn ngày thường, du khách chỉ có thể đứng bên ngoài ngó vào mà thôi. Dễ nhận thấy, các khung cửa chính, cửa sổ của công trình đều bị gỉ sét, hành lang đầy rong rêu, bụi bặm.

Ngoài nhà cổ Huỳnh Kỳ, còn rất nhiều ngôi nhà cổ khác ở miền Tây đang phải đối mặt với sự tàn phá của thời gian và con người. Nhà thì trở thành bệnh viện, nhà trở thành quán cà phê... như nhà cổ Đại Điền (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), nhà cổ của anh em họ La (gần nhà cổ Bình Thủy, TP Cần Thơ)...

Ông Nguyễn Xuân Hoanh, Phó Giám đốc Bảo tàng Vĩnh Long chia sẻ, nhà cổ miền Tây là vốn quý, đặc trưng độc đáo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng những ngôi nhà này đã không được giữ gìn, bảo vệ. Nhiều nhà cổ bị xuống cấp theo thời gian hoặc bị biến dạng, sửa chữa với lối kiến trúc hiện đại theo mục đích của một số doanh nghiệp dịch vụ du lịch, hoặc của chủ nhà. Điều đáng buồn hơn là ở một số nơi còn xảy ra tình trạng mua bán sườn nhà cổ...

Thực tế là đa phần các ngôi nhà cổ ở miền Tây hiện nay đều do người dân sở hữu. Từ bài học bảo tồn khu phổ cố Hội An (Quảng Nam), muốn bảo vệ nhà cổ, chính quyền các địa phương phải đầu tư, mời chuyên gia tư vấn vào cuộc để trùng tu, sửa chữa... Đặc biệt, để "hồi sinh" nhà cổ trong đời sống đương đại, còn rất cần huy động các nguồn lực nhằm bảo tồn gắn với phát triển du lịch, khai thác  tiềm năng những công trình kiến trúc, văn hóa quý giá này.

(Theo Hà Nội Mới)

Lâm Vũ
Bạn đang đọc bài viết "Những ngôi nhà cổ miền Tây... kêu cứu" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.