Những cây cầu độc đáo trong suối Tiên

10/08/2015 20:51

Theo dõi trên

Suối Tiên (TP.HCM) là vùng đất Tứ linh - 4 mùa lễ hội, quanh năm tấp nập du khách. Là 1/7 công viên chuyên đề độc đáo của thế giới (BBC bình chọn, 2010); là 1/12 công viên chuyên đề được yêu thích nhất (mạng thetravelerszone.com, bình chọn 2008); là 1/8 công viên thú vị nhất thế giới (báo điện tử Hello Giggles, bình chọn 2014)… Suối Tiên hiện sở hữu 12 kỷ lục Việt Nam và nhiều điều kỳ thú đang chờ bạn khám phá.Xin giới thiệu bộ sưu tập về cầu của Suối Tiên.


1/ Cầu Long Mạch

Dưới chân cầu Long Mạch là mạch nước ngầm tuôn ra từ đầu rồng khổng lồ, được xem là cầu đầu nguồn của KDL Suối Tiên.Trong phong thủy, long mạch là nơi khí lành tích tụ, tại điểm đó, trường năng lượng tốt sẽ cao hơn nơi khác rất nhiều.Là địa mạch mạnh mẽ, mềm mại, thoắt ẩn thoắt hiện mang sức mạnh trường tồn.
 
Suối Tiên là dòng suối thiên nhiên bắt nguồn từ suối Lồ Ô thuộc tỉnh Bình Dương. Dòng suối chảy qua quận Thủ Đức, ngang qua quận 9, xuyên ngầm quốc lộ 1A, bắt đầu từ dưới chân cầu Long Mạch chảy vào Khu Du lịch Suối Tiên, và cuối cùng đổ ra sông Đồng Nai.
 
Du khách đến cầu Long Mạch, để tận hưởng từ trường thuỷ long mạch, được may mắn và hạnh phúc quanh năm.
 
2/ Cầu Kiều
 
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
 
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy” (ca dao Việt Nam)
 
Tôn sư trọng đạo là đạo lý truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam, khắc sâu vào tâm thức của mọi người và trở thành nếp sống văn hóa của dân tộc.
 
Du khách đến Cầu Kiều, tinh thần sẽ được thư thái, minh mẫn, sáng suốt.
 
3/ Cầu Bạch Tượng
 
Cầu Bạch Tượng gắn liền với hình ảnh hai con voi trắng phía dưới chân cầu. Theo phong thủy, voi có thể mang lại may mắn và thành công. Đặc biệt, voi trắng là loài cực kỳ quý hiếm, linh thiêng, biểu tượng cho sự may mắn, uy quyền. Voi trắng được ngưỡng mộ vì có trí thông minh, sức mạnh và nhân phẩm tuyệt vời. Chúng vừa có phẩm chất con người vừa có phẩm chất thần linh, nên với người phương Đông voi là biểu tượng chung của sự may mắn, được thờ cúng và tôn vinh.
 
Du khách đến cầu Bạch Tượng, sẽ được may mắn, có trí thông minh và có sức mạnh hơn người.
 
4/ Cầu Tứ Linh

Tứ Linh – 4 con vật linh thiêng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam: Long – Lân – Qui – Phụng.
 
Ý nghĩa :
 
Long (Rồng): tượng trưng cho uy quyền
 
Lân (Sư tử): tượng trưng cho sức mạnh
 
Qui (Rùa): tượng trưng cho sự trường tồn
 
Phụng (Chim phượng hoàng): tượng trưng cho sự cao quý
 
Du khách đến cầu Tứ Linh, sẽ được nhiều sự may mắn và thuận lợi trong cuộc sống.
 
5/ Cầu Bát Mã
 
Trong quan niệm dân gian, ngựa là con vật trung thành gần gũi với con người, là biểu tượng của sự kiên nhẫn, mạnh mẽ, bền bỉ, lâu dài; đem lại nguồn tài lộc dồi dào, sự phát đạt trong kinh doanh, sự nhanh nhạy và tăng tiến trong công việc, khiến nhiều dự định sẽ được hoàn thành nhanh hơn dự kiến và đạt kết quả cao hơn mong muốn.
 
Bát mã (8 con ngựa), trong tiếng Hán “bát” đọc là “phát”, đồng âm với “phát” trong từ “phát đạt”. Cầu Bát Mã chính là cây cầu đem lại sự, phát triển tài lộc sự sung túc.
 
Du khách đi qua cây cầu Bát Mã, sẽ được mã đáo thành công
 
6/ Cầu Ô Thước
 
Cây cầu gợi nhớ câu chuyện tình rất đẹp nhưng ngang trái của đôi trai gái “ Ngưu Lang – Chức Nữ”. Cứ vào khoảng tháng 7 âm lịch hằng năm, các quạ đen lại rủ nhau về đây nối đuôi nhau để tạo thành cây cầu cho Ngưu Lang – Chức Nữ gặp nhau.
 
Các cặp tình nhân gặp nhau trên cây cầu này sẽ được tình duyên tốt đẹp và bền chặt mãi mãi.
 
7/ Cầu Đủ Điều
 
Cầu Đủ Điều trước kia được xây dựng kèm mô hình quả đu đủ và quả điều. Một ý nghĩa khác là chữ cây “cầu” đọc cùng âm với chữ “cầu” trong từ “cầu nguyện, cầu mong”. Đến với cầu Đủ Điều du khách có thể cầu mong mọi điều tốt đẹp cho mình và gia đình.
 
Khi bước chân qua cầu Đủ Điều, du khách sẽ đạt được mọi điều ước muốn trong cuộc sống.
 
8/ Cầu Phúc Lộc
 
Cầu Phúc Lộc là cây cầu tượng trưng cho phúc đức tài lộc, với hình ảnh những con dơi và nai bên cạnh những đồng tiền vàng. Con “dơi” đọc theo tiếng Hán là “phức”, đồng âm với chữ “phúc”, còn con nai đọc là “lộc”.
 
Khi bước chân qua cầu Phúc Lộc, du khách sẽ được phúc lộc đủ đầy, mọi việc vui vẻ.

9/ Cầu Bát Tiên Quá Hải
 
Tám vị tiên vượt biển, gồm có:
 
1. Trương Ly Quyên cưỡi trên con rồng với quạt tiên hình quả vả, quạt cho người chết sống lại
 
2. Lã Đồng Tân cưỡi con long mã (ngựa rồng) cầm thanh gươm mang quyền lực siêu phàm
 
3. Lý Thiết Quài cưỡi trên tôm thần, lưng đeo bầu rượu ảo thuật, được gọi là ông tiên tửu
 
4. Tào Quốc Cần cưỡi phượng bay vượt biển, tay cầm sênh phách nổi nhạc thần
 
5. Lãm Thái Hòa cưỡi trên lý ngư (cá chép) tay khoác lẵng hoa
 
6. Trương Hoa Lão cưỡi trên cá kình, tay cầm ống tre, tay quất roi thần
 
7. Hoàng Trương Tu cưỡi trên lưng rùa đang thổi sáo thần
 
8. Hà Tiên Cô cưỡi trên cua đại tướng, tay cầm bông hoa sen
 
Cầu Bát Tiên Quá Hải với hình ảnh tám vị tiên cùng vượt biển Đông. Tám vị tiên là hình ảnh tượng trưng cho niềm vui, sức khỏe, sự thông thái, sang trọng cao quý, sự sinh sôi phát triển…
 
Khi bước chân qua cầu Bát Tiên, du khách sẽ được sức khoẻ dồi dào, mọi sự hanh thông và tốt đẹp.

10/ Cầu Ngà
 
Với những cặp ngà voi không lồ, khi đi ngang qua cây cầu này, du khách sẽ được che chở bởi sức mạnh của uy lực từ 06 cặp ngà voi. Cầu Ngà mang ý nghĩa của sự may mắn, và quyền lực. Voi vừa có phẩm chất con người, vừa có phẩm chất của thần linh, nên với người phương Đông voi là biểu tượng chung của sự may mắn, được thờ cúng và tôn vinh. Ngà voi được coi là linh vật có uy quyền bởi ngà voi vốn là cặp răng nanh của voi đực. Voi là con vật được xem là lớn nhất trong số các loài vật. Có lẽ xuất phát từ điểm này mà từ xa xưa, con người đã quan niệm là ngà voi thể hiện cho uy quyền.
 
Du khách bước chân đến Cầu Ngà, sẽ được thêm quyền lực và sự uy nghi.
 
11/ Cầu Long Ngư
 
Chiếc cầu trông thanh thoát với sóng biển xanh dâng trào và những chú cá tranh nhau vượt vũ môn là những con sóng lớn. Cầu Long Ngư được xây dựng dựa theo một điển tích “Hằng năm Ngọc Hoàng cho tổ chức những cuộc thi dành cho loài cá, nếu vượt qua 3 cửa ải thì con cá đó sẽ hóa thành Rồng. Cá chép đã vượt qua 2 cửa ải, đến cửa ải thứ 3 không vượt qua được nên đầu thì hóa Rồng còn thân vẫn là cá”. Tích chuyện mang ý nghĩa giáo dục: Nếu có quyết tâm và ý chí cao thì nhất định sẽ thành công.
 
Khi bước chân qua cầu Long Ngư , du khách sẽ được công thành, danh toại.
 
Khách Hành Hương (Báo Du Lịch)

Bạn đang đọc bài viết "Những cây cầu độc đáo trong suối Tiên" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.