Nhớ về một thời cơ lịch sử Trần Dụ Tông

18/11/2018 20:47

Theo dõi trên

Nếu Trần Dụ Tông khi ấy sát cánh cùng Trần Hữu Lượng đánh bại Chu Nguyên Chương. Trần Hữu Lượng sẽ là người Đại Việt đầu tiên làm Hoàng đế Trung Quốc. Và như thế, mọi thư tịch Đại Việt bị quân Nguyên cướp sang Trung Nguyên sẽ trở về Đại Việt. Và như thế, nhà Trần sẽ không suy thoái, sẽ không bị quân Minh xâm lược. Lịch sử Đại Việt sẽ đi theo hướng khác, biết đâu rất sáng sủa từ đó.



Vua Trần Thái Tông là người có ảnh hưởng lớn tới Thiền phái Trúc Lâm

Thời Trần, vua Trần Thái Tông đã sinh hạ 6 hoàng tử: Trần Quốc Khang, Trần Hoảng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, Trần Ích Tắc và Trần Nhật Duật. Khi Trần Hoảng nối nghiệp cha lên ngôi là Trần Thánh Tông đã phong vương cho các em. Trần Ích Tắc được phong là Chiêu Quốc Vương. Theo Đại Việt sử ký Tiền biên (do Ngô Thì Sĩ và con là Ngô Thì Nhậm biên soạn cơ bản dựa vào Đại Việt sử ký Toàn thư của Ngô Sĩ Liên, nhưng giá trị chủ yếu là ở những bình luận sắc sảo và những đính chính hoặc đánh giá lại), Trần Ích Tắc “là người thông minh, hiếu học, thông kinh sử, lục nghệ, giỏi văn chương và những kỹ năng nhỏ không gì là không tinh xảo. Từng dựng nhà học ngay cạnh nhà để tập hợp văn sĩ bốn phương đến giảng tập, cung cấp cho họ cả cơm áo. Học trò như Mạc Đĩnh Chi ở Bắc Hà, Bùi Phong ở Hồng Châu tất cả 20 người đều được dùng ở đời” (Trang 351.ĐVSKTB. Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội 1997). Như vậy, Trần Ích Tắc không phải người tầm thường. Cũng theo ĐVSKTB (trang 367): “Khi Ích Tắc chưa sinh, vua Thái Tông nằm mộng thấy một vị thần có 3 mắt từ trên trời xuống nói rằng: Thần bị Thượng đế trách phạt, xin ký thác vào vua, sau này lại về phương Bắc. Khi Ích Tắc sinh, giữa trán có vết giống như con mắt, hình dáng cũng giống như người trong mộng”.

Năm 1285, Hốt Tất Liệt sau khi đưa đại quân vượt sông Trường Giang, xóa sổ triều đại Nam Tống, đã sai hoàng tử Thoát Hoan mang quân sang chinh phạt Đại Việt nhà Trần lần thứ ba. Lúc này cháu Trần Ích Tắc là Trần Khâm đã lên ngôi vua là Trần Nhân Tông. Ở tình thế mà Trần Nhân Tông buộc lòng phải gả em gái là An Tư công chúa cho Thoát Hoan để níu chân giặc tấn công, lại có thêm một sự kiện là chú Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc đầu hàng giặc cùng nhiều quần thần khác như Trần Kiện, Lê Trắc, Trần Lộng, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long … mang theo gia quyến. Ngay lập tức, Trần Ích Tắc được phong là “An Nam Quốc Vương”. Nếu khi ấy, Trần Nhân Tông thua trận thì Trần Ích Tắc sẽ trở thành Quốc vương Đại Việt. Nếu thắng thì vẫn dòng dõi nhà Trần làm vua, nếu thua thì dòng dõi nhà Trần cũng vẫn làm vua chứ không phải những hàng tướng khác. Bây giờ lùi xa lịch sử nhìn lại, liệu không biết có nên đưa ra một giả thuyết khác ngoài chính sử và chỉ đảm bảo “năm ăn, năm thua” rằng có thể là Trần Ích Tắc đích thị đầu hàng nhà Nguyên, nhưng cũng có thể là “kế gián” mà vị vua anh minh Trần Nhân Tông trao sứ mạng cho chú ruột mình? Với “kế gián” này, nếu thua nhà Nguyên, Trần Nhân Tông vẫn nhìn thấy triều đình do chú ruột mình cầm giữ. Nếu được thì bờ cõi Đại Việt vẫn “vững âu vàng”, còn chú ruột mình thì nằm vùng ở Trung Nguyên đợi thời cơ tìm diệt nhà Nguyên – tuy mạnh nhưng thiếu gốc văn hóa. Thực tế là Đại Việt vẫn tồn tại, còn Trần Ích Tắc thì ở lại Hán Dương. Và một thực tế mới đã dần dà diễn ra có vẻ theo như “kế gián” này. Khi sang hàng nhà Nguyên, Trần Ích Tắc mang theo cậu con trai đầu sinh năm 1275 tên là Trần Hữu Thành nhưng tên tục là Trần Ích Xã. Mới bốn tuổi, Trần Hữu Thành đã viết chữ giống cha. Xã Tắc là thần đất và thần lúa, cũng có nghĩa là triều đình và giang sơn.

Năm 1309, khi ở Đại Việt, vua Trần Anh Tông đã chấp chính, thì cậu con trai thứ hai của Trần Ích Tắc chào đời mang tên Trần Hữu Lượng. Năm 1320, Trần Ích Tắc qua đời, Trần Hữu Lượng mới 11 tuổi. Anh cả thay cha dạy em đèn sách. Bởi vậy, việc đúng sai của cha, chàng không thể tỏ tường. Nhưng nguồn gốc Đông A từ Đại Việt thì chàng biết. Chàng tự hào về ông tổ Trần Tự Minh chạy từ địa giới đất Mân thuộc Bách Việt (nay thuộc Phúc Kiến – Trung Quốc) sang giúp Thục An Dương Vương chống lại Triệu Đà – Nam Việt xa xưa, tự hào rằng sau 1452 năm, nhà Trần đã là Vua Đại Việt. Sau khi nhà Nguyên 3 lần thua Đại Việt, các dân tộc Trung Nguyên bị nhà Nguyên đô hộ noi gương Đại Việt, liên tục đứng lên đánh đuổi giặc xâm lăng hòng “Phản Nguyên, phục Tống”. Trần Hữu Lượng đã âm thầm dùi mài kinh sử, học theo cuốn “Đông A Võ Phái” của Trần Tự An (hậu duệ Trần Tự Minh). Thời Thuận Đế, nhờ sự giới thiệu của Từ Thọ Huy, Trần Hữu Lượng được vào phục vụ dưới trướng của Nghê Văn Tuấn. Nghê Văn Tuấn mưu sát Thọ Huy nhưng việc bất thành. Chàng giết Nghê Văn Tuấn và lãnh chức binh công Khắc Giang Tây, Phúc Kiến. 2 năm sau, chàng nghênh Thọ Huy thiên đô về Giang Châu (nay thuộc Cửu Giang, Giang Tây). Khi ấy, phong trào “Hồng Cân” phạt Nguyên do Quách Tử Hưng làm chủ soái rất có thanh thế. Quách Tử Hưng có con rể là Chu Nguyên Chương – Chu Nguyên Chương thời niên thiếu có tên Trùng Bát, cũng có tên là Hưng Ninh, sau cải ra Nguyên Chương, tự là Quốc Thụy. Sinh ở Chung Ly, Hào Châu, tỉnh Hà Nam (nay ở Đông Bắc Phượng Dương, tỉnh An Huy). Là con một nông dân. Năm 1344, bệnh dịch hạch giết hại bố mẹ và 2 anh em Chu Nguyên Chương. Không còn nơi nào nương tựa, năm 17 tuổi, Chu Nguyên Chương phải xin vào chùa Hoàng Giác ít năm, nhập đoàn khất sĩ. Sau gia nhập đoàn quân của Quách Tử Hưng khởi nghĩa ở Hào Châu, được họ Quách mến gả cho con gái. Khi Quách Tử Hưng chết vào mùa xuân 1355, Chu Nguyên Chương được trao quyền. Có ấn soái trong tay, Chu Nguyên Chương bộc lộ ngay tham vọng đế vương.
 
Lúc này, Trần Hữu Lượng đã sát hại Từ Thọ Huy và xưng đế năm 1360 niên hiệu Đại Nghĩa, lấy quốc hiệu Hán, kinh đô là Giang Châu. Ngay từ khi dấy binh, năm 1354, chàng đã sai sứ sang Đại Việt, xin hòa thân với triều Trần Dụ Tông. Nhưng Trần Dụ Tông đã từ chối. Có lẽ “kế gián” từ thời Trần Nhân Tông đã không được truyền lại thời con cháu. Trong ĐVSKTB, Ngô Thì Sĩ đã than rằng: “Giả sử gặp Lý Thái Tông thì cho hòa thân, giúp cho quân lương để xem việc làm”. Đó chính là mầm mống thất bại sau này của Trần Hữu Lượng mặc dù khi ấy, Trần Hữu Lượng rất mạnh. Truyện chưởng Kim Dung rất ca ngợi Trần Hữu Lượng như một vị anh hùng cái thế. Không những không giúp quân lương cho, quan trấn phủ biên giới phía Bắc là Hoàng Thạc còn lợi dụng lúc Trần Hữu Lượng và Chu Nguyên Chương đánh nhau ở Bằng Tường, thu quân đến 300 người về Đại Việt. Năm 1361, khi Chu Nguyên Chương đánh Giang Châu, Trần Hữu Lượng lui về Vũ Xương. Chàng lại thêm lần cho người sang Đại Việt xin hợp quân, Trần Dụ Tông vẫn không cho. Ý đồ thúc thủ và quên dòng dõi, lại nhớ chuyện xưa đã khiến Trần Dụ Tông bỏ lỡ một thời cơ lịch sử. Nếu lúc ấy, Trần Dụ Tông hợp quân với Trần Hữu Lượng đánh Chu Nguyên Chương đại bại, thì lịch sử sẽ có một triều đại Trung Quốc do người Việt Nam làm vua.
 
Tuy bị Đại Việt khước từ hợp quân, Trần Hữu Lượng vẫn cùng binh tướng chiến đấu rất dũng mãnh khiến Chu Nguyên Chương phải chống đỡ, vừa cầm cự, tập trung tiêu diệt các thế lực dưới tầm, thu phục các thế lực tồn tại trong thoi thóp. Chu Nguyên Chương có một mưu sĩ lỗi lạc là Lưu Bá Ôn. Để rắp tâm tiêu diệt Trần Hữu Lượng, Chu Nguyên Chương đã cho tăng cường luyện tập thủy quân thiện chiến vì biết Trần Hữu Lượng đánh thủy rất giỏi. Năm 1364, sau khi đã chuẩn bị xong vào mùa đông, Chu Nguyên Chương đã khai chiến mạnh mẽ. Nhưng cuộc giao tranh vẫn bất phân thắng bại. Tháng sáu 1366, thủy quân của Trần Hữu Lượng nhử thủy quân của Chu Nguyên Chương vào hồ Động Đình. Một trận hỏa công biến cả hồ thành biển lửa. Chu Nguyên Chương may mắn thoát chết. Lưu Bá Ôn hiểm độc bày kế Chu Nguyên Chương trá hàng. Một Chu Nguyên Chương giả bị trói trên thuyền đầy thuốc nổ áp sát vào thuyền Trần Hữu Lượng xin hàng. Khi Trần Hữu Lượng phát hiện bị lừa thì đã quá muộn. Cả chiến thuyền trá hàng đã kích nổ, khiến Trần Hữu Lượng tan xác, mang theo mộng xưng đế ở Trung Quốc, cho xứng đáng hòa khí Đông A của Đại Việt. Trần Hữu Lượng tử trận năm 1366, hưởng thọ 57 tuổi. Chu Nguyên Chương tiến đánh Vũ Xương. Con trai Trần Hữu Lượng là Trần Lý và anh Trần Hữu Thanh đều tuẫn tiết. Chu Nguyên Chương xưng vương 1368. Nhà Minh ra đời. Điều cuối cùng mà Trần Dụ Tông phải làm là cử Lễ bộ thị lang Đào Văn Địch sang thần phục nhà Minh trước khi băng hà năm 1369. Nhà Trần suy thoái từ đó.
 
Nếu Trần Dụ Tông khi ấy sát cánh cùng Trần Hữu Lượng đánh bại Chu Nguyên Chương. Trần Hữu Lượng sẽ là người Đại Việt đầu tiên làm Hoàng đế Trung Quốc. Và như thế, mọi thư tịch Đại Việt bị quân Nguyên cướp sang Trung Nguyên sẽ trở về Đại Việt. Và như thế, nhà Trần sẽ không suy thoái, sẽ không bị quân Minh xâm lược. Lịch sử Đại Việt sẽ đi theo hướng khác, biết đâu rất sáng sủa từ đó. Mối thù với Trần Hữu Lượng, khiến nhà Minh đã đốt sạch, phá sạch Đại Việt khi xâm lược làm cho Việt sử ta đã vốn rất mỏng, lại càng thêm đắm chìm vào tan nát. Ở Trung Quốc những người mang họ Trần bị bắt ở dưới thuyền, không cho lên bờ. Thời cơ lịch sử bị bỏ lỡ. Lịch sử Đại Việt lại phải thêm những trang chống ngoại xâm, rồi nội chiến như đã xảy ra. Tiếc thay.
 
Nguyễn Thuỵ Kha

Bạn đang đọc bài viết "Nhớ về một thời cơ lịch sử Trần Dụ Tông" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.