Nhớ về Bà Triệu và lễ hội đền Bà Triệu

21/03/2017 16:31

Theo dõi trên

Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày 21 đến 23 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng và du khách thập phương lại nô nức về dự lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc) để tri ân, tưởng nhớ người anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.



 Nhân dân và du khách thập phương về dự Lễ hội đền Bà Triệu. Ảnh: Ngọc Anh

Sử sách còn ghi, Bà Triệu (hay còn gọi là Triệu Thị Trinh, Triệu Trinh Nương) sinh năm 226, người miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc huyện Yên Định, Thanh Hóa), là em gái của huyện lệnh Triệu Quốc Đạt. Triệu Thị Trinh sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước bị thế lực phương Bắc đô hộ, vì vậy đến tuổi trưởng thành bà đã có hoài bão đánh đuổi giặc ngoại xâm, nổi tiếng với câu nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Bà đã cùng với anh trai Triệu Quốc Đạt tập hợp trai tráng trong vùng dấy binh tụ nghĩa. Sau khi đã chuẩn bị được căn cứ, hậu cần, gấp rút luyện rèn quân sĩ, Triệu Quốc Đạt đã đứng lên phát động cuộc khởi nghĩa, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, Triệu Quốc Đạt mắc bệnh qua đời. Bà Triệu được toàn thể tướng sĩ tin tưởng và nhất trí bầu làm chủ tướng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa.

Từ căn cứ ban đầu ở núi Nưa (nay thuộc huyện Triệu Sơn) với vài nghìn trai tráng, nghĩa quân đã lớn mạnh không ngừng, Bà Triệu quyết định tấn công vào thành Tư Phố - một trung tâm chính trị lớn của Cửu Chân đương thời và đã giành được thắng lợi. Trên đà chiến thắng, nghĩa quân lại tiếp tục tiến về đồng bằng liên kết với các phong trào nổi dậy của ba anh em họ Lý ở Bồ Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc). Bà đã chọn núi Tùng Sơn – Bồ Điền làm căn cứ địa của phong trào khởi nghĩa. Trước sức tấn công như vũ bão của quân khởi nghĩa, các thành ấp của giặc Ngô ở Cửu Chân lần lượt bị đánh hạ. Bọn thái thú, huyện lệnh bị giết và trốn chạy. Từ Cửu Chân, cuộc khởi nghĩa phát triển, lan rộng ra các vùng Giao Chỉ, kéo dài vào tận Nhật Nam, khiến cho tình hình Giao Châu rối loạn. Phong trào khởi nghĩa ngày càng phát triển mạnh mẽ, tạo nên nguy cơ tan rã toàn bộ hệ thống chính quyền đô hộ ở Giao Châu. Trước tình hình đó, vua Ngô đã phái tướng Lục Dận đem toàn bộ binh lực, sử dụng thế mạnh của thủy quân, ngược sông Mã vây hãm căn cứ Bồ Điền. Sau hơn 30 trận đánh lớn, nhỏ, do bị cô lập, không được hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác, nên nghĩa quân của Bà Triệu yếu thế dần. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng, vào ngày 22 tháng 8 âm lịch, năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã mở ra một trang sử oanh liệt cho các cuộc nổi dậy và kháng chiến sau đó, có ảnh hưởng lan rộng trong cả Giao Châu, thúc đẩy tinh thần phản kháng của cả dân tộc. Để lại một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ II – III, đánh dấu bước trưởng thành của phong trào đấu tranh vũ trang giành độc lập của nhân dân ta; đồng thời chứng minh vai trò, khả năng to lớn của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, sáng ngời lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hình ảnh Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi ra trận đã đi vào tâm khảm mỗi người dân, là tấm gương ngời sáng về khí phách của người phụ nữ Việt Nam:


Tùng Sơn nắng quyện mây trời

Dấu chân Bà Triệu sáng ngời sử xanh.

Để tưởng nhớ công lao của Bà Triệu, nhân dân địa phương đã lập đền thờ bà trên núi Gai để quanh năm hương khói thờ phụng. Đây là ngôi đền được xây theo lối kiến trúc truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Trung bộ, với hệ thống cổng ngoại, cổng nội, bình phong, hồ nước, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường, hậu cung. Nơi đây còn giữ nhiều cổ vật quý như: Thần phả, sắc phong, quạt ngà, trâm ngà... Ngoài đền Bà Triệu (núi Gai), trong hệ thống khu di tích còn có lăng mộ Bà Triệu (núi Tùng), mộ ba ông tướng họ Lý, miếu Bàn Thề, đình Phú Điền và nghè Đệ Tứ. Khu di tích Bà Triệu là những công trình kiến trúc mang ý nghĩa thờ tự, được trùng tu, tôn tạo, tu sửa hàng năm để đáp ứng nhu cầu thăm viếng của nhân dân và du khách. Trong đó, các di tích còn bảo tồn được giá trị nguyên gốc như đình Phú Điền, những di tích khác được phục hồi, tôn tạo lại như đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba ông tướng họ Lý đều có những giá trị đặc sắc về kiến trúc nghệ thuật. Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa - lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu với tính chất là khu tưởng niệm và tái hiện những hình ảnh, những hoạt động gợi nhớ về Bà Triệu, đồng thời là công viên văn hóa của đô thị Bà Triệu. Năm 2012, UBND tỉnh phê duyệt đề cương quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng khu di tích Bà Triệu đến năm 2020, với mục tiêu quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật độc đáo, năm 2015, khu di tích Bà Triệu được đón Bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.

Nhằm tri ân, tôn vinh anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh trong lịch sử dựng nước và giữ nước, năm nay, lễ kỷ niệm 1769 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh được tổ chức quy mô cấp huyện, trang trọng, thành kính và tôn nghiêm. Lễ kỷ niệm được khai mạc sáng ngày 19-3-2017 (tức ngày 22-2 năm Đinh Dậu), tại sân phía đông trước đền Bà Triệu. Phần lễ gồm dâng hương, tế lễ (không tổ chức rước kiệu). Phần hội có các hoạt động: văn hóa, văn nghệ, thi đấu các môn thể thao truyền thống...

Đồng chí Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, Trưởng ban tổ chức lễ kỷ niệm, cho biết: Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho buổi lễ, huyện đã có kế hoạch chỉ đạo công tác chỉnh trang khuôn viên và các hạng mục trong khu di tích; yêu cầu các lực lượng chức năng ở địa phương có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ ở các địa điểm di tích; phân luồng các phương tiện tham gia giao thông... phục vụ nhân dân và du khách đến tham quan và dâng hương. Bên cạnh việc tiếp tục sưu tầm hoàn thiện nhiều tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Bà Triệu, nâng cao vị trí, tính chất của di tích trong mối liên hệ về cảnh quan lịch sử - văn hóa với cả nước, liên kết phát triển các tuyến tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, cũng rất cần được đầu tư hơn nữa để xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu di tích Bà Triệu xứng tầm là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đặc biệt của quốc gia.


Ngọc Anh

Nguồn: Báo Thanh Hóa
Bạn đang đọc bài viết "Nhớ về Bà Triệu và lễ hội đền Bà Triệu" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.