Gần rằm tháng Chạp là mẹ tôi lại bắt đầu điệp khúc “ngoặc” lá chuối. Những cây chuối của dải đất miền Trung vừa hồi sinh sau bão lũ gồng lên, chảy tràn nhựa sống trên từng tàu lá tươi xanh. Mẹ thầm thì mà như tạ lỗi với cây: “Xin mày tàu lá, mai mốt mày lại lên lá mới”. Tết quê, giàu nghèo chẳng biết, có nồi bánh chưng, bánh tét cúng ông bà tổ tiên là đỡ cô quạnh lắm rồi. Một tuần mẹ rọc lá, giữ chút hanh heo để qua ngày cúng ông Táo là mang ra chợ bán. Chợ quê, cả vườn lá chuối, vừa bán vừa cho, mẹ cũng góp đủ vài chục cân gạo nếp để gói bánh và mua hầm bà lằng các thứ về làm mâm cỗ cúng ông bà.
Tôi thuộc thế hệ 6X, vừa lớn lên đã biết thế nào là mô hình hợp tác xã nông nghiệp và mậu dịch quốc doanh. Tết đến, các cửa hàng quốc doanh thi nhau bán đồ phân phối Tết. Cửa hàng nào cũng nườm nượm khách, xếp hàng có, chen lấn xô đẩy có. Chen chân cả ngày, có khi chỉ mua được vài ba cặp tranh Đông hồ, cặp câu đối Tết để về dán vách tường, hai bên bàn thờ tổ tiên. Nhà tôi có chị gái là cán bộ Ngân hàng, mỗi tháng được 3 lạng thịt, nửa lít nước mắm… Thương bố mẹ nghèo, chị cứ chăm chăm để dành sắm Tết. Tuổi thơ chúng tôi chìm trong lam lũ và nghèo khó nhưng luôn ăm ắp tình thân.
Tết cũng là khoảng thời gian đẹp nhất và vui nhất của lứa tuổi học trò. Trước Tết khoảng một tháng, làng trên xóm dưới đua nhau tát ao bắt cá. Những ao cá lớn của hợp tác xã lắm khi vừa tát thủ công, vừa dùng máy bơm cũng phải mất vài tuần. Tụi nhỏ chúng tôi khoái nhất những ngày nước trong ao cá hợp tác cạn trơ đáy… Sau lớp bùn bóng nhẫy, cơ man là cá, từ trắm, tràu đến chép, rô phi quẫy loạn cả lên… Trò trộm cá từ ao cá tập thể của lũ nhóc chúng tôi thì nhiều vô kể. Cứ nấp trong những bụi cây ven hồ cá, chuẩn bị tư thế sẵn sàng, hễ thấy cá trồi lên là a lê hấp lội xuống bùn tóm lấy rồi chạy lên bờ lánh ngay. Hôm sau mang ra chợ bán, thế nào cũng kiếm được mấy đồng chơi Tết.
Nhưng tự hào nhất vẫn là khi được mẹ cha sai sang nhà hàng xóm mượn nồi nấu bánh chưng. Anh cả đi trước vác nồi, thằng út chạy cà tưng phía sau, bi bô bi bao nói anh làm gì thì làm, nhớ để dư nếp gói cho em chiếc bánh út. Thường cả xóm hơn chục nhà nhưng có mỗi nồi nấu bánh, cỡ vừa đủ nấu 20 - 25 cân gạo nếp. Nhà nào ít thì hai nhà nấu chung một nồi một lần, bánh nhà ai tự đánh dấu lấy, sau khi chín vớt mang về nhà mình, vừa cúng vừa ăn cũng phải qua rằm tháng Giêng mới hết. Việc phân chia nồi nấu bánh cũng tùy, may mắn hoặc có quan hệ ruột thịt hơn với gia chủ có nồi cho mượn sẽ được mượn nồi để nấu ngày gần áp Tết, còn không, khoảng 24 - 25 tháng Chạp đã phải lấy nồi để nấu. Bọn trẻ thường thích nhà mình nấu bánh sớm để còn tòm tem cái bánh út, nhưng người già lại thích nấu ngày cận Tết, bởi lúc ấy con cháu nơi xa vừa kịp về, cùng vui vẻ tụ quần bên nồi bánh…
Nhớ nữa là khi cha sai dọn bàn thờ tổ tiên trước Tết. Tẩn mẩn kỳ cọ từng chiếc lư đồng, từng bức tranh ông bà để lại mà lòng chộn rộn bao niềm vui về cái Tết sum vầy đoàn tụ. In đậm trong tâm trí lũ trẻ chúng tôi vẫn là tiếng kẻng báo xóm làng chia thịt… Cả xóm khoảng 5 nhà chung nhau một con lợn, chia đều nhà dăm bảy ký… Tầm 27 - 29 tháng Chạp hàng năm thì tiếng pháo đã đì đùng ngoài ngõ và làng trên xóm dưới đã bắt đầu inh tai nhức óc vì tiếng lợn kêu eng éc để vĩnh biệt… chuồng.
Đêm giao thừa là đêm thiêng liêng nhất. Trong khi mẹ và các chị lụi cụi vào bếp chuẩn bị làm cỗ cúng giao thừa, thì cha và mấy anh em trai chúng tôi chuẩn bị các dây pháo để đốt. Ai cũng lo, vì theo tục lệ, nếu pháo nổ không to, hoặc đang nổ mà tắt là quanh năm xui xẻo, nên việc này tôi và anh trai chuẩn bị rất chu đáo. Nào là vị trí treo dây pháo, nào là cách châm ngòi, nào là thời điểm châm cho phù hợp… Sau thời khắc đón giao thừa, cả nhà quần tụ bên nhau, cha móc túi mấy đồng tiền mới mừng tuổi các thành viên trong nhà, cùng ăn cùng dặn dò các con về cách ăn ở trên đời. Liền sau đó là cha mẹ nhắc chúng tôi khai bút, nhắc nhở chúng tôi chuyện học hành cũng như cách đối nhân xử thế… Và bao giờ cũng vậy, cha mẹ luôn nhắc chúng tôi sáng sớm mồng một tuyệt đối không được sang nhà hàng xóm, vì sợ sự phiền toái từ việc “xông đất” mà mình mang lại cho hàng xóm láng giềng láng giềng…
Sáng mồng một Tết, sau khi theo cha đi nhà thờ họ, lũ trẻ chúng tôi tụ tập chơi đáo ăn tiền. Thực ra trò chơi đáo này đã được chúng tôi chơi “cấn nợ” từ giữa năm. Trong năm ai thua bao nhiêu thì đầu năm lấy tiền mừng tuổi mà cấn nợ. Trò chơi đáo mấy ngày Tết cực kỳ rôm rả. Người tham gia trò chơi bao nhiêu cũng được, nhưng thường từ 10 đến 15 người. Phương tiện để chơi là những đồng xu mới, hoặc tung nó vào tường để nó bật ra, hoặc cho nó lăn trên một chiếc ghế đặt nằm nghiêng hướng ra sân. Đồng xu ai ở xa hơn người đó được lấy đồng xu và đứng tại vị trí của đồng xu để ném vào đồng xu của bạn. Ném trúng là được nhận tiền mặt tại chỗ theo mức đã được cả nhóm quy định trước khi chơi. Ba ngày Tết, bọn trẻ hết chơi đáo lại tham gia đu quay, đánh cờ người, leo cột mỡ… Khi đói, chạy qua nhà làm vội dăm khoanh bánh tét và vài miếng thịt mỡ rồi lại chạy ù ra sân chơi tiếp…
Với trẻ con chúng tôi, Tết ngoài việc có quần áo mới đi chơi, được người lớn mừng tuổi, thì Tết còn đồng nghĩa với những bữa ăn no, có nhiều thịt cá. Hồi đó chúng tôi đâu biết rằng, để có được một cái Tết tròn trịa, mẹ cha đã khổ sở đến nhường nào. Cả năm tiết kiệm, không dám ăn dám tiêu chỉ để lo cho các con đủ đầy ba ngày Tết.
Lớn lên đi học xa nhà, Tết lại trở về làng thăm mẹ cha và họ hàng. Tết cùng bạn bè đi hết làng trên xóm dưới chúc Tết mọi nhà. Lại ngây người đứng nhìn lũ trẻ chơi bi chơi đáo để tìm về những kỷ niệm đã qua. Nhiều cái Tết rất vui, nhưng cũng lắm cái Tết đượm buồn. Nếu ai đó bảo Tết là vui, e rằng chưa chính xác, bởi có những cái Tết cả làng tôi buồn xơ xác vì trước đó làng đã trải qua trận lụt kinh hoàng… Nhiều nhà cửa, trâu bò lợn gà trong làng trôi sạch, không ít gia đình hàng xóm đã mất luôn cả người thân, nên Tết đến cũng là khoảng lặng thương cảm nhất của những đời người quanh năm lầm lũi.
Bao nhiêu cái Tết đã qua, bao nhiêu nỗi nhớ ùa về trong tâm khảm. Nay cuộc sống đủ đầy hơn thì mẹ cha đã thành cổ tích dưới chân nhang. Tết về, lại quay quắt nhớ. Lại thắp nén tâm nhang tạ lỗi với ông bà tổ tiên về cái sự vô tình và bất hiếu của mình trong chặng đường khó nhọc mưu sinh…