Nhiều ý kiến thiết thực của các đoàn ĐBQH đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

19/09/2024 21:27

Theo dõi trên

Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Theo kế hoạch, ngày 27/9 sẽ diễn ra Phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

a184-1-1726756025.jpg
Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đề xuất bổ sung thêm loại hình Di tích kiến trúc - nghệ thuật

Thời điểm này, nhiều Đoàn ĐBQH các địa phương đã tổ chức cho ý kiến về Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Trong ngày 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 101 điều được quy định nhiều điểm mới nhằm giải quyết các phát sinh trong thực tiễn.

Tại Hội thảo, đa số các đại biểu đã thống nhất báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đồng thời, đề xuất cần bổ sung thêm loại hình Di tích kiến trúc - nghệ thuật; bổ sung thêm sưu tập cổ vật để xác định đây là sưu tập thuộc loại hình di sản văn hoá; và tạo điều kiện pháp lý vững chắc cho hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Góp ý về di sản văn hóa, đại biểu Ngô Anh Đào - đại diện Khoa Văn hóa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cần quy định bao gồm di sản văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể.

Góp ý về quản lý bảo tàng, các đại biểu cho rằng, cần xem xét, cân nhắc việc quy định một trong các điều kiện thành lập bảo tàng công lập như: có dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và trưng bày nội thất, ngoài trời phù hợp cho việc bảo vệ và phát huy giá trị sưu tập hiện vật và các hoạt động thường xuyên khác của bảo tàng được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Theo các đại biểu, do cơ quan có thẩm quyền không thể ban hành quyết định thành lập bảo tàng công lập, mà chỉ dựa trên cơ sở dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, kể cả trường hợp dự án đã được phê duyệt vì liên quan đến vấn đề quản lý cơ sở hoạt động sự nghiệp, quản lý tài sản công, cũng như không lường trước được các rủi ro trong quá trình thực hiện dự án.

Đối với bảo tàng công lập, Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Nguyễn Thành Nam đề nghị xem xét, bổ sung quy định về chính sách ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo tàng ngoài công lập do tổ chức, cá nhân người Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác. Nhà nước có chính sách ưu tiên hỗ trợ hoạt động bảo tàng ngoài công lập và để Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều này, nhằm Luật hóa chính sách ưu tiên cho bảo tàng ngoài công lập.

Không nên ghi danh di sản phi vật thể cấp tỉnh, tránh tạo sự so bì không cần thiết

Cũng trong ngày 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Theo đó, các đại biểu thống nhất với sự cần thiết và các nội dung sửa đổi của các dự thảo luật. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều, thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Di sản văn hóa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Một số đại biểu có ý kiến việc khai thác, phát huy di sản văn hóa chưa được quy định trong luật, do đó cần giao cho cấp tỉnh quy định để đầu tư, khai thác phù hợp; không nên ghi danh di sản phi vật thể cấp tỉnh, tránh tạo sự so bì không cần thiết; cân nhắc, bổ sung quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích.

Trước đó, vào sáng 16/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị lấy ý kiến một số dự án Luật, trong đó có Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tham gia góp ý dự thảo luật, các đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo, tuy nhiên cũng cho rằng, đối với phạm vi điều chỉnh, cần bổ sung thêm trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn di sản. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm điều khoản quy định về đầu tư, khai thác, phát huy giá trị của di tích.

Ngoài ra, ở các Điều 25, 26, 27,.. nêu rất đầy đủ về việc quản lý, bảo vệ khu vực I và II của di tích, tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều di tích có giáp ranh giữa 2 tỉnh nên đề nghị bổ sung nội dung quản lý đối với trường hợp di tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh trở lên.

Cuối tháng 8 vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cũng tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tại thành phố Uông Bí, thành phố Cẩm Phả, Thị xã Đông Triều.

Cuộc giám sát nhằm đánh giá khách quan, toàn diện tình hình và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật; tính kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, khả thi việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm căn cứ đề xuất, kiến nghị những giải pháp xây dựng chính sách pháp luật về quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; cũng như tập hợp các nội dung tham gia vào Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) từ những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến cơ chế, chính sách./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nhiều ý kiến thiết thực của các đoàn ĐBQH đóng góp vào dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.