Ngô Thì Nhậm con người và sự nghiệp
Ngô Thì nhậm (1746 - 1803) thân sinh là Ngô Thì Sỹ (1726 - 1780), thuở nhỏ tên là Phó, tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, về sau nghiên cứu thiền học nên có hiệu là Hải Lượng. Sinh trưởng trong một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng. Thuở nhỏ Ngô Thì Nhậm học với ông nội là Ngô Trân (1679 - 1761) và sau đó là học với cha là Ngô Thì Sỹ.
Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định)
Năm Ất Dậu 1765, Ngô Thì Nhậm đỗ đầu kỳ thi Hương, đến năm Kỷ Sửu 1769, đỗ khoa Sỹ vọng, được bổ làm Hiến sát phó sứ Hải Dương, từ đó ông bắt đầu làm quan dưới thời chúa Trịnh Sâm, sau đó ông xin về quê. Năm Nhâm Thìn 1772, Ngô thì Nhậm dự thi ở Quốc Tử Giám và trúng hạng ưu, đến năm Ất Mùi 1775, ông thi đỗ Tiến sỹ, được bổ chức Hộ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ. Năm 1776, ông được thăng làm Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, sau đó đổi làm đốc đồng trấn Kinh Bắc, trong thời gian này, Ngô Thì Nhậm có tham gia dẹp loạn Hoàng văn Đồng ở Thái Nguyên.
Năm Canh Tý 1780, cha ông là Ngô Thì Sỹ mất, cũng trong năm đó xảy ra vụ án Trịnh Khải, Trịnh Khải là con của chúa Trịnh Sâm, âm mưu dấy binh để giành lại ngôi Thế tử từ tay em trai là Trịnh Cán. Sự việc bị phát giác, Ngô Thì Nhậm bị nghi ngờ là đã tố cáo, nên ông tìm cách lánh mặt, lấy cớ nhà có đại tang, ông xin về quê chịu tang cha để tránh sự gièm pha của dư luận.
Năm 1782, chúa Trịnh Sâm chết, loạn Kiêu binh nổ ra, Ngô Thì Nhậm sợ bị trả thù, nên ông đã trốn về quê vợ ở Sơn Nam và ẩn náu ở đó cho đến khi quân nhà Tây Sơn do Nguyễn Huệ kéo ra Bắc lần thứ hai năm Mậu Thân 1788. Nguyễn Huệ biết đất Bắc có nhiều nhân tài, và muốn thu phục nhân tài, trọng dụng người có học, nên đã xuống lệnh tìm quan cũ của nhà Lê – Trịnh để bổ dụng.
Trần Văn Kỷ người Thuận Hóa (Huế), lúc bấy giờ đang làm Trung thư lệnh trong triều nhà Tây Sơn, biết Ngô Thì nhậm có tài, liền tiến cử với Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ liền cho mời Ngô Thì nhậm ra giúp mình, và Ngô Thì Nhậm đã đồng ý và được trọng dụng, ông được phong làm Tả thị lang bộ Lại, tước Trình Phái hầu, sau thăng lên Thượng thư, Thị lang Đại học sỹ, Ngô Thì Nhậm đã khuyên được nhiều cựu thần nhà Lê – Trịnh ra phò tá cho Nguyễn Huệ.
Trong thời gian phò tá cho Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhận đã phát huy tài năng của mình trên tất cả các lĩnh vực như chính tri, quân sự, ngoại giao. Đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự, sau khi nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân (Huế), Ngô Thì Nhậm được giao trọng trách bảo vệ Thăng Long. Ngay sau đó, quân nhà Thanh (Trung Quốc) được sự dẫn đường của bè lũ vua Lê Chiêu Thống, kéo vào xâm lược nước ta.
Trước thế mạnh của giặc, Ngô Thì Nhậm đã sáng suốt bỏ kinh thành Thăng Long, lui quân về trấn giữ ở Tam Điệp (Ninh Bình), và cho người cấp tốc mật báo với Nguyễn Huệ. Nhận được tin cấp báo, Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Quang Trung, đem quân ra Bắc lần thứ ba.
Và trong lần ra Bắc này, quân nhà Tây Sơn dưới sự lãnh đạo chỉ huy tài ba lỗi lạc của vua Quang Trung đã đánh bại 29 vạn quân nhà Thanh sang xâm lược nước vào năm kỷ Dậu 1789. Sau khi đánh thắng quân nhà Thanh, để giữ mối bang giao tốt đẹp với nhà Thanh, vua Quang Trung đã giao trọng trách này cho Ngô Thì Nhậm lo việc đối ngoại với nhà Thanh.
Năm Nhâm tý 1792, vua Quang Trung đột ngột từ trần ở tuổi 39. Năm sau, năm Quý Sửu 1793, Ngô Thì Nhậm được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong cho vua mới Cảnh Thịnh (Quang Toản). Sau khi đến kinh đô Bắc Kinh ra mắt vua Càn Long nhà Thanh thì đến cuối năm 1793, Ngô Thì Nhậm trở về nước hoàn thành chuyến đi sứ.
Chính hành trình chuyến đi sứ này là đề tài cho Ngô Thì Nhậm trước tác trên 100 bài thơ bằng chữ Hán, sau này được tập hợp lại thành một tập gọi là Hoa trình thị phú sao. Nhưng kể từ sau khi vua Quang Trung mất, tình hình chính trị xã hội rối ren, Quang Toản còn nhỏ không đủ sức lãnh đạo đất nước thoát khỏi khủng hoảng về chính trị, đưng trước tình hình trên, Ngô Thì Nhậm đã cáo quan và ông đã tìm lối thoát trong triết học, nghiên cứu thiền học.
Ngô Thì Nhậm đã mở thiền viện Trúc Lâm tại tư gia ở phường Bích Câu (ngày nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội), chủ trương nối lại dòng thiền Trúc Lâm có từ đời vua Trần Nhân Tông ở thế kỷ XIII, và từ đó, Ngô Thì Nhậm thường giao du với các nhà sư ở gần đấy, và họ đã tôn Ngô Thì Nhậm là Hải Lượng đại thiền sư.
Năm Nhâm Tuất 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên làm vua, hiệu là Gia Long, lập ra triều nhà Nguyễn. Vua Gia Long đã trả thù nhà Tây Sơn một cách dã man. Tuy nhiên đối với một số người không thuộc hàng công thần nhà Tây Sơn thì vua Gia Long cũng tha cho và có ý trọng dụng nhân tài của đất Bắc Hà, trong đó có Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích (1750 -1822), Phan Huy Ích là em rể của Ngô Thì Nhậm.
Vua Gia Long hỏi Ngô Thì Nhậm về ý định muốn lên cửa cửa ải Nam Quan tiếp sứ thần nhà Thanh và nhận lễ tuyên phong, thì Ngô Thì Nhậm đã nói rằng đó là việc “xưa nay chưa nghe nói bao giờ”, đã khiến vua Gia Long phật ý. Sau đó Ngô thì Nhậm và em rể là Phan huy Ích, cùng một số người đã từng làm quan cho nhà Tây Sơn, bị Đặng Trần Thường lúc đó đang làm Tổng trấn Bắc Thành gọi ra hạch tội vì các vị đã là cựu thần của nhà Lê – Trịnh lại còn hợp tác với nhà Tây Sơn.
Ngô Thì Nhậm cùng với Phan Huy Ích bị lôi ra đánh gậy ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, theo như sách Đại Nam Thực Lục thì Ngô Thì Nhậm bị đánh chết , sự kiện đó xảy ra vào năm Quý Hợi 1803, Ngô Thì Nhậm mất, hưởng thọ được 57 tuổi. Còn Phan Huy Ích thì chỉ bị phạt nhẹ và được tha, sau này Phan Huy Ích sống đến năm 1822 mới mất.
Những tác phẩm tiêu biểu của Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm trước tác rất nhiều, tất cả đều bằng chữ Hán, tiêu biểu là các tác phẩm sau đây: Bộ Hải Dương Chí Lược (gồm 4 quyển) chép về núi sông, phong tục, nhân vật của vùng đất Hải Dương, bộ này được ông ghi chép khi làm việc ở trấn Hải Dương trong thời gian từ năm 1772 – 1774.
Bộ Xuân Thu Quản Kiến gồm 12 quyển được viết trong thời gian Ngô Thì Nhậm ẩn náu tại Nam Sơn từ năm 1782 -1788, đây là bộ sách lơn “ước chừng vài mươi vạn chữ” do ông biên soạn về nội dung 5 truyện của Kinh Xuân Thu.
Bộ Tam Thiên Tự Giải Âm, đây là một quyển sách dạy vỡ lòng cho người học chữ Hán, ước chùng khoảng 3000 chữ thông thường.
Bộ Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, mang tính chất của một tác phẩm triết học tôn giáo. Ngoài ra Ngô Thì Nhậm còn để lại nhiều tác phẩm khác như bộ Bang giao hải ngoại...
Vương Quốc Hoa