Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp – điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và triển khai Chủ đề công tác năm 2022 của Ngành VHTTDL: "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ", đồng thời lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong toàn xã hội.
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp, giá trị cốt lõi của thương hiệu chính là kim chỉ nam quyết định sản phẩm mà doanh nghiệp cung cấp, đối tượng khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới, quyết định hướng đi của doanh nghiệp.
Tại lễ công bố Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam 10/11 và phát động cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" ngày 7/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt bền vững của doanh nghiệp. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà còn là tài sản của quốc gia".
Thế giới nói chung, đất nước nói riêng vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng, tác động nặng nề đối với nền kinh tế, xã hội của đất nước, với các doanh nghiệp. Sản xuất đình trệ, doanh thu sụt giảm, thậm chí không có doanh thu.
Trong bối cảnh khó khăn chồng chất ấy, nhiều doanh nghiệp đã gồng mình nỗ lực vượt khó, giữ vững thương hiệu, chủ động thích ứng bằng những phương thức sản xuất, kinh doanh linh hoạt, có thể kể đến các phương thức như làm việc theo ca, làm việc trực tuyến. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ, sản xuất. Tiếp tục giữ vững chữ tín, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ sản phẩm, giá cả phù hợp, quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách cho người lao động, nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội, đồng thời có những chương trình hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.
Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Hội thảo là dịp để các nhà lãnh đạo quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, hiệp hội đánh giá, phân tích vai trò, đóng góp của văn hóa doanh nghiệp với phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; giúp chúng ta nhận diện rõ hơn thực trạng cũng như hiệu quả của xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiện nay trong phát triển bền vững đất nước; đúc rút những bài học kinh nghiệm về mô hình, cơ chế quản lý, chính sách hỗ trợ xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững; từ đó, đề xuất những giải pháp hữu hiệu để xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp thực sự là điểm tựa phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện CTQG HCM cho rằng, nguyên nhân tạo nên sức mạnh của các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đầy khó khăn, thử thách nhưng vẫn trụ vững và phát triển ổn định là do doanh nghiệp đã xây dựng, kiến tạo được những giá trị văn hóa mang tính truyền thống, vững bền, được các thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp và toàn thể cán bộ, công nhân viên, người lao động kiên trì, quyết tâm thực hiện, theo đuổi.
Những giá trị, hành động đẹp, mang tính nhân văn, vì cộng đồng của doanh nghiệp đã truyền đi những thông điệp, những cảm hứng tích cực, nhận được sự quan tâm, chia sẻ của công nhân, người lao động và sự ủng hộ, tin tưởng của người tiêu dùng.
Đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp và văn hóa doanh nghiệp, Đảng đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò to lớn của doanh nghiệp đối với sự phát triển của nền kinh tế. Nhà nước cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quan trọng, tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, phát triển; đặc biệt trước những tác động của đại dịch Covid-19.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, việc xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp sẽ tạo nền tảng tinh thần, động lực, sức mạnh để doanh nghiệp khẳng định uy tín, hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; nắm bắt thời cơ, vận hội mới; đồng thời khắc phục, đẩy lùi những khó khăn, đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân thực hiện tốt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Doanh nghiệp hình thành được văn hóa tốt có thể gây dựng thương hiệu trong mọi hoàn cảnh
Đề dẫn Hội thảo do Nhà báo Hoàng Hà - Quyền TBT Tạp chí VHNT trình bày nêu rõ, cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, việc xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp là một trong những phương thức quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được ví như "chìa khóa" quyết định thành công của các doanh nghiệp.
Những năm qua, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đạt được nhiều kết quả, tạo sức cộng hưởng, niềm tin giữa doanh nghiệp với cộng đồng, xã hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, việc xây dựng, thực thi văn hóa doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới.
Nhà báo Hoàng Hà cho rằng, trong bối cảnh đó, nhận diện những khó khăn, thách thức để từ đó có giải pháp hữu hiệu phát huy văn hóa doanh nghiệp là việc làm cần thiết để các doanh nghiệp thích nghi với thực tiễn, khẳng định các giá trị bền vững để phục hồi, phát triển.
Là người đầu tiên trình bày tham luận tại Hội thảo, đưa ra góc nhìn vĩ mô về văn hóa doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh để xây dựng thương hiệu quốc gia, nhưng trong bối cảnh hiện nay vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân phải biết trân trọng cái mình đang có, tiết kiệm từng cơ hội, từng điều kiện thuận lợi để vươn ra biển lớn, với khát vọng đưa đất nước phát triển. Văn hóa doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia góp phần không nhỏ trong hiện thực hóa ước mơ to lớn ấy.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, dịch bệnh vừa qua đã cho thấy, văn hóa doanh nghiệp góp phần giảm thiểu thiệt hại cho mỗi doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Văn hóa doanh nghiệp gồm nhiều yếu tố trong đó có những yếu tố liên quan đến đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, được coi là nguồn tài sản quý báu, nền tảng để phát triển doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hình thành được văn hóa tốt sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, đồng thời có thể gây dựng thương hiệu trong mọi hoàn cảnh./.