Nhạc Việt trông cậy vào những cây viết trẻ

25/08/2015 09:34

Theo dõi trên

Những cây viết trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, gây ấn tượng với phong cách rất riêng. Đó là điều mà đời sống ca nhạc Việt đang rất kỳ vọng vào họ

“Thị trường nhạc Việt xuất hiện ngày càng nhiều những tác giả trẻ được công chúng yêu mến. Không ngoa khi nói rằng bây giờ là thời của họ. Họ hiểu mình có gì và khán giả cần gì” - nhạc sĩ Lê Văn Lộc, chuyên viên của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc TP HCM, nhận định. Không chỉ dựa vào mức tiền tác quyền thực lĩnh của các tác giả trẻ, nhạc sĩ Lê Văn Lộc còn dựa trên chất lượng, cá tính trong những sáng tác của các cây bút trẻ này để đưa ra nhận định trên.

Sức viết sung mãn

Trong số những nhạc sĩ trẻ đang hoạt động sáng tác sung sức, nhạc sĩ Lê Văn Lộc thấy ấn tượng nhất là Sa Huỳnh (nổi bật trong thời gian qua với ca khúc “Về ăn cơm”). “Huỳnh có phong cách sáng tác rất lạ: tưởng rằng chất phác, giản đơn nhưng đầy chất tự sự, trải nghiệm” - nhạc sĩ Lê Văn Lộc phân tích.

Dĩ nhiên, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật hoặc tác giả nào đó khó tránh khỏi ít nhiều cảm tính nhưng thực tế không khó để người trong giới nhận ra những nhạc sĩ trẻ đang rất được công chúng yêu thích hiện nay có những con đường, phong cách sáng tác rất khác biệt.

Phạm Toàn Thắng, một nhạc sĩ trẻ để lại những ấn tượng bởi sự sáng tạo dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian, biết đưa vào tác phẩm của mình một cách nhuần nhuyễn chất liệu ấy. Có sự giao thoa của rất nhiều phong cách và nền âm nhạc khác nhau trong các tác phẩm của Phạm Toàn Thắng và chính điều đó giúp ca khúc của anh vừa gần gũi nhưng lại rất mới mẻ, vừa lạ lẫm nhưng lại rất quen thuộc với người thưởng thức.

Một gương mặt trẻ khác cũng có bút lực sung mãn hiện nay là Vũ Cát Tường. Cô được giới trẻ yêu nhạc yêu thích bởi những tâm sự khắc khoải trong các bản tình ca của mình. Với Tường, đó là những trải nghiệm tình yêu của bản thân được chuyển thành ca khúc nhưng chính điều đó giúp cô nhận được sự đồng cảm của khán thính giả.



 
Ca sĩ - nhạc sĩ Vũ Cát Tường, một trong những tác giả có bút lực sung mãn hiện nay. Trong ảnh: Vũ Cát Tường trình diễn trong chương trình “Bài hát Việt” Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Đỗ Hiếu, Hoàng Huy Long… có những sáng tác thiên về tiết tấu nên luôn “đắt khách” trong thời buổi thị trường âm nhạc đang yêu chuộng nhạc EDM. Những ca khúc sôi động theo sát xu hướng âm nhạc thịnh hành trên thế giới của họ không chỉ làm hài lòng khán - thính giả trẻ mà còn cho thấy thế mạnh của lớp sáng tác trẻ hiện nay. Tất nhiên, sự chi phối của xu hướng âm nhạc thế giới không làm mất đi bản sắc riêng của những tác giả trẻ này bởi “tác phẩm dựa trên thị hiếu khán giả nhưng vẫn phải tuân thủ quy tắc sáng tác cao nhất là đề cao sự sáng tạo của cá nhân dựa trên chuẩn mực chung” - nhạc sĩ trẻ Hoàng Huy Long giải thích.

Không thiên hẳn về sáng tác, công chúng thậm chí còn liệt kê danh sách các ca sĩ - nhạc sĩ trẻ “hot” nhất hiện nay là Sơn Tùng M-TP, Đinh Mạnh Ninh, Tăng Nhật Tuệ, Trịnh Thăng Bình, Vũ Cát Tường, Hoàng Tôn… Đây là những giọng ca sử dụng chính sáng tác của mình để biểu diễn. Dù không phải tất cả ca khúc của những tác giả trẻ này đều được công chúnng đón nhận nhưng điều không thể phủ nhận là những sáng tác của họ ít nhiều để lại dấu ấn cá nhân tác giả đối với người yêu nhạc, làm mới mẻ thị trường ca nhạc ngày càng vắng dần những tác phẩm của thế hệ sáng tác trước đây.

Những cuộc lột xác

Ít ai biết rằng để có được những thành quả như ngày nay, các cây viết trẻ đã trải qua quá trình học hành nghiêm túc và lăn lộn học việc tại các studio của những công ty sản xuất âm nhạc. Có những người gặp may mắn ngay từ bước chân đầu tiên trên con đường sự nghiệp như Phạm Toàn Thắng, dù không học trường nhạc chuyên nghiệp nhưng đã học và chơi nhạc cụ từ những năm còn là học sinh THCS. Kiến thức âm nhạc của Thắng lớn dần theo tình yêu anh dành cho âm nhạc, nhất là khi anh có những thần tượng rất cụ thể như Amy Winehouse, Jason Mraz, John Mayers, Kurt Cobain hay Trần Tiến, Đỗ Bảo. Nhiều nhạc sĩ trẻ bước vào sự nghiệp bằng những tháng ngày đi “học việc” ở các nhạc sĩ đàn anh. Đằng Phương trước khi được công chúng biết đến đã làm người “giúp việc” đắc lực cho nhạc sĩ Quốc Bảo, sau đó là nhạc sĩ Đức Trí. “Đây là khoảng thời gian Phương biết được mình có những lợi thế gì và theo đuổi con đường nào để khai thác sở trường của bản thân” - Đằng Phương chia sẻ.

Quá trình học việc của các cây bút trẻ trên thực tế cũng có những trường hợp lắm truân chuyên, thậm chí không ít lần phải uất nghẹn. Có trường hợp ca khúc của mình viết đưa cho “thầy” sửa bài nhưng khi ra mắt công chúng, tác phẩm ấy mặc nhiên ghi tên thầy là tác giả mà không có một lời giải thích. Chưa kể chuyện “viết chung” cứ thường xuyên dù “thầy” chỉ thêm thắt vài nốt nhạc trong đó.

Dù vậy, những cây bút trẻ trải qua “học việc” này vẫn quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Trên thực tế có thể một bài hát sẽ trở nên xuất sắc hơn khi chỉ thay đổi một nốt nhạc. “Phải chấp nhận những thiệt thòi để có được những bài học quý giá về nghề”, đó là suy nghĩ chung của các cây bút trẻ trải qua giai đoạn học việc. Điều quan trọng là sau thời gian học việc ấy, các cây viết trẻ có đủ sức để bùng nổ sáng tạo. Đúng như nhận định của giới chuyên môn, những cây viết trẻ xuất hiện ngày càng nhiều, gây ấn tượng với phong cách rất riêng - điều mà đời sống ca nhạc Việt đang rất kỳ vọng vào họ.

Thùy Trang (Người Lao Động)

Bạn đang đọc bài viết " Nhạc Việt trông cậy vào những cây viết trẻ " tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.