Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Rong ruổi dặm trường (Kỳ 2)

28/08/2014 21:36

Theo dõi trên

Nếu như mối tình với các bóng hồng là nguồn cảm hứng cho tình khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thì vẻ đẹp non nước, con người trên những miền đất ông qua lại là nguồn cảm hứng bất tận để bài hát trữ tình, quê hương, kháng chiến ra đời.

Bước chân ông rong ruổi từ Bắc đến Nam và dường như nơi nào có bàn chân người nhạc sĩ lãng tử ấy đặt đến, nơi đó sẽ đi vào bản nhạc sống mãi với thời gian. 

Dọc đường xuôi ngược

Sinh ra tại Vinh, Nghệ An nhưng nguyên quán nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý lại ở Vĩnh Phúc. Cha ông vốn thạo hát văn, hát chèo, hát ả đào. 

Ngày bé, Nguyễn Văn Tý học ở Trường Quốc học Vinh và được một giáo viên người Pháp dạy một số bài hát. Khi tham gia dàn nhạc nhà thờ hát thánh ca, ông được học nhạc lý cơ bản. Từ đó, cậu bé có căn bản để tập tành chơi guitar do một ông thầy người Hoa dạy. 

Năm 1945, Nguyễn Văn Tý tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập và xây dựng đoàn kịch thơ, kịch nói của Thanh niên Cứu quốc Nghệ An. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Văn Tý bắt đầu năm 1947 khi ông là Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền huyện Thanh Chương. Sau đó, ông nhận nhiệm vụ đi xây dựng Đoàn Văn công của Sư đoàn 304. Đến 1951, ông giải ngũ và chuyển về công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. 

Nhắc đến giai đoạn này, người nhạc sĩ già bồi hồi hoài niệm về tiếng hát của cô sơn nữ dân tộc Mèo trên rẻo cao Điện Biên trong chuyến đi thực tế năm 1958. 

1235235363463641-1652582574.gif
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thời trẻ

Nàng chưa đủ đôi tám. Giữa vườn đào bừng sắc trong se lạnh, má nàng đỏ hồng làm mê mải bước chân nhạc sĩ. Ông thèm nghe một tiếng hát cất lên giữa núi đồi mênh mông. Nàng cười khúc khích, trốn lẫn vào trong những nụ đào hé nở. Tiếng hát cất lên, trong vắt. Tiếng hát nàng vờn bay trong sương sớm, ngân xa qua bao triền núi. Ông mê mẩn. Nốt nhạc bật ra, tuôn trào: "Bản Mèo em ở ngọn núi cao cao/Lúa được mùa, hoa đào nở, dân khắp bản biết ơn Bác Hồ…". Về nhà, ông chép vội vào mảnh giấy rồi đặt tên: “Tiếng hát bản Mèo”.  

Để tìm chất liệu sáng tác, bước chân ông lại rong ruổi và hòa mình vào đời sống cần lao của người nông dân quê lúa Hưng Yên, Thái Bình. Vùng đất mến yêu này đã cho ra đời những nhạc phẩm như “Chim hót trên đồng đay” (1963), “Dòng nước quê hương” (1963), “Tiễn anh lên đường” (1964), “Bài ca năm tấn” (1967).

Năm 1973, Mỹ trở lại đánh phá miền Bắc dữ dội bằng B52 hòng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Trong đợt đến thăm Hà Bắc, nhạc sĩ gặp một bà mẹ đang ngồi vá áo cho các chiến sĩ. Dưới ngọn đèn dầu leo lét, bé như đốm sáng đom đóm, bà mẹ già nheo đôi mắt, bàn tay chai sần vá vội manh áo rách cho bộ đội kịp giờ hành quân. Ngồi lặng lẽ nhìn bà mẹ từ phía sau lưng, nhạc sĩ cứ ngỡ như dáng mẹ mình đang cặm cụi vá áo cho con. Sau này, nhớ lại kỷ niệm ấy, nước mắt ông lại chảy tràn. Tay ông run rẩy viết nên những khúc nhạc chứa chan bao tình cảm của một người con nhớ mẹ: “Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/Đời mẹ nghèo trong áo rách, áo rách nên thương…”. “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” trở thành bài ca của lòng niềm biết ơn vô hạn, thương tấm lòng bao la chở che cho bộ đội một thời lửa địch, bom thù của các bà, các mẹ. 

Là người miền Trung, nhưng viết về phương Nam, những nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn làm đắm lòng những người con của mảnh đất chín rồng. Treo trang trọng trong phòng khách của nhạc sĩ là tấm kỷ niệm chương tri ân của tỉnh Bến Tre. Bởi nhắc tới Bến Tre, không thể không nhắc đến nhạc phẩm “Dáng đứng Bến Tre” (1981) của ông. “Ai đứng như bóng dừa tóc dài bay trong gió/Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre (Con gái của Bến Tre)/Năm xưa đi trong đạn lửa đi như nước lũ tràn về…”.

Người con gái ấy là ai? Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tiết lộ: “Đó là bóng dáng của bà Nguyễn Thị Định. Tất nhiên, hình ảnh trong bài hát chỉ do tôi mường tượng. Nhưng nhiều lần gặp gỡ người nữ anh hùng, tôi rất cảm mến bà nên đã thổi hồn vào ca khúc. Đến Bến Tre, nhìn những cây dừa mình đầy thương tích bom đạn, loang lổ ứa nhựa, tôi xót xa, đau đớn lắm. Cây dừa như chính tâm hồn, con người Nam Bộ ”. Để bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, ông đã mất 5 năm học làm… người Nam. Học từ cách ăn, cách nói, cách nghĩ và cả… cách nhậu. 

“Công dân danh dự” của Hà Tĩnh

Năm 1974, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”. Ca khúc được công chúng và đặc biệt là những người con Hà Tĩnh mến mộ đến nỗi nó được xem như “tỉnh ca”. Cứ dịp lễ lạc, liên hoan hay họp mặt mà nghe câu “(Chứ) Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh/Nhớ núi Hồng Lĩnh nhớ dòng sông La/Nhớ biển rộng (mà) quê ta ớ ơ ơ ơ…” là ắt hẳn có người Hà Tĩnh ngồi đó. Nhớ lại, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cười rung mái tóc bạc: “Ông Chủ tịch UBND tỉnh khi ấy cứ khen mãi, bảo: anh không phải là người Hà Tĩnh mà viết hay như vậy thì là người Hà Tĩnh chính hiệu rồi đấy”. Bài hát được NSND Thu Hiền, NSƯT Anh Thơ và nhiều ca sĩ tên tuổi khác thể hiện rất thành công. 

Có vẻ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khá ưu ái Hà Tĩnh khi viết cho tỉnh này hẳn hai ca khúc và hai ca khúc đó đều nổi tiếng. Hai năm sau, ông về hồ Kẻ Gỗ, lãnh đạo tỉnh than thở: “Hiện giờ tỉnh chưa có bài hát nào ca ngợi về xây dựng, thủy lợi cả. Hồ Kẻ Gỗ đang xây, anh xem có sáng tác được bài nào không?”. Ông gật đầu. Vậy là bài hát đặt hàng “Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” ra đời. Quả thật, hiếm bài hát nào viết về lao động lại dạt dào tình cảm, đẹp mộng mơ như thế. Bài hát mang âm hưởng dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh vừa thiết tha tình cảm gắn bó với quê hương vừa hừng hực khí thế lao động hăng say của người đi xây hồ, đắp đập. 

Sinh ra ở Nghệ An, vậy mà một thời gian dài nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn được bầu làm Chủ tịch của Hội đồng hương Hà Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh khi ông chuyển vào đây từ năm 1975. Sông La, núi Hồng theo mãi ông cho đến những năm tháng cuối đời. Khi đã 83 tuổi, ở TP Hồ Chí Minh, ông muốn trở lại Hà Tĩnh mặc cơn tai biến hành hạ. Trở lại vì những đôi mắt ám ảnh.

“Các o nằm lại đây phong sương cùng cây cỏ/Dưới từng nấm mộ nhỏ e ấp một tâm linh/Mỗi con tim chan chứa biết bao tình (…)/Các o nằm lại đây vẫn thẳng hàng như một thời xông trận/Đạn đã lên nòng, cuốc xẻng chắc trong tay …” (Trích trường ca “Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc”). 

Năm 2006, đợt vận động sáng tác về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc nhân ngày giỗ các chị, nhà thơ - luật sư Bùi Mạnh Hảo đã đem bài thơ “Mười bông hoa trinh liệt giữa Ngã ba Đồng Lộc” đến nhờ nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phổ nhạc. 

Trong lời tâm sự khi ra mắt trường ca, nhạc sĩ viết: “Tại sao ở tuổi 83 này tôi còn viết trường ca? Trường ca là một thể loại dài hơn những ca khúc mà tôi đã từng viết. Nhưng khi viết bài thơ “Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc” thì Bùi Mạnh Hảo cũng như tôi đã bắt gặp một nguồn cảm xúc vô cùng lớn. Sự rung cảm của thơ, như ngọn lửa thiêng, buộc tôi phải nghĩ ra một khuôn khổ nhạc đủ sức chứa đựng những rung cảm vô cùng mạnh mẽ đó. Nhưng ban đầu thì hình như vẫn còn những chỗ chưa thật ưng ý. Tôi và con gái là Thái Linh đã phải nhân một chuyến đi theo lời mời của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, bố con tôi đã đến thăm mộ các o”. 

Giữa ngã ba Đồng Lộc lộng gió, người nhạc sĩ già chống gậy nhấc từng bước, run run thắp nén nhang trên nấm mộ mười cô gái chưa tròn đôi mươi. “Tôi thấy ánh mắt các o long lanh trên những tấm hình của từng ngôi mộ. Ánh mắt nhìn thẳng vào trái tim thương cảm của tôi và thắp lên ngọn lửa thiêng khiến tâm hồn tôi sáng suốt. Ánh mắt ấy cứ theo tôi mãi cho đến khi tác phẩm được hoàn thành”, ông tâm sự. 

Và đó cũng là ca khúc cuối cùng dành cho Hà Tĩnh, kết thúc sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của người nhạc sĩ tài hoa.

Kỳ tới: Duyên sắt cầm chẳng tày gang

Sơn Mai
Bạn đang đọc bài viết "Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Rong ruổi dặm trường (Kỳ 2)" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.