Vậy nên trong những bài hát của tôi luôn có bóng dáng người phụ nữ. Có bóng dáng yêu kiều của họ, nhạc phẩm của tôi mới bay bổng và đầy cảm xúc như vậy”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tâm sự.
Từ hình ảnh người mẹ tảo tần…
Mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tên là Lê Thị Thang. Bà mang vẻ đẹp hồn hậu của một cô gái quê mà nói như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Mẹ tôi hiền như củ khoai, củ sắn”. Khi Nguyễn Văn Tý 20 tuổi, cha ông hy sinh vì bom giặc Mỹ. Sau Nguyễn Văn Tý còn có bầy em thơ. Chồng mất, một mình bà Thang phải gánh gồng nuôi con. Bà làm tất tần tật mọi việc, ai kêu gì làm nấy. Thấy bà tháo vát, đảm đang, một người quen đã giới thiệu cho bà gánh muối về bán.
Trong ký ức người nhạc sĩ già, vẫn hằn in bóng dáng mẹ sáng sớm tinh mơ quai gánh đi về phía biển. Dáng mẹ gầy và gánh muối oằn trĩu trên bờ cát trắng đi vào bài hát “Đường về Hộ Độ” (Hộ Độ là tên một xã làm muối, thủy sản thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) của ông tự bao giờ với xúc cảm thiêng liêng của một người con: “Ngày xưa Mẹ đi về Hộ Độ/Mua được muối mang về không đi bằng đường bộ mà phải theo đò vượt biển khơi sóng vỗ/Bao đêm mất ngủ, mới đưa được muối về/Ôi con đường xưa sao mà trắc trở, cũng vì con nhỏ bao gian khổ cũng không nề/ (…) Ngày xưa Mẹ dân nghèo tỉnh Nghệ, qua trận đói năm nào, mắt không cầm giọt lệ/Thân Mẹ vai gầy, tìm được ăn đâu dễ/Trông ra mấy nẻo, cũng bao phận đói nghèo/Bao con đò theo con đường sóng cả, cánh buồm tơi tả không theo nổi gió trăm bề/Đường đang mở lối cho cầu vượt qua sông/Mà nay trên đồng muối người xưa đã theo chồng/Còn đây hạt muối nghe ngọt lời thủy chung mà lòng riêng ta lại nhớ/Dấu chân xưa nơi Mẹ đã đi cùng, dấu chân xưa nơi Mẹ đã đi về”.
Hồi đó, bà bạn hàng buôn muối với mẹ Nguyễn Văn Tý có cô con gái mới chớm đôi tám tên là Mai Thị Cúc. Má nàng hồng, môi nàng đỏ, dáng lưng ong tất tả mỗi buổi phụ mẹ bán muối. Nàng hay e thẹn mỗi khi cậu con trai O Thang ra chợ phụ bán với O. Hai bà mẹ vốn quý nhau như chị em đã rủ rỉ với nhau rằng: dù có nghèo khó, loạn lạc ra sao cũng kết mối ông tơ bà nguyệt cho hai đứa.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý biết chuyện sắp đặt của hai bà nhưng không lấy làm khó chịu vì ông cũng ưng cô thôn nữ dịu dàng, dễ mến. Hai nhà gần nhau, những buổi nàng phải trông hàng muối cho mẹ, ông lại lân la sang trò chuyện, phụ đỡ. Tình càng thêm thắm, duyên càng thêm nồng. Thế nhưng đến ngày chuẩn bị làm đám cưới, ông mới hay nàng theo đạo Thiên Chúa. Gia đình nhà gái buộc chàng rể cũng phải theo đạo. Ông ngậm ngùi chấp nhận. Tên thánh là Phero đã định. Biết chuyện, mẹ ông ngất lên ngất xuống, mếu máo mà rằng: “Con ơi, thế là mẹ mất con rồi!”. Những giọt nước mắt đau khổ của mẹ ám ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hằng đêm liền. Ông thương mẹ đứt ruột, cuối cùng, người con hiếu thuận ấy quyết định không theo đạo. Nhà gái hiểu được tấm lòng của ông với mẹ cũng không bắt ép, miễn hằng tuần, ông cùng vợ lên nhà thờ nghe thánh kinh.
Bà Cúc sinh cho ông cô con gái đầu lòng được 3 tháng thì mắc bệnh hiểm nghèo. Nhìn vợ bị sưng phù, quằn quại trước lưỡi hái thần chết, ông nghe tim mình vỡ tung. Giọt nước mắt đàn ông rơi giữa nghĩa trang, rơi trên gương mặt con thơ khát sữa. Ra đi, bà Cúc không có bất cứ di ảnh nào. Ông kể: “Hồi còn thiếu nữ, cô ấy đi chụp ảnh thẻ thì bị mấy ông thợ ảnh giả vờ sửa tư thế để vuốt má, trêu ghẹo. Cô ấy trừng mắt, mắng: “Này, các anh làm thế không được đâu đấy. Tôi thề không bao giờ đi chụp ảnh nữa”. Nói vậy để thấy cô ấy đoan trang, mực thước đến thế nào”.
Bà vợ sau là Bạch Lê dù đã có bốn con nhưng vẫn còn mang vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của cựu hoa khôi Quảng Bình. Bà Lê mang dáng dấp của người mẹ nhạc sĩ bởi tình yêu thương con vô hạn nên ngày lần đầu gặp gỡ, ông đã đem lòng yêu. Yêu người, ông luôn là kẻ nâng niu hạnh phúc. Ông không dám để cái đẹp thiêng liêng ấy phạm giới. Nên ông khổ vì tình, đau vì tình.
Hồi ông bị tai biến, bà Lê sang Mỹ ở cùng các con của chồng trước. Bà đi, câu ca cũ ông mãi hát trong nước mắt: “Sổ lồng thì sáo cứ bay, đừng quên công của bấy nay ta xây lồng. Ai đưa con sáo sang sông…”. Cầm lòng không được, cậu em của bà Bạch Lê sang Mỹ năn nỉ: “Chị về ngay, ngày nào anh cũng khóc nhớ chị”. Bà Bạch Lê tức tốc về ngay và về ở hẳn Việt Nam. Nhưng nỗi mừng tủi phu thê hội ngộ chưa được bao lâu thì bà Lê qua đời.
… đến khúc tụng ca phụ nữ
Thương mẹ, kính mẹ và từ hình ảnh hai người vợ mà ông yêu mến những thân phận người phụ nữ. Đặc biệt nếu đó lại là người đẹp. Vẻ đẹp mà ông mãi tôn kính đó là vẻ đẹp dịu dàng, đoan trang, thanh khiết. Ông không say, không thương, không mến được cái đẹp quá sắc sảo, cái đẹp rực rỡ khó gần như hoa hồng kiêu kỳ lắm gai. Trân trọng phụ nữ đến nỗi khi cảm mến, yêu thương họ, ông cũng không dám cầm tay, không dám vuốt tóc mà chỉ dám đứng xa xa nhìn ngắm như gã khờ si tình.
Với nhạc sĩ, mỹ nhân là cái đẹp, đó là điều mà họ mãi miết đi tìm và tụng ca trong các tác phẩm. Cái đẹp của mỹ nhân làm cái đẹp trong âm nhạc thăng hoa. Thế nhưng, trong top “nhạc sĩ chuyên trị về phụ nữ” chắc chắn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sẽ đứng đầu. Hàng loạt các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý như: Em đi làm tín dụng, Cô nuôi dạy trẻ, Bài ca phụ nữ Việt Nam, Dáng đứng Bến Tre, Dư âm, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Gương mặt Kiên Giang, Tiễn anh lên đường… mang dáng dấp của những thiếu nữ, của các bà, các mẹ.
Tình ca của ông là những nhạc phẩm nâng niu, ve vuốt dáng ngà: “Ngủ đi người của anh ơi/Xin nhờ làn gió về nơi em nằm/Anh ngồi thức với xa xăm/Ðến em phải vượt hàng trăm tinh cầu... Cách xa như đất với trời/Ðêm đêm anh lặng ru người trăm năm" (Ru người trăm năm). Còn ở tỉnh ca, ngành ca, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn đưa hình ảnh người phụ nữ đôn hậu, đảm đang, chăm lo sản xuất, công việc để khắc họa một ngành nghề, một địa danh ông qua. Trong bài hát “Cô đi nuôi dạy trẻ”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có những câu hát say sưa, ngưỡng mộ: “Mùa xuân ai đi hái hoa/Mà em đi nuôi dạy trẻ/Sao em muốn đàn em mau khỏe/Sao em muốn đàn em mau ngoan/Hay bởi vì em quá yêu thương/Những đôi môi đỏ/Những đôi má tròn…”. Lời ca ấy xuất phát từ tấm chân tình cảm phục của ông khi chứng kiến cảnh những cô giáo mầm non còn rất trẻ, dù đồng lương ít ỏi, công việc vất vả nhưng các cô luôn hết lòng, tận tụy với từng em nhỏ.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể rằng ông không sao quên được gương mặt phúc hậu, đằm thắm của người con gái Kiên Giang mà ông gặp gỡ trong một dịp công tác. Gương mặt cho ông một mối tình câm lặng, mang theo về thành phố hào hoa. Để rồi từ gương mặt tuyệt đẹp, đầy luyến tiếc ấy ông đã cho ra đời ca khúc “Gương mặt Kiên Giang”: “Ai nói Kiên Giang mình nhìn như cô gái/Gương mặt kiên cường mà rất nên thơ/Anh yêu em yêu tự bao giờ/Nhìn mái tóc sao bỗng nhớ về khi xưa…”
Những bài hát ca ngợi sự buất khuất, dũng cảm của người phụ nữ trong chiến tranh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý có những bài như “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, “Dáng đứng Bến Tre”, “Mười bông hoa trinh liệt ngã ba Đồng Lộc”. Bà Nguyễn Thị Định, nguyên mẫu trong câu ca ngọt ngào, đậm chất Nam Bộ “Dáng đứng Bến Tre” đã từng rất xúc động khi nghe nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chia sẻ hoàn cảnh ra đời bài hát. “Năm 1976, tôi cùng vợ chồng Lư Nhất Vũ, Lê Giang về sưu tầm nhưng câu ca dao, dân ca Nam Bộ. Nghe chuyện về chị Ba (tên thân mật của bà Nguyễn Thị Định – PV) - người con gái kiên cường dũng cảm - cùng với Đội quân tóc dài đã làm nên phong trào Đồng khởi, khiến quân thù khiếp đảm, tôi ngưỡng mộ vô cùng. Cho nên mới thổi hình tượng của chị vào bài hát. Nhớ dịp Đại hội Đảng bộ Bến Tre, chị Ba mời tôi và ca sĩ Thu Nở về Bến Tre giao lưu, biểu diễn. Nghe xong bài “Dáng đứng Bến Tre”, chị Ba khóc đứng dậy ôm choàng lấy Thu Nở mà khóc. Nhìn thương lắm”.
Nhưng có lẽ khúc tụng ca phụ nữ thiêng liêng, đẹp đẽ nhất thuộc về ca khúc “Bài ca phụ nữ Việt Nam”. Đây là tác phẩm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý dồn nhiều tâm sức trong cả phần nhạc và lời. Sắp đến ngày thu âm, trăn trở mãi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn chưa tìm được chữ khác để thay thế cho một chữ chưa ưng ý. Đến khi ông gặp lại người bạn cũ, bạn tay bắt mặt mừng: “Ôi, lâu ngày quá mới giáp mặt ông”. Vị nhạc sĩ nhảy cẫng lên sung sướng. Ông chộp ngay từ “giáp” của ông bạn để làm nên câu “giáp mặt kẻ thù chẳng một giây nao núng” mà mấy đêm liền ông nghĩ mãi không ra. Bởi chỉ có từ “giáp” mới thể hiện được sự kiên cường, không sợ hãi trước quân thù của người phụ nữ Việt Nam.
Kỳ 6: “Dư âm 2” và khung ảnh người phụ nữ bí mật