Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Duyên sắt cầm chẳng tày gang (Kỳ 3)

29/08/2014 22:15

Theo dõi trên

Nỗi nhớ vợ như mũi kim nhức nhối xuyên vào trái tim đa cảm của ông. Máu tim chảy thành giọt nước mắt mỏng mờ như sương, đọng trên khóe mắt nhầu nhĩ vệt trầm luân. Phận đoản thê nên cuối đời, chỉ còn lại mình ông lay lắt ở cõi tạm mà quay quắt nhớ. Hai người vợ chính, một người vợ “hờ” đều đã bỏ ông về thế giới bên kia khi hương lửa đang nồng…

news-1409325310-1652582692.gif
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và bà Bạch Lê thời mới yêu nhau (1952)

Lận đận tình nghĩa muối mặn gừng cay

Duyên tình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn trắc trở. Đến khi kết nghĩa vợ chồng, hạnh phúc lứa đôi với ông cũng quá mong manh, dẫu ông luôn trân trọng, nâng niu hạnh phúc ấy.  

Người vợ đầu mất đã gần 70 năm. Nhắc đến người đàn bà tuyệt đẹp ấy, ông gói gọn trong một chữ “thương”. Năm 1953 ông lập gia đình với bà. Vỏn vẹn một năm hạnh phúc, sau ngày sinh con gái đầu lòng, căn bệnh lao phổi đã cướp bà khỏi tay ông. 

Đau đớn trước cái chết đột ngột của vợ, bảy năm trời ông ở vậy “gà trống nuôi con” nên người. Bạn bè thấy thế, thương cảm cho chàng nhạc sĩ trẻ sớm góa vợ đã mai mối cho ông nhiều cô gái. Thế nhưng, tình duyên không thành. 

Bà Nguyễn Thị Bạch Lê là em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Lúc bấy giờ, bà đã có 4 con và cũng góa chồng. Thấy bạn mình vậy, thấy tình cảnh em gái mình vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đánh bạo hỏi cô em: “Này, anh có anh bạn nhạc sĩ hiền, đẹp trai và tài giỏi lắm. Anh ấy mất vợ lâu rồi, lại cảnh “gà trống nuôi con”. Để anh rủ đến anh ấy nhà chơi nhé”. Ngày gặp gỡ, Bạch Lê đem lời “quảng cáo” của anh trai ra ướm thử người nhạc sĩ. Ông gãi đầu cười hiền: “Đẹp trai hay không thì cô thấy rồi đấy, còn tài thì tôi chẳng có tài gì hay ho cả”. Ai ngờ câu bông lơn đó lại ghi điểm vào mắt xanh người đẹp. 

Bởi sau này, khi càng thân thiết với nhau và nên vợ nên chồng, bà Bạch Lê đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác trước tài hoa âm nhạc và trái tim đa cảm của chồng mình. Ông luôn dành cho vợ một tình yêu vô bờ bến và thủy chung. Giọt máu của cả hai người rồi cũng hoài thai trong niềm hoan hỉ. Nhưng thời gian ấy, ông theo đoàn văn công hành quân biền biệt. Bà Bạch Lê về ở với mẹ chồng ở Thanh Chương - Nghệ An. Những khi thấy máy bay địch, bà vác bụng bầu, nương theo tay mẹ chồng đỡ lên bè chuối đẩy ra giữa sông để tránh bom. Bà vượt cạn cũng trên chiếc bè chuối đó.

Chiến tranh, binh lửa, vợ chồng bặt tin nhau. Ngày nọ, tranh thủ xin phép đơn vị, ông về thăm vợ con. Về tới nhà thì đêm đã khuya. Bà Bạch Lê chong đèn ra đón chồng trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Ông sốt sắng lại gần chiếc nôi của con gái. Vợ suỵt khẽ: “Anh khẽ thôi, kẻo con giật mình tỉnh dậy bây giờ”. Ông vén nhẹ tấm màn, rưng rưng nhìn đứa con bụ bẫm, chúm chím đôi môi. Hai vợ chồng lặng lẽ nhìn con, nghe hạnh phúc viên mãn, tròn đầy. Đó là nguồn cảm xúc, chất liệu để ông viết nên khúc ca bất hủ “Mẹ yêu con”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tâm sự: “Lúc đó, nhìn nó (đứa con – PV) thương lắm. Miệng nó cứ chúm chím, hồng hồng, yêu vô cùng”. Rồi ông khe khẽ hát, đôi mắt long lanh: “Miệng con chúm chím xinh xinh như đài hoa đang hé trên cành. Khát nắng mới và sương lành. Lá thắm rung cánh tay ôm ấp lấy hoà bình. À á ru hời ơ hời ru…”. Đứa con ấy hai vợ chồng đặt tên là Thái Linh. 

Tình yêu mãi ngân vọng…

Năm 1975, gia đình nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Đứa con của bà vợ cả về ở nhà ngoại. Lúc này, tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nổi tiếng cả nước. Rất nhiều khán giả ái mộ ông đã tìm đến nhà để tận mắt chiêm ngưỡng người nhạc sĩ tài danh. Không ít nữ thính giả dành cho ông tình cảm đặc biệt. Trong số đó có người phụ nữ tên Hòa. 

“Bà ấy đẹp lắm, là người miền Bắc chuyển vào Nam định cư. Bà ấy góa chồng, có con đã lớn. Vợ tôi lúc đó bận bịu chuyện con cái nên không có thời gian chăm sóc cho tôi trong khi bà ấy hay đến nhà phụ giúp tôi nhiều chuyện vặt vãnh như ăn uống, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa....  Không hiểu sao bà ấy kết nghĩa được chị em với bà Lê vì bà Lê rất ghen. Hai người thân lắm. Rồi Hòa năn nỉ vợ tôi cho bà ấy được về sống chung nhà để tiện chăm sóc tôi. Tôi cũng cảm mến bà ấy nên không có ý kiến gì”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể.

Sau cái gật đầu của bà Bạch Lê, người đàn bà ấy tức tốc về nhà dọn đồ sang sống chung với ông. Bà nguyện làm người vợ “hờ” nâng khăn sửa túi cho ông, không cầu danh phận gì. Cảm động trước tấm chân tình của bà, nhiều lần, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý buộc miệng hỏi: “Vì sao em đối xử với tôi tốt thế?”. Bà Hòa thẹn thùng: “Vì em thương anh, thương bài hát của anh”. Tình yêu ông dành cho bà Hòa không sâu nặng như với hai bà vợ đầu nhưng nó đủ làm ông ấm lòng khi trở về mái nhà. 

Sống với nhau được vài năm, bà Hòa ngỏ ý lấy khoảng sân trước nhà làm quán cà phê kiếm thêm thu nhập. Ông bảo nếu có làm thì đầu tư hẳn bàn ghế, đồ đạc cho quán sang trọng. Bà không chịu, chỉ muốn mở quán cóc vỉa hè. Hai người không ai chịu ai, vậy là giận nhau. Bà gói ghém đồ đạc bỏ về nhà mình ở cùng các con. Từ đó đến nay chẳng hề quay lại dù vẫn còn liên lạc, hỏi thăm ông. 

Khi phải chuyển về căn nhà nằm trên đường Trần Khắc Chân, quận 1, sống được một thời gian bà Bạch Lê sang ở với các con vì không chịu được sự chật hẹp.  Riêng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mấy lần về ở nhà con, dù nhà rộng rãi hơn ngôi nhà cũ nhưng ông vẫn cảm thấy ngột ngạt, tù túng trong bốn bức tường. Vậy nên ông cứ nằng nặc đòi về. Ở căn nhà cũ, dù chật hẹp, đồ đạc ngổn ngang nhưng nó chứa đựng nhiều kỉ niệm với ông. Và hơn hết, ngôi nhà ấy nằm trong căn hẻm ồn ã thanh âm để ông tha hồ nghe ngóng, cho bớt cô đơn ngày quạnh quẽ. Nhớ vợ, ông lại lặn lội lên nhà con thăm. Rồi lại về với nỗi cô đơn. 

Ông nhớ một ngày cách đây 10 năm, các con mời bố lên chùa làm lễ. Ngồi nghe các thầy làm lễ một hồi, ông mới hốt hoảng kêu lên: “Trời ơi, vợ tôi mất rồi sao?”. Những giọt nước mắt tuổi già ứa ra mặn đắng môi. Ông khóc ngất như một đứa trẻ. Ngày bà Bạch Lê nhắm mắt vì bệnh nặng, các con không ai dám báo với bố. Họ sợ cú sốc này quật ông quỵ ngã, bởi họ biết nghĩa phu thê của bố mẹ mình nặng như thế nào. Phải mấy ngày sau, họ mới dám mời ông lên chùa. Dù sao, ông cũng phải biết. Dẫu nó quá đớn đau.

Sau đợt đó, sức khỏe ông giảm sút thấy rõ, cơn tai biến hành hạ. Thảng hoặc ông bắt gặp bà về trong mơ, hình dung mơ ảo, câm lặng. Vậy mà làm ông nhớ, nỗi nhớ ứa thành lệ mỗi khi ai nhắc đến bà. 

Trên bàn thờ bà Bạch Lê, lư hương dán một mảnh giấy nắn nót những dòng chữ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Nguyễn Thị Bạch Lê, người vợ thân yêu. Đã qua đời lúc 5g20 chiều, ngày 31 tháng 12 năm 2004…”. Cạnh đó, lư hương của người vợ cả cũng nắn nót dòng chữ đầy thương nhớ như thế: “Maria Mai Thị Cúc, người vợ đầu của tôi. Đã qua đời tối ngày 28 tháng 2 năm 1947 ở Vinh sau một năm sống với chồng con”. 

Cách đây một tháng, bà Hòa - người tri kỉ một thời cũng từ giã ông mà đi. Các con bà Hòa cũng giấu kín chuyện, chỉ đến khi tang sự xong đâu vào đấy, họ mới báo cho ông. Ngày biết tin, ông lại suýt ngất. Vậy là ông không kịp đưa tiễn bà ấy lần cuối. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến ông gần như qụy ngã. Nước mắt chỉ còn biết nuốt vào trong. Khấp khiểng xe lăn đến thăm bà ở nghĩa trang quạnh quẽ, ông thắp nén hương như gửi lời tạ lỗi cùng cố nhân một thuở hương nồng…

Kỳ tới: Đường chiều chật vật, chông chênh

Sơn Mai
Bạn đang đọc bài viết "Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Duyên sắt cầm chẳng tày gang (Kỳ 3)" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.