Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Bóng hồng trong những tiếng tơ… (Kỳ 1)

27/08/2014 17:06

Theo dõi trên

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam cùng thời với thế hệ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Tô Vũ, Phạm Duy...

Hàng loạt ca khúc bất hủ của ông như: Dư âm, Mẹ yêu con, Dáng đứng Bến Tre, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ...  đã làm mê đắm công chúng nhiều thế hệ. Cả một đời tằm nhả tơ, dâng hiến cho đời bao tuyệt phẩm, tuổi già, người nhạc sĩ tài hoa ấy lại sống trong cảnh bệnh tật, nghèo khó, thiếu vắng hơi người.

Trong loạt bài này, phuongnam.net.vn hy vọng sẽ dựng nên một phần nào cuộc đời, sự nghiệp âm nhạc và những năm tháng cuối đời hiu hắt của ông.

news-1409134003-1652582456.png
Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý

Mối tình đầu và chữ “thương” vô vọng 

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vẫn thường được đồng nghiệp phong cho danh hiệu “nhạc sĩ chuyên trị phụ nữ”. Bởi trong những bài hát của ông dù là tình khúc hay nhạc cách mạng, quê hương, luôn có dáng dấp những người phụ nữ mà ông yêu mến. 

90 tuổi, bệnh tật, đi lại vất vả, mái đầu thoảng nhớ thoảng quên, nhưng hễ nhắc đến dấu tích những bóng hồng để lại trong nhạc phẩm của mình, đôi mắt nhạc sĩ già lại hấp háy hạnh phúc. Ông kể về họ với một giọng trìu mến, ấm áp của chàng nhạc sĩ trẻ si tình năm xưa. 

Thuở đôi mươi, ông là chàng thanh niên còn tập tành guitar trên căn gác gỗ. Cô thôn nữ cùng xóm tên Báu đem lòng thầm thương trộm nhớ. Cô hay viện cớ sang nhà chơi với em gái của chàng để nghe tiếng đàn. Nhạc sĩ biết cô thôn nữ dễ thương mê đàn, trộm nhìn vài lần mà đem lòng tương tư. Mẹ Báu biết, bà cấm vận hai người. Mãi đến 15 ngày sau, nhạc sĩ mới gặp lại người trong mộng khi cô đang đi chợ. Cô xanh xao như tàu lá. Vì thương chàng, trách mẹ mà Báu ốm liệt gường. Ông thương lắm nhưng chỉ dám nhìn theo cái dáng gầy guộc, liêu xiêu trong gió chiều ấy mà không dám gọi. Tiếng nào mắc nghẹn nơi cổ họng, để từ đó, tình yêu đầu đời tuột khỏi tầm tay.

Sau này, khi đã có chồng, Báu mai mối cho ông cô gái dệt vải ở Thanh Chương. Hỏi thăm mãi, ông mới tìm được mái nhà lá đơn sơ khép mình ven sông, nơi ngày ngày cô gái đưa thoi dệt vải. Mặc chàng nhạc sĩ cứ lúng ta lúng túng, nói câu được câu mất, cô gái vẫn không nói lời nào. Thỉnh thoảng cô lén nhìn ông, cười khúc khích. Một hồi trò chuyện vòng vo, ông lấy hết can đảm tỏ tình với cô. Cô gái nghe xong, quay mặt nhìn ông rồi tủm tỉm cười, không đáp lời nào. Ông ra về, buồn bã như kẻ bại trận. Rồi từ đó ông về Hà Nội, không một lần ghé lại bến sông xưa. "Ai hôm nay ra khơi buông lưới. Mà nhìn chi mãi con tàu vào bờ. Nhìn bến cảng lại nhớ ngày xưa. Thương con đò cắm con sào đứng đợi", lẩm bẩm câu hát trong ca khúc “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh”, một trong chùm tác phẩm vinh danh nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong đợt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000, giọng ông như nghẹn lại: “Tôi đâu ngờ nụ cười tủm tỉm ngày đó là cái gật đầu đồng ý. Sau này, một người quen của cô ấy ở Hà Nội bảo với tôi rằng: Anh có một cái tội rất lớn. O tôi đã chờ anh gần 20 năm, ai hỏi cũng bảo đã có chồng. Vì một chữ thương, cả tuổi xuân đánh đổi chỉ để chờ đợi một người con trai không ước hẹn. Nhiều lần tôi về quê tìm lại cô ấy nhưng người làng không ai biết cô ấy đã đi đâu”.  

Nỗi đau “dư âm” và “khoảng cách” 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chao chát rằng: “Đời tôi, tôi chỉ cần tình yêu. Nhưng sao những mối tình tôi mãi rượt đuổi và nhận lấy đắng cay cho mình”. Tôi biết, nhắc đến đó, ông vẫn nhớ đôi mắt người xưa, những đôi mắt làm ông đớn đau cả một chặng đời dằng dặc.

Năm 1950, đang làm Trưởng Đoàn Văn công Sư đoàn 304, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được một người bạn giới thiệu tìm hiểu một người con gái khác ở Thanh Chương để ông đỡ cô đơn với cảnh “gà trống nuôi con” khi vợ mất đã 3 năm. Nàng có đôi mắt đen láy, đôi mắt của tuổi hoa niên đêm rằm 16 ám ảnh ông ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Trớ trêu thay, nàng lại là em ruột của người con gái mà ông đang tìm hiểu. Tình chị, duyên em. Sự trớ trêu của số phận khiến chàng dằn vặt, đau khổ. Bằng ánh mắt nhìn nhau ngại ngùng lần đầu gặp gỡ, nàng cảm nhận được tình cảm mà chàng nhạc sĩ dành cho mình. Nỗi buồn từ đó thêm thăm thẳm, mịt mùng trong hai tâm hồn thơ trẻ. Đêm không ngủ, chàng ra ngõ ngắm trăng. Tiếng đàn dìu dặt. Bên kia, trên ngạch cửa, nàng ôm đàn rung sợi tơ tình thao thức nhớ nhung. Hình ảnh nàng thiếu nữ huyễn hoặc dưới ánh trăng đã khiến ông không thể cầm lòng để viết ra bản “Dư âm” ngay trong đêm ấy. Đến tận bây giờ, bản nhạc đó vẫn làm đắm say bao người bởi lời ca ảo diệu, đẹp đến vô ngần: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ/Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ/Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn gió/Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời…”.

Sau này, gia đình phát hiện ra chuyện thương thầm trộm nhớ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và cô em nên đã dứt khoát cấm đoán ông đi lại với gia đình. Tám năm biệt tin nhau. Đến một ngày ông tình cờ gặp lại cô bé tuổi 16 năm nào ở một đơn vị quân đội tại Vĩnh Yên. Nàng đã 24 tuổi, đã có chồng. 

Đôi mắt đen láy nhìn ông sững sờ. Đôi mắt ngày xưa làm nhức nhối tim ông vẫn còn đó, nhưng chất chứa sự xô đẩy của dòng đời nên đọng tù bao nỗi u uẩn. Cuộc gặp tình cờ, chỉ tích tắc, không ai kịp nói với ai câu nào. Chỉ đôi chân như muốn trốn chạy sự giằng xé của ký ức. Mối tình chôn lại, hãy để là dư âm năm cũ.

Đến tận bây giờ, khi đã 90 tuổi, mái đầu bạc trắng thời gian, nhưng những xao xác thuở ban đầu vẫn vẹn nguyên và trong trẻo. Phải chăng vì lẽ đó mà tình khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong trẻo vô ngần nhưng luôn man mác một nỗi sầu cố hữu? 

“Tôi xưa với em, tuổi đời còn dư khoảng cách. Bao năm tháng dài lại là hàng xóm của nhau. Sau lớn lên thành đôi bạn… bạn từ đâu! Tôi không biết… hay là không dám biết! Rồi thời gian cứ trôi đi biền biệt… Tôi đi xa … và em đã lấy chồng. Chiều gió heo may, năm sắc cầu vồng là lúc tôi ngồi nhớ em, tôi nhớ lắm! (…) Ôi! Cô bé ngày xưa, làn da tươi hồng mọng. Và đôi mắt tròn, luôn sáng cả bờ mi. Một đóa tường vi khao khát hương gì. Chỉ thầm lặng hẹn tới kỳ hoa hé nở… ”

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý kể, hồi còn ở Hà Nội, có cô bé nhà bên hay sang chơi với con gái ông. Cô thiếu nữ mười tám hồn nhiên như ả sẻ non. Ríu ra ríu rít suốt ngày khiến nhạc sĩ mê mẩn. Yêu vậy thôi, nhớ vậy thôi chứ không nói ra. Rồi một chiều cô bé kéo ghế ra ngồi ở ban công, ông cũng kéo ghế ra ngồi ở ban công nhà mình. Hai người vô tình đối diện nhau. Lúc ấy cầu vồng hiện rõ ở chân trời. Ông chỉ tay, hỏi cô bé: “Thư, biết cái gì không?” Cô bé cười tít mắt, lắc đầu. “Năm sắc cầu vồng đấy”. Kỉ niệm đó ông gói gém vào hành trang, vào một khoảng Hà Nội đầy thương nhớ về phương Nam. Mấy năm sau, ông được tin cô đi lấy chồng. Kỉ niệm xưa gợi ông viết bài “Khoảng cách” năm 1996. Nhiều năm sau, gặp lại cô bé ở Sài Gòn, ông trao tặng cô bài hát. Cô ngạc nhiên đón nhận. Vừa nhẩm hát, vừa cười. Cô bé mắng yêu: “Này, cẩn thận chú bị cạo đầu bôi vôi đấy”. Lời “hù dọa” của cô đã khiến ông mơ hồ thấm thía về định kiến khắc nghiệt của thế gian. Những khoảng cách xa xôi không sao phá vỡ dẫu tình yêu ấy thanh khiết, không khuấy đục xác thịt… Phải chăng đó lại là “dư âm” thứ hai của người nhạc sĩ tài hoa, đa tình? 

Kỳ tới: Rong ruổi dặm trường

Sơn Mai
Bạn đang đọc bài viết "Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - Những dư âm cuối chiều: Bóng hồng trong những tiếng tơ… (Kỳ 1)" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.