Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng
Nếu không biết hẳn không ai nghĩ một người phụ nữ nhỏ nhắn, mảnh mai yếu đuối kia khi đang chức Trưởng Ban biên tập sách văn học của Nhà xuất bản đã mạnh dạn đề xuất lên lãnh đạo để có thể cho ra mắt những cuốn sách mà nội dung được coi như còn cấm kị ngày ấy Dấu ấn tên tuổi Nhà xuất bản Phụ Nữ qua những cuốn sách văn học được khẳng định gắn liền với sự tinh tế và bản lĩnh của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.
Nguyễn Thị Hồng trong trẻo, hồn hậu, có chút mềm yếu, đa cảm. Ngày gia đình chị ở Giảng Võ, một hôm đi làm về chị thấy một người đàn ông ăn mặc xộc xệch thấy chị đạp xe qua anh ta liền lao đến đầu xe của chị hỏi diều gì đó. Sợ quá, chị cứ thế dấn đạp xe thật nhanh. Về khu tập thể chị còn chưa hết bàng hoàng đem chuyện kể lại. Mọi người trong khu tập thể nói đó là một người ăn xin tính nết như không được bình thường. Nghe vậy Hồng ân hận để rồi chiều hôm sau chị qua chỗ đó nhưng không thấy, cả mấy hôm sau vẫn vào giờ đó chị cũng có ý chờ để biếu anh một ít tiền nhưng vẫn không thấy. Mọi người bảo chắc anh ta đi xin chỗ khác. Vậy nhưng vẫn làm Hồng ân hận, áy náy mãi như người chính mình là nguồi có lỗi.
Trong kỷ yếu Hội viên hội nhà văn Việt Nam, nói về nhà thơ Nguyễn Thị Hồng có ghi: ”Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1948. Quê quán Thái Bình”. Chị tốt nghiệp khoa ngữ văn Đại học tổng hợp Hà Nội, được nhận về Nhà xuất bản Phụ nữ và ở đây từ đầu những năm bẩy mươi của thế kỉ trước cho đến khi nghỉ công tác. Về hưu chị cùng gia đình định cư tại Hà Nội.
Nhưng có lẽ ít ai biết Nguyễn thị Hồng lại được sinh ra tại một xã miền núi huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Và hơn mười năm đầu đời chị đã cùng bố mẹ và người anh trai sinh sống tại đây. Đến tận bây giờ kí ức tuổi thơ của chị về con suối, dẫy núi, rừng cây điệp trùng đến những ngôi nhà sàn, các cô gái Tày khăn vấn, áo chàm, những người nông dân miền núi thật thà, chất phác ngày ngày cần mẫn, lưng dắt dao quắm, lên nương làm rẫy, cảnh núi rừng, đồi núi đẹp như tranh vẫn luôn sâu đậm trong tâm trí của chị.
Ngày công tác ở Nhà xuất bản Phụ nữ Nguyễn Thị Hồng đã gặp và làm quen với một chị cán bộ người dân tộc Tày tuổi đã cao quê tận Hà Giang, công tác ở Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Hai chị em tuy chênh lệch tuổi tác, khác dân tộc nhưng như duyên trời, lại hết sức gắn bó, thân thiết suốt mấy chục năm. Chị Kim Sinh không lập gia đình và lấy ngôi nhà của vợ chồng cô em kết nghĩa làm nơi hàng ngày qua lạị. Khi chị mất đi, vợ chồng Nguyễn Thị Hồng đã lập ban thờ ngay tại nhà mình để ngày rằm, mồng một, giỗ, Tết tiện hương hoa cho chị.
Hơn bốn mươi năm làm thơ, Nguyễn Thị Hồng xuất bản năm tập thơ: “Em ra đi”,” Biển đêm”,”Gọi thu”, “Những bông hoa thiên sứ”, “Cuộc bàn giao thế kỉ” - “Hồn khèn”... Thơ Nguyễn Thị Hồng thành công ở nhiều đề tài nhưng từ những cơ duyên kia mà những bài thơ viết về miền núi và các dân tộc thiểu số của chị lại rất ám ảnh, ấn tượng với người đọc. Có thể khẳng định, trước chị và sau chị chưa một nhà thơ nào viết nhiều và thành công trong mảng về miền núi và dân tộc như chị. Một đóng góp không hề nhỏ.
Một trong những bài thơ đầu tiên viết về miền núi của Nguyễn Thị Hồng là bài “Bình dị“ viết tại huyện Chư Pông, Kôn Tum tháng 11 năm 1983:
Em nguyên sơ như đất
Em nguyên sơ như cây
Em nguyên sơ như nắng
Giặc đến cây tự biến
Thành muôn ngàn mũi tên…
Bài thơ viết về người thật, việc thật nhưng như thể hiện về chính con người mình mà cũng qua đó như nói về sức sống cả một dân tộc.
Cũng trong năm 1983, trong chuyến công tác về huyện Sa Thầy, lần đầu tiên trong đời, Nguyễn Thị Hồng thấy tượng nhà mồ của người Gia Rai. Ngôi mộ như chỉ mới vừa được chuyển đi. Dấu tích còn lại là những bức tượng nhà mồ đứng trơ trọi trong giữa rừng đại ngàn. Trên từng thớ gỗ của gương mặt bức tượng hiện rõ nét u buồn, trầm tư và nỗi đau tử biệt sinh li muôn đời của kiếp người. Chị liên tưởng về sự sống, về cái chết như có liên hệ tiền định giữa những con người thực thể đang tồn tại với các vong linh người đã khuất: Và chị đã viết:
Về bài thơ này có nhà thơ cảm nhận: “Chỉ khi ý thức được bi kịch đầu tiên và mãi mãi cho sự sống của con người ta là cái chết, khi ấy con người mới biết sống đến tận cùng người. Và điều này thơ Nguyễn Thị Hồng đã có một “Lời tượng nhà mồ “tuyệt bút”.
“Một thoáng bản Tày” là bài thơ Nguyễn Thị Hồng viết về quê hương của chính người chị người dân tộc Tày kết nghĩa tại xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang:
Khi đọc cho ta như cho ta cảm giác được ngắm một bức tranh lụa phong cảnh miền núi êm đềm, thơ mộng, có cảnh, có người.
(Ảnh minh hoạ Internet)
Không giống những bài thơ trước, “Hồn khèn” là một trường ca gồm 739 câu mang một phong cách khác hẳn. Sức hấp dẫn của bản trường ca này là có thể đọc liền một mạch. Ý và chữ cứ đan xen, mời gọi. Đọc xong cảm giác như được tiếp cận với trường ca dân gian bất hủ: “Tiếng hát làm dâu”, áng thơ đã gắn liền với tâm hồn, tình cảm của người Mông.
Câu chuyện của “Hồn khèn” không mới. Thậm chí còn cũ. Chuyện tình yêu của một đôi trai gái Mông do hoàn cảnh chàng trai thì quá nghèo, gia đình cô gái lại muốn gả con cho một gia đình giàu có nên đôi trẻ đã bị ngăn cách, không đến được với nhau. Rồi cô gái phải đi lấy chồng theo lệnh mẹ cha. Tình yêu của đôi trai gái chỉ được nối lại mỗi năm một lần vào phiên chợ tình Khâu Vai. Và rồi cũng chẳng được mấy phiên.
Trong trường ca, thông qua một câu chuyện tình cụ thể, Nguyễn Thị Hồng giúp cho mọi người hiểu về xã hội người Mông, lịch sử người Mông, tính cách người Mông. Để viết nên được bản trường ca này, Nguyễn Thị Hồng khi còn công tác đã từng nhiều lần lên những vùng được coi là địa bàn cư trú lâu đời của người Mông ở nước ta như Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ… (Hà Giang), vào những năm 1972 và 1995, Bắc Hà, Sa Pa… (Lào Cai), vào năm 1992. Không chỉ chịu đi nhiều, mà chị còn được nghe nhiều, đọc nhiều và tiếp xúc nhiều với những người Mông ngay trên mảnh đất của họ nên cuộc sống con người, cảnh vật dường như đã ngấm vào chị.
Trường ca “Hồn khèn“ ra đời vào năm 2003. Không sống trong bối cảnh người Mông không thể có khái niệm quả ngoã mật, quả xẻn hay tống quá xu, hay mẻn mén, rau dớn… Các địa danh vùng cao thì nhiều người từng biết, từng nghe nhưng được tác giả đặt vào hoàn cảnh phù hợp thì lại vô cùng sống động, như: Tùng Vài, Quản Bạ, Mèo Vạc, núi Cô Tiên, Khau Vai… Những câu thơ ví von thấm đẫm dân ca, tục ngữ Mông. Chỉ là những đoạn tre trúc dài ngắn vô hồn nhưng khi được nhà thơ thổi tình cảm vào thì cây khèn kia sao có ma lực:
Từng có truyền thuyết yêu nhau có người hoá đá. Đã hay, nhưng kiên nhẫn ngồi đợi nhau đến đá phải mòn, đá phải lõm thì không phải truyền thuyết mà là thật. Những chữ dùng vậy, đọc mà bàng hoàng, mà nể sợ.
Hoặc khi đã phải đi làm dâu gia đình người mình không yêu thương, nhưng không thể cưỡng lại các tập tục, cô gái chỉ còn biết thở than:
Đọc mà ứa nước mắt thương đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau. Càng cảm thương hơn khi họ từng ước ao được luôn bên nhau mà không thực hiện được:
Thơ về miền núi, về các dân tộc thiểu số của Nguyễn Thị Hồng không phải đã nhiều. Nhưng tất cả đều hay, thật hay, để lại nhiều dấu ấn. Cái làm nên đặc sắc trong mảng thơ này là khi viết về dân tộc nào thì dường như văn hoá, lịch sử, cuộc sống của dân tộc đó như đã ngấm vào máu thịt chị. Cảnh vật, con người… qua chữ nghĩa, hình tượng, cứ hiển hiện rõ ràng trước mắt ta, không lẫn lộn. Những câu thơ lúc mạnh mẽ, quyết liệt khi dịu dàng, tha thiết đầy cảm thương, xẻ chia luôn hiện diện trong từng câu, từng chữ trong mỗi bài thơ của chị. Trong cách viết, tác giả cũng không câu nệ, gò bó, khi là một đoạn dài, lúc chỉ một chữ. Khi là thể lục bát, năm chữ, bẩy chữ, lúc là thơ không vần. Tưởng không nhất quán nhưng hoá chủ ý của người viết. Chữ nghĩa luôn đi theo cảnh, theo tình.
Qua những bài thơ trên cũng phần nào thấy được tài năng, tính cách và con người nhà thơ Nguyễn Thị Hồng.