Nhà thờ Đức Bà với "bí mật" ẩn giấu ở viên ngói

09/03/2022 20:05

Theo dõi trên

Nhà thờ Đức Bà đang trong những ngày gấp rút hoàn thiện việc tu sửa lại vẻ đẹp vốn có của mình. Từng góc đang dần lộ ra với màu đỏ của mái ngói, của viên gạch kỳ công đặt mua từ nước ngoài về.

nhatho1882-1641986170166863460752-1646831022.jpg
Nhà thờ Đức Bà năm 1882, nguồn ảnh: Manhhai flickr

Có cả ngói Pháp và ngói Sài Gòn ở mái nhà thờ Đức Bà?

Trong một bài viết của mình, TS. Nguyễn Đức Hiệp, người xuất bản nhiều sách về Sài Gòn xưa hé lộ: Năm 2004, khi tháo dỡ một số viên ngói bị hư ở Nhà thờ Đức Bà, TPHCM, người ta thấy có dòng chữ đề xuất xứ 'Wang-Tai Saigon' trên mặt các viên ngói. Kí hiệu Wang-Tai là gì? Để hiểu được điều này, ta hãy đi về quá khứ để tìm hiểu một phần lịch sử của Sài Gòn.

Nhiều bài báo trong nước từng cho rằng có thể các viên ngói trên Nhà thờ Đức Bà có ký hiệu 'Wang-Tai Saigon' được sản xuất tại Sài Gòn sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai để thay thế các viên ngói từ thời Pháp đã bị hư hại. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy. Chúng đã được sản xuất ở Sài Gòn khi Nhà thờ được xây từ năm 1877 đến năm 1880.

Qua các tài liệu ở cuối thế kỷ 19 ở Thư viện Quốc gia Pháp (Bibliotheque national), Wang-Tai (Vương Đại) là một nhân vật Hoa kiều sống ở Sài Gòn trong những năm đầu Pháp lấy các tỉnh miền Nam sau khi đánh chiếm Sài Gòn vào năm 1859. Vương Đại vốn nổi tiếng trong các tác phẩm viết về Sài Gòn của các tác giả người Pháp vì ông sở hữu ngôi nhà lớn và đẹp nhất ngay tại bờ sông ở cảng Sài Gòn (nay là bến Bạch Đằng).

Lúc bấy giờ, ngôi nhà đồ sộ này mang tên Maison Wang-Tai, được xây bằng gạch và còn lớn hơn cả dinh Thống đốc - vốn chỉ là một căn nhà gỗ được mua ở Singapore và ráp lại ở Sài Gòn. Năm 1880, ông đã bán lại ngôi nhà này cho chính quyền với giá 254.000 franc Pháp.

Vương Đại sinh vào tháng 12/1827 tại Trung Quốc. Ông đến khu Sài Gòn-Chợ Lớn lập nghiệp vào năm 1858, một năm trước khi Pháp chiếm Sài Gòn.

Ông là một thương gia rất giàu có và thế lực, từng giữ chức Bang trưởng Bang Quảng Đông tại Sài Gòn thời bấy giờ.

Từ nhà của Vương Đại về hướng cảng Sài Gòn, dọc theo rạch Bến Nghé là các xưởng làm gạch và ngói của ông. Trong các viên ngói đỏ hơn trăm năm tuổi trên nóc Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, có một số viên được làm từ các xưởng gạch của ông, số lớn còn lại là nhập từ Pháp.

Các xưởng gạch của ông sản xuất gạch tốt, phục vụ cho nhu cầu của người dân ở Sài Gòn và nhiều nơi trong khu vực Nam Kỳ thời đó. Trong cuộc triển lãm công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, sản phẩm gạch của ông đã giành được huy chương bạc. Ông cũng tham dự triển lãm quốc tế năm 1878 ở Paris với các sản phẩm đồ gốm được sản xuất ở Chợ Lớn.

Tim Doling là tác giả của cuốn sách hướng dẫn Khám phá Sài Gòn-Chợ Lớn-Di sản của TPHCM (Nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 2019) cũng viết về Vương Đại: Ông rõ ràng là một người giàu có, và đến những năm 1860, ông sở hữu hai nhà máy sản xuất gạch lớn và thành công bên bờ lạch Lò Gốm ở Chợ Lớn, dưới tên công ty là Briqueterie Wang-Tai. Công ty của ông đã cung cấp gạch và ngói để xây dựng một số tòa nhà dân sự lớn của Sài Gòn, bao gồm cả Nhà thờ Lớn.

nhathoducbadang-trungtu-1641986920718162665651-1646831063.jpg
Ngói Marseille của Pháp được nhập về để tu sửa nhà thờ, bên cạnh là ngói vảy cá của Đức). Ảnh: Sơn Trà

Đi tìm gạch, ngói, tôn ở Đức, Bỉ, Pháp để trùng tu

Khi công trình trùng tu bắt đầu sau khi được cấp phép vào năm 2017, Đức cố Tổng Giám mục Tổng giáo phận TPHCM Paul Bùi Văn Đọc đã quyết định cho nhập vật tư từ Pháp, Bỉ, Đức; cùng với tư vấn kỹ thuật đến từ các công ty châu Âu như Vmzinc, Monier (Pháp); Meyer-Holsen, Giruhuber, Handle, Quick Mix (Đức) qua trung gian Công ty Eurohaus là đại diện của các công ty trên tại Việt Nam.

Các công ty này đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc trùng tu các công trình cổ ở châu Âu, từ nhà thờ cổ đến các lâu đài xưa…

Để trùng tu Nhà thờ, ban trùng tu đã lặn lội đến tận những ngôi làng xa xôi ở Pháp tìm hiểu về loại tôn kẽm cổ xưa, để lợp lại 2 mái nhọn phía trên tháp chuông. Cuối cùng, loại tôn kẽm azengar và máng xối sản xuất tại Nhà máy Vmzinc (thuộc Tập đoàn Umicore, Bỉ) tại Pháp được chọn.

Và với quyết tâm tìm loại ngói mũi tên quý hiếm, Tổng đại diện Tổng Giáo phận TPHCM, linh mục Hồ Văn Xuân phải đến Hãng ngói Monier. Nhìn thấy ngói Marseille (ngói mũi tên) giống y hệt ngói cần lợp mái trên của nhà thờ, ông cho biết mừng không tả được.

Tháng 10/2016, linh mục Hồ Văn Xuân tiếp tục qua Đức, tìm hãng sản xuất ngói Meyer-Holsen để mua ngói vảy cá, đồng thời nhờ Công ty Eurohaus đặt hàng giúp ngói âm dương. Do phải làm khuôn riêng cho loại ngói âm dương quá hiếm và chỉ dành riêng cho Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn nên giá đắt hơn. Nhà thờ cũng quyết định nhập toàn bộ vữa từ Đức về sử dụng cho công trình đồng bộ.

anhtonggiaophansaigon-164198701992254752692-1646831100.jpg
Nhà thờ nhìn từ trên cao với mái ngói đỏ tuyệt đẹp. Ảnh: Tổng giáo phận Sài Gòn

Toàn bộ mái ngói Nhà thờ Đức Bà với khoảng 100.000 viên ngói được tháo dỡ để thay mới, với con số cụ thể như sau: Ngói mũi tên (ngói tây) của hãng Monier - Pháp (27.250 viên, bảo hành 30 năm) được sử dụng cho mái trên của nhà thờ.

Ngói âm dương (10.300 viên) và ngói vảy cá (86.000 viên) của hãng Meyer-Holsen - Đức (bảo hành 40 năm) được sử dụng cho mái dưới và các chóp (nằm phía giao lộ Lê Duẩn - Phạm Ngọc Thạch, Q.1) của Nhà thờ.

Chúng ta chờ đợi vẻ đẹp của Nhà thờ Đức Bà khi trùng tu xong, dự kiến vào năm 2025.

Nhà thờ Đức Bà xây năm 1877, hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Chiều 16/2/1959, Đức Hồng y Agagianian làm phép tượng Đức Mẹ tại quảng trường trước Nhà thờ nên từ sự kiện này, Nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà và quảng trường phía trước được gọi là Quảng trường Đức Bà Hòa Bình. Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng là công trình kiến trúc độc đáo theo kiểu Roman-Gothique, do kiến trúc sư người Pháp là Bourad thiết kế và thi công, nên hầu như tất cả vật tư, từ ngói, thép, gạch, bù loong, đinh vít… đều được nhập từ Pháp. Mặt ngoài của Nhà thờ xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, màu sắc cho tới giờ vẫn hồng tươi. Ban đầu Nhà thờ vẫn có sự khác biệt so với Nhà thờ hiện nay, khi chỉ có 2 tháp mái bằng có chiều cao 37 m và nhìn từ đằng trước, Nhà thờ Sài Gòn trông gần giống như Nhà thờ Đức Bà tại Paris. Điều đó đã làm dấy lên dư luận cho là Nhà thờ bị bắt chước thiết kế và không có nét kiến trúc đặc trưng. Vì thế, sau 15 năm mang dáng dấp tháp bằng, năm 1895 theo thiết kế bổ sung của Kiến trúc sư Fernand Gardes, Giáo hội đã cho xây thêm 2 gác chuông mái nhọn bên trên tháp bằng, mỗi gác chuông cao 20 m và thêm cây Thánh giá cao 3,5 m. Như thế tháp và gác chuông Nhà thờ đã cao tới 60,5 m, trở thành công trình Kiến trúc cao nhất thời bấy giờ./.

Theo chinhphu.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nhà thờ Đức Bà với "bí mật" ẩn giấu ở viên ngói" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.