Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục: "Cần phải viết lại Tiểu sử danh sĩ Vương Vụ Thành ở đời Trần"

19/04/2023 11:04

Theo dõi trên

Sách THƠ VĂN LÝ TRẦN, viết về tiểu sử Vương Vụ Thành, thì chưa biết ông sinh và mất năm nào, quê quán ở đâu. Chỉ biết dưới triều vua Trần Anh Tông (1276 - 1320), Vương Vụ Thành được bổ chức quan Học sĩ.

kien-truc-thoi-ly-1681876915.jpeg

Năm 1329, Vương Vụ Thành cùng với Nguyễn Sĩ Cố theo vua chinh phạt phía Tây. Nhưng trong cuộc hành binh này, Nguyễn Sĩ Cố không may thiệt mạng, còn ông may mắn sống sót trở về. Khi về qua ngôi miếu thờ thần ở ngã ba sông Bạch Hạc, ông có làm một bài thơ. Và đó cũng là bài thơ duy nhất của Vương Vụ Thành.

Chúng tôi thấy chú thích như vậy là một sự nhầm lẫn đáng tiếc. Có một điểm dễ thống nhất, cả Nguyễn Sĩ Cố và Vương Vụ Thành đều cũng đã từng làm quan to trong triều. Nguyễn Sĩ Cố nổi tiếng hơn, vì ông từng là thầy dạy cả hai anh em ông Phạm Mại và Phạm Ngộ (quê thị xã Kinh Môn ngày nay). Nguyễn Sĩ Cố cũng từng là thầy dạy vua Trần Nhân Tông.

Năm 1294, Nguyễn Sĩ Cố theo hầu vua Trần Nhân Tông đi chinh phạt phía Tây, tức vùng Tây Bắc nước ta giáp tỉnh Vân Nam Trung Quốc ngày nay. Cuộc chinh phạt lần này là đánh dẹp một số thế lực miền núi phía Tây chưa chịu theo giáo hóa của triều đình.

hoan-canh-ra-doi-cua-nha-tran-bo-may-nha-nuoc-thoi-tran-1681876972.jpg

Vua Trần Nhân Tông có mấy bài thơ viết về cuộc hành binh lớn lên phía Tây do chính vua làm Chủ soái. Nguyễn Sĩ Cố cũng có hai bài thơ viết trong chuyến đi này. Một bài TỤNG GIÁ TÂY CHINH YẾT TẢN VIÊN TỪ (Hộ giá nhà vua chinh phạt phía Tây, bái yết đền thờ Tản Viên). Một bài TỤNG GIÁ TÂY CHINH YẾT BẠCH HẠC GIANG HIỂN UY VƯƠNG TỪ (Hộ giá nhà vua chinh phạt phía Tây, bái yết đền Hiển Uy Vương bên sông Bạch Hạc).

Thực ra, cuộc chinh phạt này, Nguyễn Sĩ Cố không chết. Ông là quan Văn, bên cạnh vua, chứ không phải tướng Võ. Ông chỉ chết khi theo vua Trần Anh Tông (con vua Trần Nhân Tông) đi viễn chinh phương Nam, tức chinh phạt Chiêm Thành, vào năm 1312.

Ở cuộc chinh phạt phía Tây, do vua Trần Nhân Tông đích thân cầm quân là vào năm 1294, Vương Vụ Thành cũng có mặt trong đội ngũ quan Văn. Chính vì vậy, ông mới có bài thơ ĐỀ BẠCH HẠC MIẾU (Đề miếu Bạch Hạc). Có lẽ, cả hai ông Nguyễn Sĩ Cố và Vương Vụ Thành đều vào viếng miếu Thổ thần ở ngã ba sông Bạch Hạc, thành phố Việt Trì ngày nay. Bài thơ của Vương Vụ Thành đã nói rõ rằng: “Mười vạn quân lính hùng dũng như hùm beo làm nổi lên uy linh của nhà vua/ Khí thế áp sát thành trì giặc, phía ngoài biên giới cõi Vân Nam”. Xem thế đủ biết phần viết về tiểu sử của Vương Vụ Thành, cần phải chỉnh lý lại.

Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục
Bạn đang đọc bài viết "Nhà nghiên cứu Vũ Bình Lục: "Cần phải viết lại Tiểu sử danh sĩ Vương Vụ Thành ở đời Trần"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.