Nhà báo Đỗ Phượng - một cây bút được nể trọng

11/10/2017 15:30

Theo dõi trên

Ông Đỗ Kim Phượng - nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, một cây bút được nể trọng trong làng báo Việt Nam, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 87.

Dẫu biết ông đã ở ngưỡng tuổi đại thọ, lại mắc nhiều bệnh, nhất là bệnh tim từ mấy chục năm nay, nhiều người quen biết ông vẫn không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, khi biết tin ông đột ngột ra đi vào sáng 8/10/2017.
 

Nhà báo Đỗ Phượng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN, nguyên Tổng Biên tập Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) phát biểu. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Thế là người cuối cùng trong Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã thời chiến tranh đạn lửa, không chỉ chiến tranh giải phóng Miền Nam mà cả chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cũng đã về cõi vĩnh hằng.
 
Trong cuộc đời 87 năm, nhà hoạt động chính trị, nhà báo Đỗ Phượng, một cây bút được xếp vào hàng cây đa cây đề của làng báo Việt Nam, đã đi qua 4 cuộc chiến tranh và nhiều vị trí công tác để từ một thanh niên sớm giác ngộ chủ nghĩa Mác, hăng hái tham gia cuộc nổi dậy giành chính quyền tháng 8 năm 1945 ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) quê ông, trở thành Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VII), Đại biểu Quốc hội (khóa IX), người đứng đầu hãng thông tấn quốc gia, và đến khi nghỉ hưu vẫn “cháy” hết mình cho các hoạt động chính trị-xã hội với tư cách Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chủ tịch Hội sinh vật cảnh toàn quốc, Tổng biên tập tạp chí Hương Sắc. Ông đã học tập, làm việc và cống hiến suốt đời, chỉ chịu buông tay khi phải trút hơi thở cuối cùng do bệnh nhồi máu cơ tim.
 
Không kể những năm đảm trách công tác thông tin tuyên truyền của Đảng khi ông là Ủy viên thường trực Ban Tuyên truyền Liên khu ủy 3 (bao gồm Sở Thông tin và báo Cứu quốc) từ đầu những năm 1950, thì từ 1955 ông đã trực tiếp gắn với nghề báo khi được phân công làm chủ bút báo Cứu quốc (của Liên khu ủy 3) cho đến năm 1957. 
 
Sau 2 năm chuyên trách công tác Đảng ở nhà máy Liên hợp dệt Nam Định, rồi qua 2 năm học tập ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, ông được điều về Ban Tuyên huấn Trung ương làm chuyên viên rồi Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí từ năm 1962, và đến năm 1966 thì được điều về Việt Nam Thông tấn xã giữ cương vị Phó Tổng biên tập.
 
Kể từ đó, ông trở thành nhà báo chuyên nghiệp và với nhiều trọng trách được giao (Phó Tổng biên tập, Phó Tổng giám đốc TTXVN kiêm Chủ nhiệm-Tổng biên tập Báo ảnh Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, rồi Tổng giám đốc TTXVN), ông luôn toàn tâm, toàn ý, dốc hết công sức và trí tuệ, góp phần xây dựng và phát triển hãng thông tấn cách mạng ra đời cùng năm với nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
 
Bây giờ nhìn lại, chúng tôi vẫn nể phục Ban lãnh đạo Việt Nam Thông tấn xã thời chiến tranh chống Mỹ, trong đó có ông Đỗ Phượng. Tổ chức và điều hành thông tin thời chiến với bộn bề công việc khẩn trương, cấp bách, lại trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề, họ đã tỏ rõ được trí tuệ và bản lĩnh – cả bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp, để VNTTX thực sự là nguồn tin nhanh nhạy và tin cậy. Và cùng với họ là một lớp các nhà báo được tôi luyện qua gian khó và lửa đạn, trở thành những cây bút lão luyện và sắc sảo. Có thể nói đó là những thế hệ vàng của làng báo thông tấn.
 
Thời chiến tranh, VNTTX (nay là TTXVN) giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc thu thập, xử lý thông tin thời sự để cung cấp kịp thời cho các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, đặc biệt là thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kể cả thông tin phục vụ chỉ đạo chiến tranh. Với quyết tâm không để “đứt mạch” thông tin theo tinh thần chỉ đạo của Tổng giám đốc Đào Tùng, ông Đỗ Phượng là một trong những “kiến trúc sư” của kế hoạch “300% Thông tấn xã” để bảo đảm cho hãng thông tấn quốc gia có thể hoạt động liên tục trong mọi tình huống chiến tranh (bị đánh cơ sở thu phát tin này thì có cơ sở thu phát tin khác thay thế), đồng thời còn chi viện cho Thông tấn xã Giải phóng ở chiến trường miền Nam và các hãng thông tấn cách mạng ở Lào và Campuchia.
 
Ông Đỗ Phượng không phải là nhà báo “xa-lông” mà luôn lăn lộn trong thực tiễn. Năm 1973, ông đi chiến trường Quảng Trị. Khi nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1977-1978), ông vào Thành phố Hồ Chí Minh, đến các tình Tây Nam Bộ, trực tiếp nghiên cứu tình hình, xây dựng kế hoạch triển khai các đài thu phát vô tuyến và điều động phóng viên tin, ảnh đi các mặt trận, rồi sang Campuchia ngay trong năm đầu mới giải phóng, trực tiếp đảm nhiệm vai trò Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN giúp Thông tấn xã SPK của Campuchia.
 
Nhìn vóc dáng “mình hạc xương mai” của ông, thật khó hình dung ông lại có thể lăn lộn được với thực tiễn cuộc sống gian khổ như thế.
 
Mấy chục năm hoạt động báo chí đầy nhiệt huyết của ông đã được “nén” trong tác phẩm “Nghề báo Những kỷ niệm khó quên” dày gần nửa nghìn trang viết mà ông cho ra mắt bạn đọc năm 1998, thể hiện nỗi đau đáu suốt đời của một người làm báo thông tấn là sự cẩn trọng và độ nhạy bén nghề nghiệp để đạt được mục tiêu cuối cùng là chất lượng và hiệu quả thông tin.
 
Hơn 70 năm sống và công tác với trách nhiệm của một người cộng sản, ông đã tạo được một phong cách riêng trong lối làm việc và một văn phong riêng trong lối viết, không lẫn với ai. Đó là phong cách Đỗ Phượng, văn phong Đỗ Phượng.
 
Khiêm nhường là tính cách nổi bật của nhà báo Đỗ Phượng. Nhiều lúc ông tâm sự rằng hồi làm Phó Tổng biên tập và Phó Tổng giám đốc TTXVN, ông không chỉ làm Phó cho Tổng biên tập, Tổng giám đốc Đào Tùng, mà còn làm phó cho các Phó Tổng biên tập, Phó Tổng giám đốc khác như Trần Thanh Xuân, Lê Chân, Hoàng Tư Trai, Lý Văn Sáu, Phạm Dân, Đỗ Văn Ba …mà ông luôn coi là các bậc đàn anh.
 
Ồng sống và làm việc đơn giản, không quan cách, không phô trương, không cầu kỳ, nhưng táo bạo và hiệu quả. Nhiều chủ trương công tác, có cả những chủ trương liên quan đến tổ chức bộ máy và cán bộ, đã bất chợt nảy ra trong đầu ông từ một chuyến công tác, thậm chí có lúc ở trên máy bay hay trong khách sạn. Người ta có cảm giác lúc nào bộ óc của ông cũng làm việc, lúc nào cũng suy nghĩ để nảy ra những sáng kiến. 
 
Thực tế, không ít quyết sách do ông đưa ra đã giúp TTXVN vượt qua được rất nhiều khó khăn, thiếu thốn ở thời kỳ nước ta bị bao vây, cấm vận sau chiến tranh. Từ một nhà báo chuyên làm báo viết, được phân công kiêm Chủ nhiệm-Tổng biên tập Báo Ảnh Việt Nam, một tờ báo đối ngoại chuyên về ảnh, ông đã nhanh chóng đưa tờ báo vươn ra khắp thế giới bằng nhiều thứ ngữ nhất trong giai đoạn đó, không chỉ in tại Việt Nam mà còn in cả ở Liên Xô, Cuba và Lào. 
 
Nhà báo Đỗ Phượng và đồng nghiệp của ông trong Ban lãnh đạo TTXVN thời bao cấp là những người có tầm nhìn xa, với khả năng dự báo bằng tư duy nhanh nhạy và táo bạo mà nếu không có tầm nhìn và tư duy ấy, TTXVN khó tranh thủ được thời cơ để phát triển. Tầm nhìn ấy trước hết thể hiện trong công tác cán bộ để tạo nguồn nhân lực không chỉ phục vụ nhu cầu trước mắt mà cả lâu dài. Lớp phóng viên GP10 với hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường đại học được đào tạo nghiệp vụ thông tấn năm 1973 cho Thông tấn xã Giải phóng là một ví dụ. Chính những lớp cán bộ phóng viên này đã trưởng thành và trở thành lực lượng nòng cốt bảo đảm sự phát triển liên tục và bền vững cho TTXVN đến ngày nay.
 
Tầm nhìn ấy còn là sự nhanh nhạy chớp lấy mọi thời cơ để phát triển. Nhà máy in của TTXVN (bây giờ là Công ty in ITAXA danh tiếng) ở Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng từ đầu những năm 1980, khi giấy in phải “ăn đong từng bữa,” rồi các ấn phẩm báo chí vang bóng một thời như Tin nhanh Espana 82, tiếp đó là Tuần tin Văn hóa, thể thao quốc tế (tiền thân của báo Thể thao và Văn hóa ngày nay), Tuần Tin tức và Tuần tin Khoa học kỹ thuật và Kinh tế thế giới lần lượt ra mắt bạn đọc trong hai năm 1982 và 1983, hoặc việc TTXVN tự nghiên cứu, lắp ráp thành công chiếc máy vi tính đầu tiên năm 1984... là những ví dụ điển hình về thành công của những quyết sách táo bạo và sáng tạo của Ban lãnh đạo TTXVN hồi đó mà ông Đỗ Phượng là một trong những gương mặt điển hình. 
 
Chưa hết, chỉ với ông Đỗ Phượng, một người táo bạo, bỉết nhìn người và biết dùng người, thì những chuyên gia chế bản dày dạn kinh nghiệm từng làm việc dưới chế độ Sài Gòn mới có được chỗ đứng trong một nhà máy in của Thông tấn xã cách mạng. Thực tiễn đã chứng minh quyết định dùng người của ông là đúng. 
 
Tuy sống đơn giản, thậm chí nhiều lúc xuề xòa, nhưng ông Đỗ Phượng lại là người cực kỳ tinh tế và ý nhị trong giao tiếp với bạn bè quốc tế, để lại nhiều ấn tượng khó quên trong lòng họ, nhất là với các đồng nghiệp Liên Xô, Cuba, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ và Nhật Bản.
 
Là một nhà báo mẫn tiệp và uyên bác, ông duy trì được sức viết đáng nể. Những năm gần đây, khi đã ngoại bát tuần, ông vẫn say mê viết và thường viết rất dễ dàng. Những con chữ, cứ như thể được lập trình sẵn trong đầu ông, theo ngòi bút chảy dài trên trang giấy. Có những bài báo dài cả trang A3, theo một “đơn đặt hàng” khẩn, ông viết liền một mạch, trong một vài giờ là xong. Ông không dễ dãi nhưng cũng chẳng cầu kỳ lựa chọn câu chữ; mạch văn lúc nào cũng khúc chiết, theo một lối viết riêng, tạo được sự cuốn hút. Những người quen đọc ông, thường nhận ngay ra văn phong của ông mà không cần nhìn tên tác giả.
 
Rồi đây, bao nhiêu thứ thuộc về ông sẽ theo ông về cõi vĩnh hằng. Nhưng phong cách Đỗ Phượng, văn phong Đỗ Phượng và những đóng góp to lớn của ông cho TTXVN và cho nền báo chí nước nhà sẽ còn mãi trong bộ nhớ của nhiều người yêu quý ông.
 
Xin vĩnh biệt ông, một cây bút được nể trọng trong làng báo Việt Nam!
 
Nguyễn Quốc Uy
Nguyên Tổng giám đốc TTXVN 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà báo Đỗ Phượng - một cây bút được nể trọng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.