Nguyễn Sư Hồi - Người “khai ấp lập làng, mang gươm đi mở cõi”

27/06/2024 07:59

Theo dõi trên

Ngày 26/6 (tức ngày 21/5 năm Giáp Thìn), tại Đền Vạn Lộc (phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An) diễn ra Lễ kỷ niệm 547 năm ngày huý kỵ của Thái Úy Quận công Nguyễn Sư Hồi (1477 – 2024).

z5576723699314-28da1eb50056a707634606ddff241957-1719406764.jpg
Đền Vạn Lộc - Chứng tích thiên cổ. Ảnh: Nguyễn Diệu 

Nẻo về phường Nghi Tân (TX Cửa Lò, Nghệ An) là nẻo về tất thảy giá trị xưa cũ, đượm hơi thở của thời đại, giá trị lịch sử ẩn giấu sau câu chuyện người “khai ấp lập làng, mang gươm đi mở cõi” - Nguyễn Sư Hồi, con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí. 

Là một đại thần thời Lê, Nguyễn Sư Hồi (1444 - 1506) là con trai của công thần Nguyễn Xí. Ông từng giữ chức vụ chỉ huy lực lượng thủy quân Đại Việt ở phía Nam, có công lớn trong việc khai hoang lập ấp, giữ vững biên cương, được tôn làm Thành hoàng làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). 

Theo tài liệu gia phả và thần phả đền Vạn Lộc, Nguyễn Sư Hồi nguyên tên là Đình Khôi, do thân phụ được ban quốc tính nên sử có lúc chép tên là Lê Sư Hồi, sinh ngày 26 tháng Năm (âm lịch) năm Thái Hòa thứ 2 (1444), triều vua Lê Nhân Tông. 

Cũng theo Thần phả đền Vạn Lộc và một số tài liệu lịch sử địa phương, vào khoảng năm 1469, ông được giao chỉ huy lực lượng thủy quân làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển phía Nam Đại Việt, gồm 12 cửa lạch (Thập nhị hải môn) kéo dài từ cửa biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) vào đến Cửa Tùng (Quảng Trị).

so-ket-cong-doan00-15-20-07-1719406910.jpg
"Tiền Gấm thủy, hậu Lô sơn/ Đông Long triều, Tây Tượng phục”. Ảnh: CuaLo

Khi vào trấn nhậm, ông đã chọn vùng cửa Xá cạnh làng Thượng Xá quê hương làm đại bản doanh. Ông cũng cho xây dựng một tuyến phòng thủ ven biển dài từ mũi Gươm đến đồn tiền tiêu nhằm phóng giữ các cuộc tấn công của quân Chiêm Thành. Ông cũng quan tâm phát triển kinh tế, chiêu tập dân cư, dùng các tù binh để khai phát đất đai, đắp đê ngăn mặn, khai hoang lập ấp, lập nên làng Vạn Lộc.

Cửa Xá là nơi sông Cấm đổ ra biển. Từ cửa Xá, theo đường thủy, thuyền đi ngược dòng sông Cấm lên phía Tây Nam là kênh Kẻ Gai, kênh Chính Đích, rồi gặp sông Lam; từ đó, ngược dòng sông Lam đi lên nữa là các huyện miền Tây Nghệ An. Bao bọc cửa Xá, ba bề, bốn bên là núi. Phía hữu ngạn cửa Xá, là dãy Tượng Sơn cao trên 200m; phía tả ngạn, là ngọn Kiếm Sơn; sau lưng, là hòn Động Đình; phía trước mặt là dãy Hoàng Lao...

Các ngọn núi này như những bức tường thành tự nhiên che chắn cho Cửa Xá. Cửa Xá cũng từng là địa giới giữa hai huyện Chân Lộc và Hưng Nguyên trong lịch sử. Và câu chuyện mà Thái uý quận công Nguyễn Sư Hồi lập ra làng Vạn Lộc đến nay nhân dân vẫn lưu truyền với lòng tôn kính ngưỡng vọng.

so-ket-cong-doan00-15-16-04-1719406750.jpg
“Vạn Lộc” là tên chữ của làng được Nguyễn Sư Hồi đặt với một ý nghĩa hết sức lớn lao đó là “muôn lộc đổ về đây”. Ảnh: CuaLo

Với tấm lòng trung nghĩa, yêu dân như con, ông đã dồn hết tâm sức để xây dựng, phát triển vùng đất Cửa Xá, biến mảnh đất cằn cõi hoang sơ thủa ban đầu thành một địa bàn dân cư sầm uất, có tên gọi là làng Hải Ngung. Vào khoảng năm 1493, làng Hải Ngung đổi thành làng Hải Giang. Về sau đổi thành làng Vạn Lộc và duy trì tên gọi này cho tới sau cách mạng tháng Tám, năm 1945. “Vạn Lộc” là tên chữ của làng được Nguyễn Sư Hồi đặt với một ý nghĩa hết sức lớn lao đó là “muôn lộc đổ về đây”. Cũng từ mong muốn đó mà Nguyễn Sư Hồi đã đặt nền tảng đưa vùng đất này trở thành một làng quê trù phú giàu truyền thống lịch sử văn hoá và trở thành một trong những vùng đất văn hiến của xứ Nghệ.

Theo thần phả, ông qua đời ngày 21 tháng Năm (âm lịch) năm Thái Trinh thứ 3 (1506), triều vua Lê Túc Tông, tại vùng Cửa Xá. Ông được truy phong tước "Thái bảo phò mã đô úy tham dự triều chính".

Hàng năm, cứ vào ngày 21/5 âm lịch, nhân dân Cửa Lò lại tổ chức Lễ giỗ nhằm tưởng nhớ, ngưỡng vọng công lao to lớn của Ông. Đông đảo nhân dân đã đến dâng hương tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với vị Thành hoàng làng Vạn Lộc.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Sư Hồi - Người “khai ấp lập làng, mang gươm đi mở cõi”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.