Đền Vạn Lộc - Chứng tích thiên cổ (Bài cuối)

22/01/2021 21:19

Theo dõi trên

“Chí bền Long giang, muôn dặm phong lôi lừng Xá Hải/Đề tên thanh sử, nghìn năm hương hỏa rạng Lô Sơn”...



Đền Vạn Lộc là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô, có giá trị kiến trúc, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Trải qua bao nhiêu biến cố thời gian, lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nhiều giá trị về mặt kiến trúc và lưu giữ nhiều hiện vật quý. Đền được xếp hạng là Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia (QĐ số 1057 ngày 14/6/1991 - Lễ hội đón nhận bằng được tổ chức vào ngày rằm tháng 6 âm, tức tháng 7/2001).

Hùng thiêng một cõi

Nguyên xưa đền Vạn Lộc đặt ở Lum Cò (nay là bến cảng số 1) đền được xây trên một mặt bằng kiểu “Tiền miếu hậu mộ” (tức là đền phía trước mộ phía sau). Đền lúc đó gồm ba tòa: Hạ - Trung - Thượng. Đền nằm giữa vườn cây rậm rạp, có nhiều cò, vạc, quạ… đến đây trú ngụ và làm tổ. Đến thời Nguyễn do mưa gió, bão lụt, do biến động lịch sử nên Đền bị hư hỏng mất nhà Thượng điện. Hai Đền Vạn Lộc là công trình kiến trúc cổ kính, quy mô, có giá trị kiến trúc, được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng.

Trải qua bao nhiêu biến cố thời gian, lịch sử, ngôi đền vẫn giữ được nhiều giá trị về mặt kiến trúc và lưu giữ nhiều hiện vật quý. Đền được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia (QĐ số 1057 ngày 14/6/1991 - Lễ hội đón nhận bằng được tổ chức vào ngày rằm tháng 6 âm, tức tháng 7/2001).


Đền Vạn Lộc có 3 tòa thượng, trung, hạ điện, mỗi tòa 3 gian, mái ngói mũi hài, nóc đắp hình hai rồng chầu mặt trời. Trong khuôn viên còn có đền thờ 3 cha con Quận công họ Nguyễn, có bia đá 4 mặt được dựng từ thời Lê Trung Hưng; có bia ghi công của danh y Phạm Đức Dụ; có mộ cá Ông và một số cây bàng cổ thụ hơn 500 tuổi.

Trung điện xây cất sớm nhất, thời Lê. Sau vài lần trùng tu, nay được sửa sang tôn tạo, ngôi đền nhìn ra sông Cấm này khá bề thế, lưu giữ trên rường, bẩy, đồ thờ... nghệ thuật chạm trổ đặc sắc của miền biển các thời Lê, Nguyễn. Cổ vật quý hiếm là hai ngai thờ, hai bộ song kiếm, cùng bộ bát bửu (8 loại binh khí) chạm trổ tinh vi, sơn son thếp giữ được từ thời Lê, bên cạnh những lư hương, hạc chầu... đồng đen đầu thời Nguyễn. 

Trung điện, phía trái có hai long ngai thờ hai vị Thành hoàng (Đông vị chính thần và Tây vị chính thần). Hồi phải đặt 4 long ngai, thờ 4 vị thần: Chánh Ngự y Phạm Đức Dụ và ba cha con Quận công họ Nguyễn. Tòa này có các đại tự, câu đối cổ, giá trị, tiêu biểu như: “Hoan miếu thiên thu lưu thánh bút/ Hải trình nhất mộng hiến thần công”.

Nhà thượng điện còn lưu giữ được những đường nét cổ kính cả về chất liệu xây dựng, phong cách cấu trúc và sự bài trí trong nội thất. Kiến trúc nhà kiểu tứ trụ, có 3 gian, 4 vì, 2 đốc, gồm 16 cột gỗ, 20 xà, hạ bằng gỗ quý... Mái lợp ngói vảy, mũi hài. Trần nhà gian giữa lát ván gỗ, vẽ hình rồng, hoa văn tứ linh, tứ quý... Trên khám thờ có đặt long ngai thờ hai vị chính thần của đền. Gian bên trái thờ Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, gian bên phải thờ Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi. Đây là các vị thần tiêu biểu trấn giữ miền sông biển của xứ Nghệ. Chiêu Trưng Vương Lê Khôi được thờ chính ở Cửa Sót, trên núi Long Ngâm, còn Nguyễn Sư Hồi được thờ chính tại đền Vạn Lộc, là chính nơi ông có công chiêu dân khai hoang lấn biển lập ra các làng xã Vạn Lộc, Tân Lộc...
 


Hễ đến ngày rằm nguyên tiêu và ngày 30/4, 1/5 đều tổ chức lễ hội tại đền, cứ 3 năm một lần vào năm “Hỏa” (Tý, Ngọ, Mão, Dậu) lại có lễ hội lớn, khang trang là Lễ hội cầu phúc, còn gọi là Lễ cầu yên.

“…. Nghĩa khí ngàn năm ghi nhớ”

Thần vị Nguyễn Sư Hồi được ghi như sau: Đương cảnh Lê tổ hoàng thân tham dự triều chính, Võ mục lê công trị quân dân sự, tiến chinh tặc, đương môn vị quí sở hữu huân lao tiến Nhập nội Tư mã, tham dự triều chính, trung dũng hồng phong, gia tặng Quảng trạch thông minh chính trực đại vương, gia tặng Tuấn lương tôn thần, tân tặng Dực bảo Trung hưng tôn thần, tái gia phong Trung đẳng thần, vị tiền. Về sau ngài được phong là Phúc thần và Thượng đẳng thần.

Sau khi Nguyễn Sư Hồi mất (năm 1506), ngoài việc cho lập đền thờ ở làng Vạn Lộc, để nhân dân nhớ ơn, quanh năm thờ cúng, các triều vua đều có sắc phong cho Thần Bản cảnh Thành hoàng. Tiêu biểu như sắc phong: Sắc Nghệ An tỉnh, Nghi Lộc huyện, Vạn Lộc xã, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh Thành hoàng Tây phương tôn thần, hộ quốc, tý dân nậm trước linh ứng tiết mông ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự, tứ kim chính trị, Trẫm tứ tuần đại khánh, tiết kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trước gia tặng túy mục Thượng đẳng thần đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai! Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật. Dịch: Ban sắc cho vị thần ở làng Vạn Lộc, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An phụng thờ vị thần: Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh Thành Hoàng Tây phương tôn thần, đã giúp nước, giúp dân có linh thiêng rõ rệt, đã có tiết chế phong sắc và chuẩn y việc tế tự. Nay khánh tiết 4 tuần của Trẫm (vua 40 tuổi) bèn ban bảo chiếu đến ơn sâu, dâng lên phẩm trật lễ nghi long trọng, nên ban tặng là Túy mục Thượng đẳng thần, đặc chuẩn phụng thờ. Hãy nghe theo! Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9.
 



Đặc sắc lễ, hội đền Vạn Lộc

Hàng năm, lễ hội du lịch sông nước Cửa Lò được tổ chức đều có rước long ngai, bài vị Thần Nguyễn Sư Hồi ra bãi tắm Cửa Lò để mở đầu lễ khai mạc. 

Hễ đến ngày rằm nguyên tiêu và ngày 30/4, 1/5 đều tổ chức lễ hội tại đền, cứ 3 năm một lần vào năm “Hỏa” (Tý, Ngọ, Mão, Dậu) lại có lễ hội lớn, khang trang là Lễ hội cầu phúc, còn gọi là Lễ cầu yên.

Phần lễ ở đền Vạn Lộc có lễ tẩy trần, lễ rước... Lễ rước thần ở đền Sư Hồi có đặc thù riêng là đoàn rước trên đường đi một vòng quanh làng có dừng tại các nhà thờ dòng họ. Các họ phải tết cổng chào đón thật đẹp, có bày hương án, bài vị, sắc phong, hương, hoa quả, phẩm, đèn, sáp để bái vọng thần. Đoàn rước đến trước từng hương án thì dừng lại, để đại diện dòng họ dâng hương làm thủ tục kính cẩn bái chầu, cầu xin phúc lộc của thần linh, trong khi đó đội múa lân biểu diễn nghênh trò, đội trống tưng bừng thể hiện nghệ thuật múa đánh trống và đi như thế đến hết các điểm để trở về đền Sư Hồi. Đoàn rước trở về, làm lễ yên vị, trả các đồ tế khí, vật dụng… vào các vị trí cũ.

Đại lễ được tiến hành từ khoảng 19 đến 20 giờ cho đến hết các thủ tục của lễ. Ban tiến hành lễ nghi gồm có 1 chủ tế, 2 bồi tế, 10 chấp sự (quần hiến), mỗi bên 5 người, hai đội trống chiêng chia hai bên nhà bái đường, đội bát âm... Phần thủ tục và các bước tiến hành nghi thức tế lễ thì cũng tuân theo các quy định truyền thống và kịch bản xây dựng từ trước. Xong phần đọc văn chúc, là lễ đọc Thúc ước văn của làng.

Phần hội kéo dài trong 3 ngày, từ 14 đến 16/1 (âm lịch), có các hoạt động văn nghệ, thể thao, cắm trại và các trò chơi dân gian như đánh cờ người, kéo co, chọi gà...

Làng Vạn Lộc, Tân Lộc từ một vùng đất bồi bãi hoang vắng của trại Cây Bàng được nhiều thế hệ cư dân với công sức, trí tuệ, mồ hôi, máu và nước mắt đã kế tiếp nhau khai hoang, lấn biển, không ngừng bồi trúc, mở mang kinh tế để xây dựng nên một vùng đất văn hiến trọn vẹn “Văn dành đỉnh bút, võ chiếm đề đao, nền y học chưa nơi nào sánh kịp” (Văn có Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, Phó bảng Hoàng Văn Cư; võ có Quận công Nguyễn Sư Hồi và ba cha con Quận công họ Nguyễn là Chân Trường, Phúc Thọ, Chân Diễn; y học có Chánh Ngự y Hoàng Nguyên Lễ, Hoàng Nguyên Cát và Phạm Đức Dụ...). Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, các thế hệ cư dân nơi đây đã góp công, góp của và cả tấm lòng tri ân thành kính của mình xây dựng nên nhiều công trình tưởng niệm các bậc tiền nhân.

Soi mình xuống dòng sông Cấm thơ mộng, đền Vạn Lộc sừng sững, hiên ngang bên “nhân sơn quần tụ”. Là danh thắng cần được quảng bá rộng rãi đến cho du khách thập phương, để du lịch Cửa Lò không chỉ gói gọn trong việc ăn uống, nghỉ ngơi, tắm biển, mà đó còn là du lịch tâm linh. 

“Dạo gót thử trông xem: Kìa Ngư Thủy, nọ Lô Sơn, vui thú đâu hơn quê quán cũ/ Cầm tay xin nhắc lại: Kẻ lan tôn, người quế tử, vun trồng xin nhớ cội cành xưa” (Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhu, người làng Vạn Lộc).

Nguyễn Diệu

Bạn đang đọc bài viết "Đền Vạn Lộc - Chứng tích thiên cổ (Bài cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.