Nguyễn Diêu - Một bi kịch thầm lặng

16/07/2019 15:51

Theo dõi trên

Tôi đã rất cảm động thấy Nguyễn Diêu có người trò là Đào Tấn và Đào Tấn có người thầy là Nguyễn Diêu.

124235325355346-1650787962.png

1. Tôi rất buồn vì điều kiện tuổi cao sức yếu, không thực hiện được điều mong mỏi lớn nhất của tôi trong năm vừa qua là tham dự cuộc hội thảo về Nguyễn Diêu, một văn hào mà lịch sử văn học Việt Nam hầu như bỏ quên.

Bao lần về Bình Định, tôi đều đến nhà thờ của Đào Tấn để thắp hương bày tỏ tấm lòng vô cùng mến mộ cụ. Trong bài tôi phát biểu năm ấy về Bình Định và Đào Tấn, tôi chỉ mới biết rằng Đào Tấn có một người thầy.

Lần này tôi may mắn được đọc cuốn sách vô cùng quý báu của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Ông đã nghiên cứu công phu và giới thiệu đầy đủ về con người và tác phẩm của cụ Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu, người thầy của Đào Tấn. Chưa có quyển sách nào mà tôi đã dành nhiều thời gian để đọc đi đọc lại, nghiền ngẫm từng câu, từng chữ như cuốn sách này. Tôi nhận thấy một điều thiếu sót to lớn của Văn học sử Việt Nam và cả Tổng tập Văn học Việt Nam gồm 42 cuốn đã không có tên và bài nào của Nguyễn Diêu.

Quyển sách của Vũ Ngọc Liễn đã đánh dấu một mốc lịch sử quan trọng trong việc phát hiện và tôn vinh một nhà văn mà vị trí phải ở ngang hàng với những nhà văn lớn của dân tộc. Cuộc hội thảo hôm nay sẽ cực kỳ quan trọng vì lẽ ấy.

Bao năm tôi nghiền ngẫm, mến phục và viết một số bài về Đào Tấn, tôi biết rằng ông có một người thầy mà ông rất quý trọng. Nhưng người thầy ấy là ai, tôi chỉ ghi được một câu ngắn ngủi trong bài viết của tôi: “Ông được một người đỗ Tú tài, lại giỏi về nghệ thuật tuồng dạy dỗ”. Người thầy ấy đến tận ngày nay tôi mới biết. Đó là cụ Tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu. Tôi đã rất cảm động thấy Nguyễn Diêu có người trò là Đào Tấn và Đào Tấn có người thầy là Nguyễn Diêu.

2. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã mở đầu cuốn sách của mình bằng bài thơ của Đào Tấn khi về thăm mộ của thầy mình. Càng đọc tôi càng thêm xúc động:

Thu khí bán sơn hoàn mộ cổ
Xuân phong nhất nguyệt ức tiên sinh
Càn khôn nộn tán quy lai vãng
Không phụ ngô sư hối nhữ tình

Đọc thơ có thể hiểu “xuân phong nhất nguyệt” là gió xuân ngày đầu năm. Nhưng tôi muốn hiểu chữ nhất nguyệt đó là một vầng trăng. Tôi tưởng tượng rằng Đào Tấn về thăm mộ của thầy vào ban đêm trong lúc sương mờ đã phủ trên đầu núi, ngọn gió xuân thổi nhẹ dưới một vầng trăng lạnh lẽo và cô đơn. Ông âm thầm tưởng nhớ thầy mình và ân hận rằng đã chẳng theo ý kiến của thầy là sớm rời bỏ cảnh mục nát trong giới quan trường. Sao mình đã không theo được ý thầy, không được như Đào Tiềm, sớm đọc bài: “Quy khứ lai từ” rồi bỏ quan mà về? Ông tự coi mình là đã phụ lời dạy của thầy. Ông tưởng từ đây sẽ theo được gương ẩn dật của thầy.

Thời thế đã không chiều ông. Việc đời lại lôi cuốn ông. Ông lại buộc phải ra làm quan. Để không phụ lời thầy dạy dỗ, ông quyết trở thành một ông quan thanh liêm, yêu nước thương dân.

Về nghệ thuật tuồng, ông nguyện nối nghiệp thầy, tiếp tục sáng tác và trực tiếp chỉ đạo những buổi diễn tuồng của ông. Dựa vào ưu thế của tuồng Bình Định và điều kiện thuận lợi tại cung đình, ông đã không ngừng phát triển và nâng cao nghệ thuật tuồng mà thầy ông là Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu đã mở đầu và ông tiếp nối.

3. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã giới thiệu và in nguyên văn ba tác phẩm tuồng hát bội:

a. Ngũ hổ bình liêu dài 225 trang, ghi lại mối tình của cặp uyên ương cả hai đều tài sắc.

b. Tập Liệu đố (chữa bệnh ghen) dài 113 trang, ca ngợi đạo đức ứng xử trong gia đình một chồng nhiều vợ.

c. Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô, vở tuồng chỉ gồm có 46 trang lại là công trình tuyệt tác nhất của Nguyễn Diêu. Nội dung vở tuồng đã gây nhiều xúc cảm và suy tư cho đông đảo độc giả, khán giả và được nhiều bậc trí giả ưa thích, ngợi ca. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn có giới thiệu 3 bài thơ của 3 nhà thơ: Nguyễn Thị Hồng Ngát, Văn Trọng Hùng và Hoàng Kim Dung. Ba bài đều gây xúc động qua những lời chân tình và những suy nghĩ sâu sắc về con người và số phận của Hồ Nguyệt Cô. Tôi nghĩ những bài thơ ấy đã một phần nào nói lên lòng yêu thương sâu sắc của Nguyễn Diêu dành cho Nguyệt Cô. Nguyệt Cô là một con cáo đã trở thành người qua ngàn năm tu luyện. Con người trinh nguyên này trong thuở hoang sơ chưa nhiễm phải những lễ giáo phong kiến, những xiềng xích mà con người tự đặt ra để trói buộc mình. Nguyệt Cô đã sống kiếp con người, với tính chất hồn nhiên, với vẻ đẹp bẩm sinh và tình yêu mãnh liệt, với những nhu cầu tất yếu của con người thực sự là người. Không ngờ sự ngây thơ trong trắng của Nguyệt Cô đã bị chà đạp lên một cách tàn nhẫn bởi những kẻ sống như con vật lại cứ tưởng mình là “người”, Tiết Giao đã đoạt lấy viên ngọc bảo mệnh của Nguyệt Cô và Võ Tam Tư đã sát hại Nguyệt Cô, một ngườì vợ bao lần chiến đấu bảo vệ chồng.

Nguyễn Diêu đã từng yêu tha thiết Nguyệt Cô của ông. Ông cũng đoạt cả tuổi trẻ và sắc đẹp của nàng, để lại một đứa con trong bụng nàng rồi bỏ ra đi, để cuối cùng nàng phải đâm đầu xuống sông tự tử.

Việc xảy ra đã để lại trong lòng ông nỗi ân hận không bao giờ nguôi. Người đời truyền đi câu chuyện về mỗi lần ông đi thi đến có oan hồn của người yêu cũ đến ám ảnh ông, khiến nhà văn tài giỏi như ông không viết nổi bài thi của mình. Tôi nghĩ rằng, sự ám ảnh này không chỉ ở lúc ông đang thi mà nó theo ông suốt cả cuộc đời, để suốt đời ông, mỗi lần cầm bút viết tuồng thì sự ám ảnh của người yêu đã trở thành một giọt nước mắt hay một giọt máu dưới ngòi bút của ông.

Trong suốt vở tuồng 46 trang của ông, nỗi ân hận suốt đời của ông đã trở thành một mặc cảm, coi hành động của Tiết Giao đoạt ngọc và Vũ Tam Tư trảm Nguyệt Cô như hành động của chính mình đối xử với người yêu của mình.

Vì những lẽ trên mà khi đọc “Võ Tam Tư trảm Nguyệt Cô”, tôi càng xót xa trước những hành động đã day dứt trái tim và khối óc ông trong suốt cuộc đời.

Vở tuồng ngắn gọn này của ông, chính là bản thân ông, là những suy tư sâu kín của ông, là tâm sự của ông gửi lại cho chúng ta, là tấn bi kịch thầm lặng của ông.

Viết xong bài này, tôi xin thắp nén hương thơm, hướng tới anh linh một vị văn hào mà tôi vô cùng ngưỡng mộ.

GS Vũ Khiêu
Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Diêu - Một bi kịch thầm lặng" tại chuyên mục Đất & Người. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.