Người Sán Dìu tham gia nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

09/08/2016 09:14

Theo dõi trên

Ngày 8/8/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức lễ kết nạp thành viên, công bố thành lập và bổ nhiệm Ban giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu (Trung tâm văn hóa Sán Dìu).


Ngày 8/8/2016, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức lễ kết nạp thành viên, công bố thành lập và bổ nhiệm Ban giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu (Trung tâm văn hóa Sán Dìu).

Sau một năm tổ chức hoạt động, với thành viên là người dân tộc Sán Dìu (thuộc 6 tỉnh/thành phố: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hải Dương), Ban Sáng lập Trung tâm văn hóa Sán Dìu đã đề nghị được kết nạp vào Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam.
 
Thay mặt Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Giáo Sư Hoàng Chương đã ký Quyết định kết nạp hai thành viên mới là Thạc sĩ Trần Quốc Hùng và Thạc sĩ Ôn Tiến Dũng Sinh, Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu, bổ nhiệm ông Trần Quốc Hùng làm Giám đốc.

Bước đầu, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu có 33 thành viên, là người dân tộc Sán Dìu thuộc các cơ quan, tổ chức khác nhau, có cùng sở thích, có liên quan đến công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa Sán Dìu ở Việt Nam. Ông Trần Quốc Hùng người dân tộc Sán Dìu, sinh năm 1986 tại Quảng Ninh, công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Ông Ôn Hữu Sinh, Dân tộc Sán Dìu, sinh năm 1978 tại Vĩnh Phúc, công tác tại trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Hà Nội.


Trong thời gian tới, Trung tâm văn hóa Sán Dìu sẽ làm một số việc chính như sau:
 
- Nghiên cứu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu và các vấn đề xã hội đương đại của dân tộc Sán Dìu trong mối quan hệ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
 
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, giao lưu trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu.
 
- Mở các lớp bồi dưỡng và phát triển văn hóa nghệ thuật Sán Dìu.
 
- Cung cấp các dịch vụ khoa học và kỹ thuật về  bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Sán Dìu.
 
- Tuyên truyền, phổ biến về văn hóa dân tộc Sán Dìu trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
- Hỗ trợ các đối tượng trẻ mồ côi, người tàn tật, người già không nơi nương tựa, học sinh sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cộng đồng dân tộc Sán Dìu và các dân tộc cận cư.
 
- Định hướng và tư vấn cho các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Sán Dìu.
 
Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết "Người Sán Dìu tham gia nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.