Người giữ gìn và lan tỏa những di sản văn hóa Tày

12/05/2018 15:38

Theo dõi trên

Sinh năm 1951, Ma Văn Đức - nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (được Nhà nước phong tặng năm 2015) đã gần bước sang tuổi 70 và có hơn 30 năm gắn bó với những di sản văn hóa đặc sắc của người Tày ở Tuyên Quang.

Từ tuổi thơ nhọc nhằn và tình yêu với Then

Là người con dân tộc Tày, ông dành cho Then một tình yêu lớn lao. Ông cho biết: “Tình yêu dành cho tiếng hát Then cùng với giai điệu đàn tính của tôi bắt đầu từ những ngày còn bé, đi xem các ông Then hát trong đám cúng ở các thôn. Then cùng giai điệu của nó ngấm dần vào tôi lúc nào không hay. Nhưng đến với Then chính thức là khi tôi làm công tác quản lý văn hoá tại sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch với công việc đầu tiên thực hiện là sưu tầm, nghiên cứu về Then cổ ở tỉnh nhà”.


 
Niềm đam mê đàn hát Then và Tính tẩu của nghệ nhân Ma Văn Đức.

Cũng trong bản làng của mình, những ngày lễ hội, đám cưới, ông được nghe hát với những câu thơ, bài hát dân gian cách giáo dục con người, sự ứng xử tinh tế, chuẩn mực cũng như đạo lý con người.

Mồ côi cha từ khi chưa lọt lòng mẹ và mồ côi mẹ từ khi lên 9, ông sớm phải trải qua tuổi thơ nhọc nhằn. Những khó khăn của tuổi thơ ông đã vượt qua chính là nhờ những câu hát Then mượt mà và những lời hát quan làng của mẹ, của bà và các nghệ nhân trong bản. Những lời răn dạy trong đó và cả những câu chuyện được chép trong nhiều cuốn sách Nôm Tày mà 13 tuổi ông đã thuộc làu, đã dạy ông làm người, đem cho ông sức mạnh để vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn và sự thiếu thốn của tuổi thơ ở cậu bé mồ côi cha mẹ.

Ông cũng bắt đầu học và hát nhẩm theo những làn điệu Then mượt mà với những đạo lý được truyền tải trong từng câu chữ. Nhờ chất giọng ấm áp cùng khả năng thẩm âm trời phú, ông nhanh chóng nắm bắt tiết tấu và những lời hát Then. Đây là nền tảng ban đầu để ông đến với Then và những di sản văn hóa khác của người Tày.

Giữ gìn và lan tỏa

Từ cậu bé mồ côi, ông đã nỗ lực vươn lên và trở thành thầy giáo dạy học. Ở những cương vị khác nhau, là giáo viên hay Chủ tịch UBND huyện Na Hang đến Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cả khi về hưu (đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc - Tôn giáo của Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh), ông vẫn đau đáu hướng về Then và những di sản văn hóa truyền thống, dân gian Tày như một phần của cuộc sống.


 
Nghệ nhân Ma Văn Đức truyền dạy tri thức dân gian cho thế hệ trẻ Tuyên Quang.

Do công việc và nhiệt huyết, ông đi nhiều, có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với cộng đồng các dân tộc trên khắp vùng Na Hang và cả tỉnh Tuyên Quang. Ông gặp gỡ những nghệ nhân cao tuổi ở các bản vùng cao để sưu tầm, tìm hiểu cũng như nghiên cứu về những di sản văn hóa Tày - không chỉ Then cổ mà cả về Cọi, Phong Slư, Quan làng cũng như nhạc cụ truyền thống, dân gian. Trong đó, cố nghệ nhân Ma Thanh Cao (bản Lăng Pục, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa) là người đã truyền dạy và bồi đắp cho ông tình yêu này.

Từ nghệ nhân Ma Thanh Cao, ông học được về đức độ của một thầy Then và niềm đam mê dành cho hát Then, đàn tính. Hiểu biết về Then cũng như các di sản văn hóa phi vật thể khác của ông được bồi đắp từng ngày. Giọng hát, ngón đàn tính của ông ngày càng điêu luyện. Bên cạnh đó, ông có nhiều người bạn đồng hành, cùng chung sức, chung lòng trên con đường gìn giữ vốn quý của người Tày ở Tuyên Quang như nguyên Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Tống Đại Hồng và nghệ nhân hát Then Lương Long Vân. Họ đã cùng ông tổng hợp, tuyển chọn để biên soạn và phát hành cuốn “Văn quan làng Tuyên Quang”.

Ông cũng là người tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ của Tuyên Quang nắm bắt, thực hành và gìn giữ những di sản của người Tày. Những cung, đoạn Then cổ có nội dung giáo dục đạo đức và thẩm mỹ cao được ông tuyển chọn để phổ biến. Ông còn đặt lời mới các bài hát Then, sáng tác lời mới của hát quan làng (lẩu thơ) để dạy cho thế hệ trẻ. Ông trực tiếp truyền dạy một số làn điệu Then và giới thiệu di sản văn hóa then của người Tày trong chương trình ngoại khóa, tiết học tích hợp cho học sinh bậc phổ thông ở Tuyên Quang.

Khả năng làm việc với cường độ cao và nhiệt huyết của mình với tâm thế, “làm tốt nhất những gì có thể để giữ vốn quý của dân tộc Tày cho các thế hệ mai sau” như ông tâm sự, ông đã bền bỉ không ngừng nghỉ đi khắp các bản ở vùng cao, tìm hiểu, ghi chép, nghiên cứu. Vì thế, ông là người nắm giữ nhiều tri thức văn hóa quý báu của người Tày về Then, hát cọi, hát Phong slư, hát quan làng... Đặc biệt, ông đã sưu tầm, lưu giữ một số tài liệu, thư tịch cổ quý giá của người Tày để dịch nghĩa sang tiếng Việt. Đây cũng là cơ sở để chữ Nôm Tày được giữ gìn, lưu truyền.

Những đóng góp của ông đã góp phần tích cực cho việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa Tày nói chung, Then nói riêng. Ngọn lửa mà ông thắp lên, đã và đang lan tỏa cho thế hệ trẻ tiếp nối.


Thu Loan
Theo langvietonline.vn

Bạn đang đọc bài viết "Người giữ gìn và lan tỏa những di sản văn hóa Tày " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.