Nằm trong vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có tới 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong cộng đồng dân tộc ở Mèo Vạc, người Giáy sống tập trung chủ yếu ở thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà, bởi đây là nơi có điều kiện thuận lợi về nguồn nước. Từ những lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội đã giúp người dân từng bước tạo dựng cuộc sống ấm no. Cùng với đó, đời sống tinh thần cũng ngày một phong phú. Đối với người Giáy ở Tát Ngà, điệu “múa trống” không chỉ phản ánh chân thực đời sống giàu bản sắc văn hóa mà từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Điệu "múa trồng" có sự tham gia của cả nam và nữ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Nói đến “múa trống”, ngay cả những già làng, trưởng bản ở Tát Ngà cũng không nhớ nổi có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, tại xóm Tát Ngà - nơi tập trung người Giáy đông nhất, từ rất lâu người dân đã xây dựng hai ngôi miếu đặt tên Miếu Ông và Miếu Bà. Đây không chỉ là nơi để người dân đến thắp hương cầu xin những điều tốt lành mà đó còn là nơi để treo hai chiếc trống đại. Cứ mỗi năm một lần, hai chiếc trống được hạ xuống vào đúng ngày mồng 1 Tết. Hôm đó, lễ “múa trống” được tổ chức tại Miếu Bà và mồng 2 Tết tổ chức tại Miếu Ông.
Trong ngày lễ, trưởng bản làm nghi thức xin hạ trống, mỗi gia đình làm một mâm cơm canh, quây quần, tập trung tại đây và cùng nhau thắp hương, nhảy múa theo điệu trống để cầu xin đất, trời cho mưa thuận, gió hòa; xin thần linh phù hộ cho gia đình, làng xóm được mạnh khỏe, bình an. Đến đúng hôm Rằm tháng Giêng, cả làng lại tập trung tổ chức “múa trống” hết một đêm để các xã khác cùng tham gia giao lưu. Vào một ngày đẹp được mọi người cùng chọn, nếu không thì đúng tối 30 tháng Giêng, có một đội khiêng trống đến gõ trước từng nhà, hát bài hát cầu phúc cho gia đình. Mỗi nhà tùy tâm đóng góp và cùng nhau chung vui. Kết thúc ngày hội, dân làng lại cùng nhau tiến hành treo trống về chỗ cũ và đợi đến dịp lễ hội năm sau.
Ông Hà Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Tát Ngà cho biết: “Múa trống” là hoạt động văn hóa được người Giáy lưu giữ, truyền thụ qua các thế hệ và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân. Bao đời nay, “múa trống” không chỉ được coi là một nét văn hóa truyền thống độc đáo mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương.
Ngoài "múa trồng" thì múa nón cũng là nét đặc sắc của người Giáy ở xã Tát Ngà.
Chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa
Xã Tát Ngà là một trong số ít những xã có điều kiện thuận lợi về khí hậu và đất đai nơi miền “đá khát” Mèo Vạc. Xã có 5 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn 17 xóm với trên 570 hộ dân, trong đó dân tộc Giáy chiếm trên 32%. Những năm qua, với chủ trương phục dựng những lễ hội đã bị mai một, cấp ủy, chính quyền và người dân nơi đây không ngừng thúc đẩy các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dần tạo thành phong trào rộng rãi. Đặc biệt, thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động có hiệu quả Hội nghệ nhân dân gian đã góp phần thiết thực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc lưu giữ và quảng bá nét văn hóa độc đáo của người Giáy ở Tát Ngà khi “múa trống” đứng trước nguy cơ mai một.
Anh Vi Văn Pảo, trưởng thôn Tát Ngà chia sẻ: “Nét đặc sắc trong lễ hội “múa trống” đến nay vẫn được lưu giữ đúng với bản chất độc đáo thì công lớn phải nói đến những nghệ nhân đang hoạt động trong Hội nghệ nhân dân gian của xã. Tuy thời gian đầu gặp một số khó khăn vì không có người tham gia, nhưng khi hiểu được tầm quan trọng của Hội và ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình thì mọi người đều nhiệt tình”. Sau khi thành lập đủ thành viên, mọi người tập lại những động tác đã được biết và được sự chỉ bảo của người cao niên trong xóm nên từ điệu nhảy đến nhịp trống đều được mọi người tập luyện thành thực. Đến nay, có thể nói rằng “múa trống” gần như vẫn giữ được nét nguyên bản bởi các bài múa vẫn chủ yếu theo người xưa, chưa bị pha trộn bởi các yếu tố khác.
Những lúc rảnh rỗi chị em người Giáy, xã Tát Ngà cùng nhau thêu thùa, chia sẻ cuộc sống gia đình.
Được biết, đội “múa trống” ở xã Tát Ngà hiện có trên 10 thành viên, không những biểu diễn phục vụ ở các dịp lễ, hội trong xã, huyện, tỉnh mà còn tham gia lưu diễn ở một số tỉnh bạn. Đó là dịp để các nghệ nhân quảng bá về văn hóa, hình ảnh con người địa phương. Đồng thời, ý nghĩa lớn nhất vẫn là bảo tồn được những tinh hoa văn hóa của dân tộc trên địa bàn; góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo điều kiện cho nhiều người giao lưu, học hỏi lẫn nhau về văn hóa cũng như phát triển kinh tế gia đình. Đây sẽ là nền tảng vững chắc để người dân trong xã xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và chung tay xây dựng nông thôn mới.
Hội nghệ nhân dân gian của xã hoạt động hiệu quả đã khẳng định tính đúng đắn các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc. Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện rõ rệt, nhiều chính sách xã hội được hỗ trợ đã góp phần triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
Ngoài lễ hội “múa trống”, chị em người Giáy ở Tát Ngà còn có điệu múa nón đặc sắc, phong cảnh hữu tình, nhiều món ăn địa phương độc đáo. Trong hướng phát triển du lịch, huyện Mèo Vạc đã chọn xã làm địa điểm xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng, tạo điểm nhấn thu hút du khách, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị.