"Người đi tìm hình của Nước" của Chế Lan Viên

08/11/2017 14:51

Theo dõi trên

‘Người đi tìm hình của nước’ là bài thơ đặc sắc của Chế Lan Viên. Bất cứ khi nào đọc lại, lòng chúng ta vẫn dâng lên những xúc cảm sâu lắng về hình ảnh Bác Hồ trong thời khắc gặp được bản luận cương của Lênin. Đó là thời khắc kết thúc cuộc hành trình dài Bác từng phải đối mặt với muôn vàn gian nan, thử thách để tìm con đường cứu nước, mở ra một trang sử mới cho dân tộc. Con đường dân có cơm ăn, áo mặc và độc lập, tự do, hạnh phúc.



Nhà thơ Chế Lan Viên (1920 -1989)

Mở đầu bài thơ là câu tả cảnh, nhưng đầy cảm thán mà tác giả viết với những lời tha thiết: "Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác”. Câu thơ đẹp như một bức tranh gợi nhiều suy tưởng. Tác giả không muốn “làm gió”, mà muốn “làm sóng dưới con tàu” để “đưa tiễn Bác”. Sóng khác gió. Gió chỉ thổi rồi bay đi, còn sóng sẽ được nâng niu, gần gũi với thân tàu “đưa tiễn Bác” - đây là tình yêu thương vô bờ mà tác giả dành cho Người, bởi muốn mình lưu luyến mãi với bước chân vị Anh Hùng Dân Tộc:
 
“Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi
 
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác
 
Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất
 
Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre”
 
Mỗi dòng thơ đong đầy tình cảm trìu mến, thiết tha. Chứa nặng lòng kính yêu của nhà thơ đối với Bác. Hiểu con đường đi của Bác không phải để mong lưu danh thiên cổ, mà hành động đó là vì  vận mệnh dân tộc, vì tương lai của hàng triệu đồng bào đang phải sống trong cảnh dày xéo của thực dân Pháp. Nhà thơ cũng khẳng định việc làm của Bác là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà lịch sử  dân tộc đã đặt lên vai người con kiệt  xuất của Tổ quốc:
 
“Hiểu sao hết “Người đi tìm hình của nước”
 
Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người
 
 
Mà hình đất nước hoặc còn, hoặc mất
 
Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai”
 
Con đường gian khổ, chông gai đó Người phải trải qua muôn vàn khó khăn, thử thách. Mỗi ngày đều hướng về quê nhà trong từng bữa ăn, giấc ngủ,  để ấp ủ một  hoài bão  lớn lao, một khát vọng cháy bỏng làm sao để tìm thấy con đường đấu tranh cho hòa bình và độc lập dân tộc:
 
“Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể
 
Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi
 
Những đất tự do, những trời nô lệ
 
Những con đường cách mạng đang tìm đi”.
 
Trải qua biết bao thử thách khốc liệt, trong tim Người vẫn cháy bỏng niềm tin mãnh liệt, sẽ tìm thấy con đường tương lai cho dân tộc, cho dù thực tại Bác Hồ phải trải qua những hoàn cảnh sống cực khổ: “Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”. Nhưng dù hoàn cảnh có khốc liệt bao nhiêu chăng nữa, vì dân, vì nước, Bác vẫn không nao lòng. Rồi cuối cùng Bác đã tìm thấy niềm mong ước bấy lâu của mình, Bác đã tìm thấy con đường đi cho dân tộc. Con đường đó cần thiết cho tất cả các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam đang phải chịu cảnh  gông cùm nô lệ:
 
“Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông
 
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
 
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
 
Sao vàng bay theo liềm búa công nông.
 
 
Luận cương đến với Bác Hồ và người đã khóc
 
Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin
 
Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp
 
Tưởng bên ngoài đất nước đợi mong tin
 
 
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
 
“Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!”
 
Hình của Đảng lồng trong hình của Nước
 
Phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”.
 
Ba khổ thơ trên biểu đạt rõ nét tâm trạng của Người khi gặp được con đường lý tưởng cách mạng mà bấy lâu Bác tìm kiếm. Phút giây chạm đến khát vọng  Người từng mơ ước, khát khao, khiến Người vô cùng hạnh phúc bởi con đường đấu tranh cách mạng chân chính đó là con đường duy nhất để đưa dân tộc Việt Nam đi qua đêm trường nô lệ, đến tương lai tươi sáng. Con đường mà nước Nga đã từng đi, con đường do đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống  áp bức, cường quyền, đem lại ruộng cày cho dân nghèo, đem lại tự do, độc lập cho dân tộc:
 
“Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt.
 
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
 
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
 
Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai”.
 
Toàn bộ bài thơ “Người đi tìm hình của nước” có hai mươi khổ thơ. Trong đó có mười bốn khổ thơ tóm tắt thực trạng đất nước trong đêm trường nô lệ và  hoàn cảnh, điều kiện gian nan của Bác Hồ trong hành trình dài  kể từ khi Người rời bến Nhà Rồng ra đi tìm  đường cứu nước. Ba khổ thơ giữa,  tả lại tâm trạng xúc động, vui mừng, hạnh phúc khi Bác gặp bản luận cương của Lênin, những khổ thơ còn lại bổ trợ cho toàn bài  để một lần nữa, làm rõ mệnh đề mà tác giả muốn biểu đạt,  đó là niềm hạnh phúc lớn lao của Bác Hồ khi gặp được bản luận cương của Lênin. Bản luận cương mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tranh đấu giành lại hòa bình và độc lập dân tộc. Mỗi lần chúng ta đọc bài thơ “Người đi tìm hình của nước” là một  trạng thái tình cảm xúc động khác nhau về tình cảm, công lao trời biển của Bác đối với quê hương, đất nước. Nhà thơ đã nói giúp tiếng lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác.  Bởi vậy,  bài thơ mãi đi cùng năm tháng.
 
Theo Văn hóa & Đời sống

Bạn đang đọc bài viết ""Người đi tìm hình của Nước" của Chế Lan Viên" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.