Người đàn ông giữ báu vật của làng

09/02/2017 15:01

Theo dõi trên

Trên miền địa ngàn huyền thoại, khi mà những giá trị của đời sống tâm linh người dân Ê Đê đang ngày mai một đi theo thời gian, thì vẫn có một người đàn ông ngày ngày lặng lẽ giữ những báu vật tinh thần của làng, “để một lúc nào đó lũ làng còn biết cái sợi dây nối với tổ tiên, với yang nữa!”



Ông Y Bian bên gia tài của mình

Lặn lội miền rừng để giữ dấu thiêng

Chúng tôi lặn lội trong những trận gió bụi để vào được buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút, Đắk Nông), ở nơi ấy có một người đàn ông đang gìn giữ những báu vật của làng. Đón chúng tôi trong ngôi nhà dài truyền thống của mình, ông Y Bian (59 tuổi, buôn Buôr, xã Tâm Thắng, Chư Jút, Đắk Nông) cởi mở như cái tính cách của con người nơi đại ngàn này muôn đời vẫn thế. 

Nhìn ông cặm cụi lau chùi những “báu vật” mà cha ông để lại một cách cẩn trọng, tỉ mỉ. Trong căn nhà dài của ông, chỉ một góc nhỏ ông dành để sinh hoạt, còn lại tất cả những khoảng không gian trống trong nhà đều được ông tận dụng để chứa những cổ vật có được. Có tận mắt chứng kiến số cổ vật ông dày công góp nhặt trong vòng gần 25 năm, mới thấy niềm đam mê của ông lớn đến chừng nào... Đó là chiếc ghế K’pan làm bằng gỗ hương, chiếc trống làm bằng da trâu, chiếc đàn Goong, bộ cồng chiêng cổ, gần chục ché gần hai trăm năm tuổi, những chiếc đinh năm, đinh tút… Ông nói với chúng tôi rằng với ông thì mỗi đồ vật trong nhà đều gắn liền với một kỷ niệm thân thiết mà ông không bao giờ quên. Ông chỉ vào một ché rượu cần: “Như chiếc ché rượu cần lớn là của hồi môn mà bố mẹ tặng ngày cưới, còn bộ cồng chiêng 9 cái là kỷ vật do ông cố để lại; chiếc còng tay là người yêu trao khi mới quen… còn nhiều lắm đó!”

Hơn 25 năm ông lặn lội khắp trong buôn ngoài làng, hễ cứ nghe thấy ở đâu có gì lạ, có gì hay là ông lại tới bằng được, bất chấp những đoạn đường xa núi non hiểm trở, bất chấp đêm hôm mưa gió hay những ngày nắng cháy da. Có những đêm ông trốn nhà, để vợ con ở lại rồi lặn lội đi tìm cổ vật cả tháng trời mới về. Ông không còn nhớ được trong hơn 25 năm ấy ông đã đi bao nhiêu đường đất suốt cùng cao nguyên này để tìm cổ vật của cha ông người Ê Đê nữa.

“Có lần mình vừa từ rẫy về, nghe mọi người nói một buôn cách đây không xa họ đã bán mất bộ chiêng ché quý. Mình vội vã chạy tìm đến nơi thì người mua đã đi lên gần tới Buôn Ma Thuật rồi. Mình cứ thế chạy theo, đi bộ thôi chứ không có xe đâu. Mình chạy bộ cả đêm lên tới nơi rồi nói chuyện với người ta. Thấy mình quần áo, đầu tóc tả tơi, họ lại càng ngạc nhiên hơn khi biết mình chạy theo cả đêm. Thế rồi chẳng hiểu sao họ đưa lại cho mình bộ chiêng ché ấy mà không lấy tiền. Chắc họ thương mình đấy mà!”, nói rồi ông cười.


Mới đầu vợ ông có ý nghi ngờ nhưng thấy ông đam mê quá nên cũng thuận theo. Bây giờ vợ ông trở thành “trợ lý đắc lực” trong việc phân loại, bảo quản các cổ vật trong nhà. Mỗi lần có được một “món” gì đó, ông càng thấm thía hơn với “cái nghiệp” đòi hỏi vốn kiến thức sâu dày này. Trong mắt những người như ông Y Bian thì sự xấu xí, hư hỏng chỉ là bên ngoài nhưng ẩn chứa bên trong là bao sự kì diệu về cuộc sống cách đây hàng trăm năm, hơn nữa là cả một giai đoạn lịch sử của con người Ê Đê cội nguồn của mình. Với suy nghĩ đó, ngay cả những dụng cụ phục vụ lao động sản xuất đã trải qua biết bao mùa rẫy như những chiếc gùi, chiếc xà gạc, bầu nước… cũng được ông và gia đình giữ gìn một cách cẩn thận. Những lúc không lên nương rẫy, ông đều dành nhiều thời gian để lau chùi, chiêm nghiệm những “báu vật” của gia đình.

Năm nay 63 tuổi, ông Y Bian vẫn thường xuyên lên nương, lên rẫy và có thể tham gia đánh chiêng thâu đêm suốt sáng trong các lễ hội của buôn làng. Thấy chúng tôi ngắm nghía bộ chiêng quý trong một góc trang trọng của nhà dài, ông Y Bian nói ngay: “Tôi không bán đâu, vì đây là bộ chiêng của ông bà để lại mà. Trước khi mất, cha tôi dặn phải giữ chiêng cho tốt, không để mất, không để bể và dạy lại cho con cháu biết tiếp nối truyền thống dân tộc”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe về nguồn gốc của bộ chiêng này. Ông bảo ngày xưa ấy muốn có một bộ chiêng như thế này, dòng họ của ông ngày trước đã phải đổi hàng tạ vỏ cây trầm trắng (một loại vỏ cây quý ngày xưa) mới có được. Rồi khi mang về phải mổ trâu và heo cúng linh đình suốt mấy ngày đêm để thần chiêng nhập vào mới có thể dùng được. Bộ chiêng này sau đó được truyền qua nhiều đời. Gia đình ông Y Bian cũng được bố mẹ để lại cho bộ chiêng này. 

Vừa lau chùi những thân chiêng đã sáng bóng ánh đồng theo thời gian, ông Y Bian vừa tâm sự: “Dù cuộc sống khó khăn thế nào tôi cũng không bao giờ bán vì đây là tài sản của ông cha để lại. Hơn nữa,  tôi giữ chiêng là để dạy cho con cháu cách đánh các bài chiêng truyền thống của dân tộc mình”. Không chỉ giữ chiêng, gia đình ông còn thường xuyên dạy cho con cháu những bài chiêng của dân tộc mình. Được ông truyền nghề, con trai ông ya bian là anh Y Ksol năm nay 30 tuổi đã biết đánh khá nhiều bài chiêng khó. Anh Y Ksol tâm sự: “Thời gian đầu học khó nhớ, tay phồng rộp, nhưng giờ thì mình có thể đánh thâu đêm suốt sáng trong các lễ hội mà không thấy đau nữa. Mình vui vì biết được nhiều bài chiêng không ai biết, không ai nhớ. Mình vui vì mình cũng giúp được cha mình giữ được những điều thiêng liêng của người Ê Đê mình!”.

Nỗi niềm nghệ nhân

Ông Y Bian bảo, trước đây cồng chiêng ở trong buôn nhiều lắm, nhưng do không hiểu hết giá trị của nó nên nhiều gia đình đã mang bán rồi. Chính nạn “chảy máu cồng chiêng” khiến cho không ít bộ cồng chiêng quý phải “ra đi” và trong buôn hiện nay chỉ có một vài nhà là còn cồng chiêng mà thôi. Có lẽ điều khiến ông day dứt nhất lâu nay là một bộ phận lớp trẻ trong buôn đã không còn mặn mà với cồng chiêng nữa, thậm chí không hiểu ý nghĩa của tiếng chiêng. 

Vì vậy, mỗi khi buôn làng tổ chức hội họp hay sự kiện gì, ông đều có mặt để nói lên những ý nghĩa quan trọng của cồng chiêng. Để khơi dậy niềm đam mê, ham học hỏi của giới trẻ, ông đã cùng với một số nghệ nhân già trong buôn tự nguyện truyền dạy, hướng dẫn cách đánh cồng chiêng cho lớp trẻ. Nhờ đó, lớp trẻ trong buôn bây giờ đã phần nào hiểu và đam mê nhịp chiêng truyền thống. Ông cũng dạy cho những đứa con của mình biết hát những làn điệu dân ca, biết chơi những nhạc cụ dân tộc để gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, giúp cho con trẻ ngày càng hiểu hơn sự tinh tế, giá trị tinh thần của văn hóa dân tộc mà tránh xa những trò chơi vô bổ, nguy hại.

Ông Y Bian chia sẻ: “Có nhiều cách để bảo tồn các giá trị văn hóa và việc dạy cho con biết những giá trị của văn hóa dân tộc mới là một hình thức hữu hiệu nhất. Mình phải trau dồi, bồi dưỡng ngay từ khi các con còn nhỏ thì chúng mới có thể thấm nhuần được những giá trị tiềm ẩn mà văn hóa cổ xưa để lại!”. 


Mỗi khi gia đình tề tựu đông đủ, ông đều răn dạy con cháu dù có như thế nào đi nữa thì cũng phải biết nâng niu, gìn giữ “hồn cốt” của dân tộc. Không chỉ nhắc nhở con cháu trong gia đình mà ông còn đi đến những nhà còn cồng chiêng để vận động bà con không đem bán những “báu vật” truyền đời này. Ông Y Bian cho biết: “Đây là những “báu vật”, tài sản quý giá mà cha ông để lại, nên cho dù thế nào đi nữa, tôi cũng không bán. Nhiều người từ nơi xa đến đây lân la gạ đổi trâu bò, nhưng tôi nghĩ có đổi rồi cũng hết, để lại thì con cháu còn nhìn thấy “báu vật” của dòng họ, tổ tiên mình!”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Cao Ðắc Chí, Bí thư Ðảng ủy xã Tâm Thắng cho biết: “Ông Y Bian thực sự là những “hạt nhân” góp phần nâng niu, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. Không chỉ gìn giữ mà ông còn biết sử dụng, chế tác nhạc cụ, ngoài ra ông còn ra sức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Những lúc rảnh rỗi, ông lên rừng kiếm tre nứa về chế tác các loại nhạc cụ hay đan những chiếc gùi, nong nia, rổ rá. Có lẽ điều vui nhất là nối tiếp truyền thống của thế hệ đi trước, lớp trẻ trong bon hiện nay cũng đã từng bước hiểu được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để học hỏi, phát huy. Những người có tâm huyết với văn hóa Ê Đê như ông Y Bian hiếm lắm. Nhờ có Y Bian mà bọn trẻ trong buôn có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Y Bian là niềm tự hào của buôn làng đó!”

Ngoài thời gian đến trường, phụ giúp cha mẹ trên nương rẫy, những lúc rảnh rỗi, nhiều em học sinh lại cùng nhau tập hát, múa những điệu múa, làn điệu dân ca của dân tộc mình. Chăm chút bảo vệ, gìn giữ những “báu vật” của dân tộc bằng cả tấm lòng của người con Ê Đê, nên ông Y Bian luôn được bà con trong buôn yêu mến và dành nhiều tình cảm. Hiện nay, nhờ ông Y Bian mà các gia đình không chỉ biết nâng niu, giữ gìn chiêng cổ mà còn biết cách chỉnh chiêng, truyền lại các bài chiêng để các thế hệ sau tiếp nối truyền thống dân tộc. Vì vậy, dù khó khăn thế nào, người dân vẫn luôn giữ gìn các bộ chiêng, xem như là  “vật báu” của buôn làng.
 
Hoàng Yến

Bạn đang đọc bài viết "Người đàn ông giữ báu vật của làng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.