Rất nhiều bầy chim di trú tìm về.
Là ngôi chùa theo hệ phái Nam tông, tên chữ Phạn chính thức của chùa là Kompongnigrodha, được xây dựng đã hơn 370 năm. Chùa nằm bao quanh bởi làng mạc, ruộng vườn, rợp xanh bóng cây, tách biệt hẳn với cái ồn ào đô thị. Đi qua “hang cổng”, có cảm giác không khí mát lạnh bao trùm khắp nơi. Không khí này có được nhờ bóng mát của vô số cây sao dầu có tuổi thọ hàng trăm năm trên diện tích khoảng chục hecta của chùa. Đi trên con đường rợp mát bóng cây và không khí thanh sạch, bao nhiêu bụi trần hầu như tan biến, khiến lòng khách phương xa bâng khuâng cảm khái mùi thiền. Trong khung cảnh thiên nhiên đó có một vườn chim rộng đến hơn 1 mẫu đất với nhiều loài chim di trú phương nam như cò, diệc, cồng cộc. Mùi thiền như còn tỏa ra từ những ngọn sao dầu và me cổ thụ trong tiếng kêu vang động khắp nơi của lũ chim đậu trên ngọn cây.
Sư cả trụ trì chùa Hang cho biết, trước kia chùa có đàn dơi quạ “đông không kể xiết”. Nhưng vào năm Mậu Thân (1968), một quả bom rơi trúng chùa khiến đàn dơi tản đi biệt tăm cho đến giờ. Ngày nay, chùa chỉ còn đàn cò, diệc, cồng cộc cư trú. Mỗi sáng, lúc bình minh sắp ló dạng, đàn chim bay đi khắp nơi kiếm ăn. Chiều tối, chúng lại tụ họp về chùa, chuyện trò rất vui tai. Là người từ khi về trụ trì ngôi chùa này, Sư cả Thạch Xuồng đã yêu chim từ hồi còn nhỏ. Sư Thạch Xuồng cho biết, hồi những năm 90 của thế kỷ trước, các loài chim chóc: sáo, hoành hoạch, chèo bẻo, cu cườm, cò, diệc, cồng cộc... thường về ở, kiếm ăn. Mùa đông có cả loài chim di cư có tên là cu gầm gì to như con gà mái có bộ lông màu xanh lá chuối rất đẹp từ trên núi bay về tránh bão...
Chim tìm về sân chùa Hang, khiến khung cảnh càng trở nên thanh bình.
Trong chùa, ngoài việc học tập phật pháp, tham gia lớp học điêu khắc, các sư ở đây đều góp công sức trong việc gầy dựng và chăm sóc vườn chim trong chùa gần 30 năm qua. Sư Lý Thảo bộc bạch rằng thời gian đầu, nhiều phật tử tỏ ý không hài lòng với việc nuôi chim trong chùa vì chúng thường đậu trên cây và phóng uế xuống phía dưới trúng vào bà con Phật tử gây sự khó chịu. Nhưng ngoài thời gian kinh kệ và những công việc khác liên quan đến nhà chùa, thì mỗi sáng, mỗi chiều nhìn chúng múa, nghe chúng kêu, hót; tự tay chăm sóc nâng niu từng con một... các sư nơi đây thấy lòng mình thanh thản và tinh khiết hơn. Mà đất có lành chim mới đậu chứ!” Sư Lý Thảo cười bộc bạch.
Đến với chùa hang, ngoài việc vãn cảnh và lễ chùa, cảm giác của nhiều người là sự bình yên. Nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy ngay ở trong sân chùa, sao lại có thể nhiều chim đến như thế! Chim ở đủ mọi nơi. Chim trên các mái , chim trên dây điện, chim trên cây, chim trên sân… Ngay cả phía ngoài cổng chùa trên đường phố đông đúc người xe, từng đàn chim vẫn đỗ đầy trên vỉa hè. Người đi lại, cứ đi, mải miết hay thong dong ở giữa, còn phần sát với đường phố tấp nập xe chạy, quanh những gốc cây, chim vẫn điềm nhiên mổ hạt, vẫy cánh, rỉa lông. Chỉ khi có người đến gần, chúng mới tung cánh, bay cao như nhường đường rồi lại điềm nhiên hạ xuống cách đó không xa…
Nhiều chim đậu trên cây ở chùa.
Trời đang nắng, dưới bóng râm những tán cây, tự nhiên thấy rợp bóng chim khi một đàn chim chắc khoảng mấy trăm con đồng loạt tung cánh. Chim không của ai cả, nhưng là của tất cả mọi người. Các sư ở đây cũng thường xuyên ném thức ăn cho chim. Những thức ăn này là của những người vô danh dành cho chim. Sư Lý Thảo bảo ở đây, có nhiều người nấu những nồi cơm to đứng bên đường cúng dường cho các nhà sư đi khất thực bằng tấm lòng trân trọng cung kính vào mỗi sáng sớm thì cũng vào lúc ấy, cũng có những người, lo cái ăn cho chim. Có lẽ, lòng người khi rộng mở, thì cũng là lúc chim tụ về, sống bình yên và hài hòa như thế.