Ngôi chùa cổ cổ nhất ở Quảng Bình

16/03/2017 08:55

Theo dõi trên

Di tích quốc gia chùa Hoằng Phúc thuộc thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình tọa lạc trên một vùng đất cao ráo, rộng 10.000m2, ở phía hữu ngạn sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy khoảng 4km về phía Nam.


Chùa Hoằng Phúc là ngôi chùa cổ nhất ở Quảng Bình, có tuổi đời hơn 700 năm,  và đã trải qua các tên gọi khác nhau, khởi ngồn là am Tri Kiến, tiếp đến là chùa Kính Thiên và sau là chùa Hoằng Phúc. Chùa còn có tên gọi dân gian là chùa Quan, chùa Trạm.

Am Tri Kiến được lập để thờ Phật, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng dân cư Đại Việt từ miền Bắc di trú vào vùng đất mới và để cố kết cộng đồng bản địa. Năm 1301, nhân chuyến vân du hóa đạo 9 tháng tại các địa phương và trên đất Chiêm Thành, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã đến ở và thuyết pháp truyền giảng giáo lý Phật giáo ở đây. Năm 1716, sau khi cho trùng tu lại, chúa Nguyễn Phúc Chu đã thân hành đến chùa ban hoành phi đề “Kính Thiên Tự” và một hoành phi “Vô Song Phúc Địa”. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự (ngôi chùa mở rộng ơn phước hay phúc lớn). Đến năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) vua thánh giá tuần hạnh phương Bắc, ban cho chùa 300 quan tiền để tôn tạo chùa; đích thân vua và hoàng đệ Tùng Thiện Quận công Nguyễn Phúc Miên Thẩm viết hai bài thơ ngự chế cho khắc vào bảng đồng treo ở chùa để ghi nhớ thắng tích, ca ngợi huyền diệu trong thanh tĩnh hư vô của nhà Phật và mong nhà Phật mở rộng từ bi, giáo hóa, ban quả phước cho chúng sinh…

Theo “Ô châu cận lục” của Tiến sĩ Dương Văn An (năm 1555) “Chùa Kính Thiên ở gần trạm Bình Giang (thuộc bờ hữu sông Bình Giang, nay là sông Kiến Giang) nên dân gian còn gọi là chùa Trạm. Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu ca dao: “Tạnh trời chùa Trạm ngân xa, Ngân vào Hồ Xá, ngân qua Truông Hồ”.

Phật tử miền Bắc rồi địa phương cùng một số doanh nghiệp... đã phát tâm công quả hơn 40,4 tỷ đồng khảo sát, phục dựng lại ngôi chùa trên nền cũ theo kiến trúc thời nhà Trần.Trong công trình phục dựng tôn tạo này có bức tranh bằng gốm dài hơn 10m, cao 5m có tên: “Trúc lâm đại sĩ trúc sơn chi đồ”, mô tả Phật hoàng Trần Nhân Tông rời núi Trúc Lâm cầu an giúp dân. Trong quá trình phục dựng, nhiều tượng cổ cũng được phát hiện, khai quật và đưa vào thờ tự trong chùa như các bảo vật lớn.


Xuân Hoàng

Nguồn: baodulich.net.vn
Bạn đang đọc bài viết "Ngôi chùa cổ cổ nhất ở Quảng Bình" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.