Nghiên cứu văn nghệ dân gian: Để không là “mô tả, trùng tu trên giấy”

14/12/2016 15:16

Theo dõi trên

Tháng 12 hằng năm, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lại tổ chức trao giải cho những tác giả và công trình nghiên cứu xuất sắc, có nhiều đóng góp trong công tác nghiên cứu và sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian. Số lượng giải thưởng tăng đều mỗi năm, nhưng có một thực tế, nhiều công trình nghiên cứu còn thiếu tính tổng thể, chưa gắn với nhu cầu phát triển thực tiễn của đất nước trong thời hội nhập.



Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường” - chủ biên PGS.TS Kiều Trung Sơn cũng được đánh giá cao - Ảnh:TL

600 triệu tiền thưởng cho 78 công trình đoạt giải

Nếu những năm trước, các nhà văn hóa dân gian tập trung sưu tầm các di sản văn hóa của quá khứ nhằm lưu trữ, bảo tồn các di sản, thì vài năm trở lại đây đã bắt đầu đi theo hướng nghiên cứu chuyên sâu, đặc biệt khi yêu cầu thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề đòi hỏi phải có sự tham gia của văn hóa dân gian như quá trình đô thị hóa, quan hệ giữa văn hóa dân gian với du lịch, bảo tồn di sản…

Để cổ vũ, tôn vinh các tác phẩm, công trình nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực văn hóa dân gian, hằng năm Hội Văn nghệ dân gian đã tổ chức chấm và trao các giải thưởng. Năm 2014 có 68 công trình được trao giải, năm 2015 là 57 và sang năm 2016, con số giải thưởng đã tăng lên tới 77. Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - thì năm 2016 là một mùa giải có nhiều công trình tốt. Bên cạnh những công trình sưu tầm đã có thêm nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ VII là chuyển trọng tâm công tác vào các công trình nghiên cứu. Sau khi tuyển chọn từ 103 công trình đăng ký dự giải, ngày 12.12, ban tổ chức quyết định trao 77 giải thưởng và tặng phẩm cho 78 công trình (có 2 công trình cùng nhận 1 giải thưởng), trong đó có 2 giải nhất, 2 giải nhì A, 8 giải nhì B, 24 giải ba A, 20 giải ba B, 18 giải khuyến khích cùng 3 tặng phẩm, với tổng số tiền thưởng là hơn 600 triệu đồng.

Trong đó, hai công trình giành giải nhất đã góp phần không nhỏ trong việc mở ra những hướng nghiên cứu mới đối với các di sản của dân tộc. Công trình “Phật viện Đồng Dương - Một phong cách của nghệ thuật Champa” của tác giả Ngô Văn Doanh đã khẳng định sự hình thành, tồn tại phong cách Đồng Dương của nghệ thuật Chăm Pa từ tư liệu điền dã của ông và tổng kết tư liệu của những người nghiên cứu trước đó. Còn công trình “Nghệ thuật diễn xướng Mo Mường”, chủ biên là Phó giáo sư, Tiến sĩ Kiều Trung Sơn cùng các cộng sự Bùi Văn Thành, Nguyễn Tuệ Chi và Bùi Huy Vọng đã đưa ra một nội hàm riêng cho khái niệm “diễn xướng”, mở thêm một cánh cửa cho việc tiếp tục nghiên cứu sử thi Mo Mường.

Mùa giải năm nay cũng xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân gian, như: “Âm nhạc dân gian xứ Thanh” của Nguyễn Liên chủ biên; “Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và Tây Ninh” của nhạc sĩ Trần Viết Bình, “Dân ca xứ Nghệ” của nhạc sĩ Đặng Thanh Lưu... Các công trình này đã góp phần quan trọng trong việc lưu giữ các làn điệu dân ca của dân tộc trước quá trình đô thị hóa, hội nhập đang diễn ra nhanh chóng ở nước ta.

Không chỉ mô tả trên giấy

Trên thế giới, một số nhà văn hóa dân gian đã bắt đầu áp dụng kiến thức văn hóa dân gian để giải quyết các vấn đề xã hội như: Quy hoạch thành phố, phát triển kinh tế, giáo dục đa văn hóa, bảo tồn… Tức là ưu tiên tính ứng dụng trong quá trình nghiên cứu, hay vận dụng các kiến thức, phương pháp nghiên cứu của văn hóa dân gian nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống đương đại. Còn ở Việt Nam, điều này vẫn còn khá mới mẻ, dù cũng có một số nhà khoa học quan tâm.

Nhìn thực tế từ mùa giải văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2016, Giáo sư Tô Ngọc Thanh bày tỏ lấy làm tiếc khi nhiều công trình nghiên cứu chưa mang tính chuyên sâu và chưa có sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật như múa, nhạc, họa để công trình mang tính tổng thể.

“Nghiên cứu về đám cưới của người Mông có đề cập đến âm nhạc, múa, nhưng tác giả của công trình dự giải không có điều kiện thu thập, hoặc không biết làm cách nào đưa những dòng ghi nhạc vào nội dung công trình. Vì vậy, dù đầu tư nghiên cứu công phu với 900 trang A4, nhưng mới chỉ dừng ở việc mô tả trên giấy. Hay bên cạnh việc nghiên cứu, các nhà nghiên cứu cũng nên nhấn mạnh tính thực tiễn của công trình, như có đóng góp gì trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, hay đưa ra các bài học về nếp sống xưa của ông cha, để góp phần giáo dục nhân cách, nếp sống, văn hóa ứng xử cộng đồng trong thời hội nhập” - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian chia sẻ.

Khi được hỏi về tính thực tiễn của công trình “Phật viện Đồng Dương - Một phong cách của nghệ thuật Champa”, tác giả Ngô Văn Doanh lý giải rằng, công trình của mình góp phần củng cố thêm tư liệu nhằm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) là di sản văn hóa thế giới. Dù vậy, người dân địa phương vẫn kỳ vọng hơn nhiều về việc các nhà nghiên cứu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phục dựng và tiến tới việc quảng bá, khai thác để giới thiệu đến bạn bè quốc tế, thay vì di sản chỉ còn lại cảnh hoang tàn, với tháp Sáng đang phải chống đỡ như hiện giờ. Vì ở thời đại nào, nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian cũng cần đi vào cuộc sống, chứ không dừng lại là những công trình nghiên cứu xong để đó, hay những cuộc “trùng tu trên giấy”.

(Theo Lao Động) 

Đặng Chung
Bạn đang đọc bài viết "Nghiên cứu văn nghệ dân gian: Để không là “mô tả, trùng tu trên giấy”" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.