Sau một thời gian trầm lắng với những nỗ lực của các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu và những khán giả, bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã được hồi sinh. Liên hoan nghệ thuật ca trù 2017 tại Hà Nội đã mang đến những khởi sắc cho bộ môn nghệ thuật này.
Tạo điều kiện để ca trù có đất diễn
Hà Nội được coi là cái nôi của nghệ thuật ca trù với 14 câu lạc bộ (CLB) đang hoạt động tại cơ sở. So với thời điểm ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, thì ca trù ở Hà Nội hiện nay khởi sắc hơn rất nhiều.
Đặc biệt mỗi năm, những cuộc liên hoan nghệ thuật ca trù tại các địa phương đã được tổ chức khá tưng bừng. Đây chính là môi trường để các giáo phường, các ca nương có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Cũng tại các cuộc thi này, nhiều ca nương nhí đã được phát hiện và được bồi dưỡng trở thành những thế hệ kế cận trong tương lai.
Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) Hà Nội đã phối hợp với phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) tổ chức Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội năm 2017 tại Trung tâm Văn hóa làng Vạn Phúc. Có thể thấy, hiện nay thành phố Hà Nội là địa phương sở hữu “vốn” ca trù nhiều nhất, phong phú nhất cả nước.
Sau gần 8 năm được UNESCO vinh danh, ca trù ở Hà Nội đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ. Thống kê của Sở VH-TT Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 14 CLB, nhóm ca trù đang hoạt động sôi nổi. Nhiều CLB tạo được uy tín, tiếng vang lớn trong và ngoài nước như CLB Ca trù Thái Hà, CLB Ca trù Hà Nội, CLB Ca trù Lỗ Khê, Giáo phường Ca trù Thăng Long…
Nếu những năm trước đây, số người thực hành ca trù ở Hà Nội chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, thì ngày nay đã có hàng trăm người tham gia sinh hoạt thường xuyên, trong đó có khoảng 50 người đủ khả năng truyền dạy.
Tuy nhiên trên thực tế, các CLB này vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do thiếu kinh phí cũng như sự định hướng trong quá trình phát triển.
Vườn ươm những tài năng
Những cuộc liên hoan nghệ thuật ca trù được tổ chức chính là những sân chơi nghệ thuật để các ca nương thể hiện tài năng âm nhạc của mình.
Tại Liên hoan nghệ thuật ca trù Hà Nội 2017 vừa qua, ca nương Nguyễn Thục Trinh (9 tuổi), đến từ CLB Ca trù Lỗ Khê, xã Liên Hà (Đông Anh) đã thuyết phục người nghe với giọng ca của mình.
Những kỹ năng như hát nói, bỏ bộ, bắc phản… đã được em thể hiện khá điêu luyện. Được biết giọng ca Nguyễn Thục Trinh đã gây ấn tượng tại Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016 và nhiều cuộc thi khác.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan nhận xét: “Giọng ca của ca nương nhí này đạt độ vang, rền, nền, nảy chuẩn mực của ca trù, càng nghe càng mê, càng say”.
Theo ông để nghệ thuật ca trù được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ, Hà Nội nên đưa ra các giải pháp để lớp trẻ hăng say hơn trong quá trình tìm hiểu, tiếp nối và cống hiến.
Đó là việc đầu tư kinh phí hợp lý cho các CLB trao truyền, nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật trong cộng đồng; tăng cường vai trò tư vấn chuyên môn của các nhà khoa học đối với hoạt động của các CLB, giúp các CLB thực hành di sản bài bản hơn.
Trên cơ sở kiểm kê, đánh giá toàn diện, tổng thể về ca trù, các địa phương cần xây dựng đề án bảo tồn cụ thể, phù hợp với đặc thù riêng. Trong đề án này, các cơ quan chức năng nên ưu tiên đầu tư, tạo điều kiện cho ca trù có không gian biểu diễn, truyền dạy thường xuyên.
Về vấn đề này, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các CLB, các nghệ nhân ca trù hoạt động, phát triển thông qua các hội thi, hội diễn, qua chương trình giáo dục di sản trong trường học.
“Ngành văn hóa với chức năng quản lý Nhà nước về di sản sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án bảo tồn di sản ca trù trên cơ sở phù hợp với đặc thù của Thủ đô, góp phần thiết thực đưa ca trù thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Ông Trương Minh Tiến