Nghệ sỹ Thanh Bùi: Chữ ‘ca sỹ’ ở ta hơi bị... rẻ tiền?

16/07/2015 08:19

Theo dõi trên

Làm giám khảo, anh gây ấn tượng với khán giả bởi sự nhiệt tình, thân thiện và hết lòng với các thí sinh. Tuy nhiên, anh cũng thẳng thắn cho rằng, nghề ca sỹ ở Việt Nam vẫn khá dễ dàng và còn bị "ì xèo

Ca sỹ Thanh Bùi không còn là cái tên xa lạ với showbiz Việt. Sau khi về Việt Nam, anh từng là giọng hát nam xứng đôi với Thu Minh, Hồ Ngọc Hà... trong nhiều MV dành cho giới trẻ. Chàng ca sỹ có giọng hát khoẻ khoắn cũng là giám khảo khá thành danh của cuộc thi The Voice Kids này, hiện lại đang là một trong bốn vị giám khảo của Vietnam Idol 2015. Anh gây ấn tượng với khán giả bởi sự nhiệt tình, thân thiện và hết lòng với các thí sinh. Tuy nhiên, khi nói về nghề, anh cũng thẳng thắn cho rằng, nghề ca sỹ ở Việt Nam vẫn khá dễ dàng và còn bị "ì xèo".

Sống một lần thì sống cho hết mình!
 

 
Ca sỹ Thanh Bùi.

Cảm giác của anh thế nào khi làm giám khảo Vietnam Idol 2015?

Tôi cảm thấy rất vui khi được góp mặt trong một sân chơi âm nhạc như Vietnam Idol. Tôi luôn yêu thích những chương trình như thế này vì nó tạo cơ hội cho các bạn trẻ đam mê âm nhạc được sống trọn vẹn với tình yêu của mình. Ngồi trên ghế giám khảo, tôi muốn mình đến gần và tạo cho các em cảm giác gần gũi giống như một đàn anh đang theo dõi sự trưởng thành của các em hằng ngày. Tôi thấy mỗi thí sinh là một màu sắc khác nhau nên tạo ra sự đa dạng về thí sinh cho cuộc thi.

Việc trở thành giám khảo Vietnam Idol có làm thay đổi lịch làm việc cũng như cuộc sống của anh không?

Thời gian qua, tôi vất vả hơn nhiều bởi vì phải cân bằng giữa việc làm giám khảo, chỉ dạy cho thí sinh Vietnam Idol và đảm bảo công việc giảng dạy âm nhạc ở trường cũng như các kế hoạch âm nhạc ở nước ngoài. Nhưng may mắn, sau lưng tôi có sự hỗ trợ của cả một đội ngũ mà tôi xem như gia đình, giúp tôi duy trì nhịp độ mọi thứ. Vì thế, cuộc sống của tôi cũng không có nhiều xáo trộn.

Từng làm giám khảo The Voice Kids và bây giờ là Vietnam Idol, chắc hẳn anh cũng nhận thấy có nhiều sự khác biệt giữa hai chương trình?

Tất nhiên là khác nhiều chứ. The Voice Kids là chương trình dành cho trẻ em còn Vietnam Idol thì đối tượng thí sinh lớn hơn. Hiện nay, có nhiều chương trình truyền hình mà giám khảo được chú trọng hơn cả thí sinh. Điều này có cả tốt và không tốt. Ở khía cạnh nhà sản xuất thì có thể lý giải được vì sao lại tập trung vào giám khảo hơn thí sinh. Nhưng, tôi mong muốn có thêm nhiều sân chơi thực thụ cho những bạn trẻ yêu thích âm nhạc. Từng là thí sinh tham gia cuộc thi rồi lăn lộn bao nhiêu năm trong nghề, tôi hiểu rõ cảm giác bị lạc lõng và không có định hướng khi mới vào nghề. Các em thí sinh bây giờ cần người có kinh nghiệm định hướng và dẫn dắt. Bản thân tôi rất hào hứng khi được làm điều này cho các em.

Trên cương vị một giám khảo của chương trình, anh đánh giá như thế nào về những thay đổi của chương trình Vietnam Idol 2015?

Từ thành phần ban giám khảo đến cách tổ chức chương trình đều được thay đổi so với các mùa trước. Tôi khá thích điều này. Tôi nghĩ, vì giữa sự cạnh tranh không ngừng và những đòi hỏi tăng cao của khán giả, ban tổ chức tạo ra đổi mới cũng chỉ là muốn chương trình ngày một tốt hơn, thu hút hơn. Xem một chương trình được đầu tư, trau chuốt kỹ lưỡng, khán giả cũng cảm thấy hài lòng.

Trải qua những vòng sơ loại ban đầu, nhiều khán giả cho rằng, năm nay Vietnam Idol có vẻ ưu ái các thí sinh có ngoại hình bắt mắt hơn là chỉ chú trọng giọng hát? Anh nhận định về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ là năm nay có những giọng hát “khổng lồ”, nhưng quan trọng hơn là những màu sắc khác biệt. Hát hay là như thế nào? Câu hỏi này nó có nhiều câu trả lời lắm. Có thể là hát thật to, quãng rộng, kỹ thuật tốt… nhưng theo suy nghĩ của tôi, đó không phải là hát hay. Với tôi, hát hay là phải hát có tình cảm, có màu sắc riêng trong tiếng hát, biết truyền lại cảm hứng cho khán giả và có đủ sự chân thật trên sân khấu... Đó mới là những điều tôi cần.

Việc vừa làm giám khảo Vietnam Idol 2015, vừa quản lý học viện âm nhạc Soul Music Academy có ảnh hưởng đến các sản phẩm âm nhạc riêng của anh?

Việc ra sản phẩm âm nhạc dựa trên cảm hứng nhiều hơn. May mắn là những nhân viên trong học viện của tôi rất đoàn kết, giống như tôi là cái đầu, còn mọi người là cánh tay vậy. Ngoài những công việc như bạn vừa nêu, tôi còn có rất nhiều dự án âm nhạc ở trong và ngoài nước, nhưng tôi nghĩ, sống một lần thì sống cho hết mình để nếu có chết cũng không sao hết.

Nghệ thuật đang bị bán rẻ

Anh có định xây dựng Soul Music Academy trở thành một công ty giải trí nơi không chỉ đào tạo mà còn quản lý các ca sỹ nổi tiếng giống như Hàn Quốc, Nhật Bản hay trên thế giới đang làm?

Không hề, mình không phải Hàn Quốc thì sẽ không đi theo cách đó. Riêng về nghệ thuật ở Việt Nam, có rất nhiều vấn đề phải giải quyết, mà vấn đề quan trọng nhất là giáo dục âm nhạc. Để định hướng được thị trường âm nhạc, những người đang làm nghệ thuật cần phải hiểu hơn về âm nhạc. Tôi muốn các em nhỏ ở Việt Nam được học nhiều hơn về âm nhạc. Sự khác biệt giữa trẻ em Việt Nam và trẻ em nước ngoài là ở nước ngoài trẻ em rất tự tin, dám làm, dám nói, dám thể hiện cá tính. Chính vì vậy, tôi muốn đầu tư vào giáo dục âm nhạc, hy vọng điều đó mang đến sự thay đổi về tư duy cho thế hệ trẻ sau này.

Anh có cho rằng, việc chưa chú trọng đến giáo dục âm nhạc là điểm yếu của nền âm nhạc Việt Nam so với Hàn Quốc?

Còn hơn thế nữa, chữ “ca sỹ” ở Việt Nam nó hơi bị rẻ… tiền, nghệ thuật bị bán rẻ. Có thể tôi nói sẽ có những người phản bác lại, nhưng rõ ràng đây không phải là quan điểm của riêng tôi. Hàng ngày, tôi ngồi nói chuyện với các phụ huynh và các phụ huynh nói rằng: “Thầy ơi, tôi không muốn con tôi vào... showbiz đâu”. Bởi vì nó quá lố bịch, làm ca sỹ ở Việt Nam quá dễ dàng, còn ở nước ngoài lại là một điều cực kỳ khó. Thế hệ trẻ cần phải hiểu nghệ thuật là văn hóa, khi mình đụng chạm đến văn hóa thì mình phải bảo vệ văn hóa. Sự khác biệt của người Việt và người Thái là văn hóa, sự khác biệt với người Australia cũng là văn hóa… Nếu mình không xây dựng được văn hóa thì sẽ mất tất cả. Tôi hy vọng thế hệ sau sẽ phát triển hơn, không chỉ phát triển bề ngoài mà phát triển cả cốt lõi bên trong. Cái gì cũng đầu tư một thời gian rất dài, tôi không đi biểu diễn nhiều là vì muốn đầu tư cho thế hệ trẻ nhiều hơn.

 
 
Ca sỹ Thanh Bùi hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp.

Bận rộn với Vietnam Idol và những công việc khác như bây giờ, anh có còn nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình không?

Tôi thấy mình may mắn vì luôn có những người thân bên cạnh trợ giúp. Với Soul Music Academy, tôi làm việc rất thoải mái. Bản thân tôi giống như phần đầu, còn trợ lý và các nhân viên là tay chân vậy. Mọi người hợp tác rất vui vẻ nên không có bất cứ vấn đề gì. Một may mắn nữa là tôi có người vợ luôn yêu thương và thấu hiểu. Sau một ngày làm việc, tôi thấy thoải mái nhất là giây phút được về nhà, trò chuyện và chia sẻ với vợ những tâm sự vui buồn. Có những chuyện tôi chỉ có thể nói được với cô ấy và cũng chỉ có cô ấy mới hiểu tôi. Có một nơi mình thuộc về, đối với tôi đó là nguồn sức mạnh tinh thần vô giá.
Bình thường, tôi thức dậy lúc 6h sáng và về nhà lúc khoảng 21h. Tuy nhiên có những ngày về nhà lúc 2h sáng thì cũng không có vấn đề gì. Đôi khi thấy tôi mệt mỏi, vợ tôi còn hỏi tôi có muốn bay xa hơn nữa không, cô ấy sẽ chắp cánh cho tôi ấy chứ. Chắc chắn là tôi sẽ sáng tác tặng cho bà xã rồi. Sắp tới đây sẽ có một bài tôi viết cho vợ được ra mắt khán giả. Vợ tôi là một người có tính nghệ sỹ, những bài hát của tôi phải có sự đồng ý của cô ấy thì mới ra thị trường được...

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo Lạc Thành/Người Đưa Tin

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ sỹ Thanh Bùi: Chữ ‘ca sỹ’ ở ta hơi bị... rẻ tiền?" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.